Xúc phạm và phụng sự xã hội
Phong cách sống - Ngày đăng : 02:17, 08/04/2009
Một doanh nhân trẻ đã khoe về một dự án mà mình được dự phần như thế này: “Đó sẽ là một nơi cực kỳ sang trọng. Họ sẽ tổ chức những chương trình tiệc tùng thượng lưu, chỉ dành cho những người vừa giàu vừa sang. Sự xuất hiện của công trình này sẽ tạo được một sự đột phá cho Việt Nam, thoát khỏi hình ảnh nhà quê lên tỉnh hay những kiểu tầm tầm đang nhan nhản ngoài kia. Giá sẽ đắt đó, nhưng không sao! Khách hàng mình hướng tới là người giàu mà, chủ yếu là bọn Tây thôi, chứ cũng chẳng cần khách Việt Nam đâu. Họ mà vào càng chỉ tổ làm xấu đội hình chứ cũng chẳng tăng doanh thu là mấy”.
Hành xử thiếu văn hóa, nỗi xót xa chung của những người quan tâm đến văn hóa sống và vị thế của người Việt trong mối tương tác với cộng đồng quốc tế. |
Một nữ doanh nhân nói về khát vọng “khai sáng” người tiêu dùng nội địa như thế này: “Người Việt Nam còn khờ lắm, không có mấy người phân biệt được ngọc trai, kim cương tốt hay xấu cả. Rồi hàng hiệu bị trà trộn cũng đâu có phân biệt được đâu! Vì vậy mà bị bọn nước ngoài nó lừa thê thảm. Do đó, cái chị muốn làm ở đây là để giúp nâng cao tầm mắt của họ, để họ không còn quẳng tiền ra mà vẫn bị người khác khinh thường”.
Và một người làm trong ngành sáng tạo kịch bản quảng cáo: “Bạn mà đi nước ngoài, bạn sẽ thấy bên đó bao nhiêu là mẫu quảng cáo hay. Các mẫu quảng cáo hay nhiều khi không được chiếu ở Việt Nam vì bị kiểm duyệt, cắt xén hay bị cho là vi phạm đạo đức, mỹ tục gì đó. Các ông sếp trong công ty tôi nhiều lần bực mình bảo rằng “Người Việt Nam tụi mày stupid (ngu ngốc) lắm!”. Chính vì vậy mà nhiều ý tưởng quảng cáo độc đáo không triển khai được”...
Trong quá trình nói chuyện, khi nói về “khách Việt Nam”, “người Việt Nam tụi mày”... các vị trên lộ rõ thái độ chán nản, chua chát và luôn đứng ở vị thế của “bọn nước ngoài”, “tụi Tây” hay các “ông sếp” - tức những người đã lên tiếng chê bai hay đang đánh lừa “khách Việt Nam”, “người Việt Nam tụi mày”, chứ không phải nỗi xót xa khi mình, đồng bào mình bị xúc phạm. Và đến đây thì cuộc nói chuyện của chúng tôi đi vào ngõ cụt dù các doanh nhân kia vẫn còn sẵn sàng thao thao bình luận, phân tích những cái “xấu xí”, “ngu ngốc” của khách hàng nội địa.
Trung thực mà nói, những gì họ kể tội hay chê bai không hề sai. Hơn nữa, nhiều điểm trong đó còn là nỗi xót xa chung của những người quan tâm đến văn hóa sống và vị thế của người Việt trong mối tương tác với cộng đồng quốc tế. Đó là hệ quả của xuất phát điểm thấp, là sự yếu thế của cư dân ở một đất nước còn nghèo. Nhưng một nhà kinh doanh hay một người làm sáng tạo quảng cáo thì không thể có cái nhìn xuống và thái độ miệt thị hay tư tưởng đi “khai hóa” sự u tối cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng đồng bào của mình.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE từng nêu một khái niệm mà nhiều doanh nhân rất tâm đắc: Doanh nhân làm giàu bằng cách phụng sự xã hội. Nghe có vẻ cao siêu, song một cách gần gũi nhất, sứ mệnh của những nhà kinh doanh là làm cho xã hội và khách hàng của mình tiến bộ, tốt đẹp lên. Sứ mệnh ấy khác với tâm thế của người đi “khai hóa”, “mở óc” cho những kẻ kém cỏi, u tối. Chính vì thị trường đang thiếu, xã hội đang thiếu, nên mới cần đến vai trò của doanh nhân.
Thế nên, đừng tự đặt mình ở vị thế của người văn minh, người phương Tây mà thiếu cảm thông với khách hàng đồng bào mình. Nếu giữ tư thế đó, sẽ không thể nghe, hiểu và phục vụ, chứ đừng nói là tôn trọng khách hàng như thượng đế. Có thể còn khá sớm để kết luận, nhưng thực tế đang chứng minh, cho đến lúc này, công việc và các dự án kinh doanh của 3 “tác giả” của các phát biểu trên chưa thành công hay gây được tầm ảnh hưởng gì với cộng đồng như những mục tiêu to lớn mà họ đặt ra.