Năm quy tắc vàng khi sử dụng điện thoại di động

Phong cách sống - Ngày đăng : 02:57, 12/12/2006

Trao đổi thông tin qua điện thoại di động (ĐTDĐ) là một trong những cách giao tiếp phổ biến của thế kỷ 21. Nếu biết cách sử dụng một cách khéo léo, nó sẽ làm tăng sự thân thiết, thú vị trong các mối quan hệ...
Năm quy tắc vàng khi sử dụng điện thoại di động

Trao đổi thông tin qua điện thoại di động (ĐTDĐ) là một trong những cách giao tiếp phổ biến của thế kỷ 21. Nếu biết cách sử dụng một cách khéo léo, nó sẽ làm tăng sự thân thiết, thú vị trong các mối quan hệ. Năm quy tắc duới đây sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm đáng tiếc có thể làm phật lòng bạn bè hoặc “dội gáo nước lạnh” vào những mối quan hệ mới thiết lập:

Đừng “bỏ quên” người bên cạnh khi nhận hoặc nghe ĐTDĐ

Trong hầu hết mọi hoàn cảnh, nếu bên cạnh bạn là có sự hiện diện của ai đó thì phải đặc biệt tế nhị khi nhận hoặc gọi ĐTDĐ. Tốt nhất, nên xin lỗi họ một cách lịch sự rồi cố gắng kết thúc cuộc gọi hoặc nghe một cách sớm nhất. Chắc chắn, một lời cáo lỗi nhã nhặn kiểu như: “Để chút nữa tôi gọi lại cho anh nhé” sẽ không làm cho người đang giao tiếp với bạn phật lòng.

Luôn để điện thoại ở chế độ rung khi tham dự hội nghị, hội thảo...

Trong không khí trang trọng, tiếng chuông điện thoại dù êm dịu cách mấy cũng trở thành “chát chúa”. Công việc kinh doanh bận rộn, bạn không thể “vô tư” tắt máy, nhưng hãy cố gắng tập thói quen chuyển ĐTDĐ sang chế độ rung (silent) trước khi bước vào phòng họp.

Chọn thời điểm phù hợp để gọi

Nếu không có gì khẩn cấp thì tốt nhất nên tránh gọi cho ai đó vào những lúc quá khuya, trong giờ nghỉ trưa, đầu giờ sáng Thứ hai hoặc những khi bạn biết rõ là họ đang bận rộn việc gì đó. Còn trong mọi trường hợp, nếu muốn nói chuyện hơi dài một chút thì đừng quên hỏi người được gọi xem có gì bất tiện không.

Tìm nơi thuận tiện để trò chuyện

ĐTDĐ là sở hữu cá nhân, nên tất cả các cuộc giao tiếp được thực hiện thông qua nó đều thuộc vấn đề “riêng tư”. Không ai muốn bị bạn tra tấn bằng sự “vô tư” tâm sự với ai đó. Trước khi bấm máy hoặc nhấc máy, hãy kín đáo quan sát xem liệu mình có làm phiền ai không. Nếu có thì tốt nhất hãy tìm chỗ thuận tiện.

Nói vừa đủ nghe

Quy tắc này sẽ tránh cho bạn những ánh nhìn tò mò hoặc ác cảm ở nơi công cộng. Còn khi ở công ty, đặc biệt là trong giờ làm việc thì sẽ không làm ảnh hưởng đến sự tập trung vào công việc của người khác. Tuy nhiên, nói vừa đủ nghe khác với nói... thì thào. Đôi khi, vì cẩn trọng quá bạn lại nói quá nhỏ, khiến người ở đầu dây không nghe rõ, dẫn đến nội dung trao đổi không rõ ràng thì cũng phiền!

BÌNH MINH tổng hợp