Thiết thực học tập tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong nước - Ngày đăng : 08:35, 19/05/2008

Bác Hồ không phải là một nhà kinh tế học, điều đó thì đã rõ. Thế nhưng, có rất nhiều những câu nói của Bác lại là những chỉ dẫn kinh tế thật sâu sắc.
Thiết thực học tập tư tưởng Hồ Chí Minh

Bác Hồ không phải là một nhà kinh tế học, điều đó thì đã rõ. Thế nhưng, có rất nhiều những câu nói của Bác lại là những chỉ dẫn kinh tế thật sâu sắc.

Cán bộ xã viên HTX Hồng Thái và đại biểu nhân dân huyện Ninh Giang phấn khởi chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm - 15/2/1965

Chẳng hạn, trong thời đoạn mà tư duy kinh tế của lãnh đạo chịu ảnh hưởng nặng nề của mô hình kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô, công nghiệp nặng được ưu tiên phát triển còn nông nghiệp chỉ được coi là lĩnh vực phối hợp, thứ yếu.Đã không ưu tiên, lại là thứ yếu thì tuy đại bộ phận nền kinh tế là nông nghiệp, nông nghiệp và nông thôn và nông dân vẫn bị coi nhẹ.

Chính tại thời điểm đó, trong bài nói tại đại hội Đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa ngày 19/7/1960, Bác lại khẳng định: “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính”.

Cũng như thế, bị chi phối bởi chủ nghĩa giáo điều trong tư duy kinh tế, trong mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp loại bỏ thị trường, ai nghĩ đến kinh tế thị trường thì bị xem như là thiếu kiên định về tư tưởng, quan điểm, lập trường, thì chính trong bài “Ba mươi năm hoạt động của Đảng” viết cho Tạp chí “Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội” số 2/1960, Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

“Ở miền Bắc nước ta, nông nghiệp chiếm bộ phận lớn trong kinh tế, mà sản xuất nhỏ lại chiếm bộ phận lớn trong nông nghiệp. Vì nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay, cho nên cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác”.

Hiện nay, trong đà phát triển chung, đang xuất hiện một xu hướng lệch lạc của nơi này, nơi khác trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa một cách thô thiển. Xu hướng đó dẫn tới việc công nghiệp hóa, đô thị hóa được diễn ra một cách ồ ạt, mang tính tự phát ngẫu hứng với cái nhìn thiển cận, dẫn đến việc không coi trọng nông nghiệp và nông thôn, bỏ quên nông dân.

Người ta quên mất rằng, cho đến 2020, khi Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp thì thực tế, nông nghiệp vẫn còn chiếm 9,6% GDP, lao động nông nghiệp sẽ còn từ 22,6% đến 49% và lao động nông thôn vẫn có thể còn từ 61,3% đến 72,6%.

Cần lưu ý, ngay lúc đã công nghiệp hóa rồi, vai trò của nông nghiệp ở các nước đang phát triển trong đó có nước ta, sẽ vẫn còn cao, và về thực chất vẫn còn là nước công nông nghiệp (ở Trung Quốc năm 2020, nông nghiệp còn chiếm 4,8% GDP, lao động nông nghệp vẫn còn 34,6% và dân số nông thôn còn 45% - Dự báo của Tổ chức Carnegie).

Ấy vậy mà, nhân danh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, người ta tùy tiện quy hoạch, thoải mái lấy đất nông nghiệp màu mỡ có khả năng làm 2 - 3 vụ lúa, để trao cho chủ đầu tư thuê trong thời hạn 50 năm làm sân golf!

Chỉ 6 tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Long An và Lâm Đồng đã có 34 dự án đầu tư vào sân golf được cấp phép và chấp nhận đầu tư với diện tích hơn 13.000ha! Hàng ngàn ha lúa, hoa màu và cuộc sống của hàng ngàn người nông dân bị đảo lộn khi phải nhường đất cho sân golf.

Có tỉnh trồng lúa như Long An, mà dự kiến quy hoạch đến 18 sân golf. Các dự án này có tổng diện tích gần 800ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Cần Giuộc, thậm chí có một xã dự kiến sẽ có từ 3 đến 6 sân golf.

Trước áp lực của dư luận, nay 8 dự án đầu tư sân golf phải chuyển mục đích đầu tư sang khu dân cư đô thị, khu du lịch sinh thái, song gần 800 ha đất nông nghiệp thì cũng đã chuyển đổi mục đích sử dụng!

Xung quanh Hà Nội, Hà Tây hiện có khoảng 30 sân golf đã và đang được xây dựng! Ở An Giang, theo đề án của tỉnh, thì đến năm 2010 sẽ có 17.740ha đất nông nghiệp được lấy để phát triển công nghiệp và đô thị, năm 2020 sẽ là 31.154ha, như vậy là diện tích đất nông nghiệp của An Giang đến 2020 chỉ còn 249.504ha.

Từ năm 2000 đến nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng khoảng 40 khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến 10.500ha. Trong ba năm tới, còn có kế hoạch sử dụng thêm 40.000ha đất nông nghiệp cho các dự án công nghiệp.

Mỗi năm, theo tạp chí Time, có khoảng 40.000ha đất nông nghiệp ở nước ta mất dần để xây dựng các khu công nghiệp, đường cao tốc và các đô thị. Về lĩnh vực này, quả thật chúng ta không thua kém ai! “Các sân golf đang xé nát những cánh đồng lúa”, hãng Reuters bình luận.

Cũng theo Reuters, từ Indonesia, Philippines, Thái Lan, các cánh đồng lúa bạt ngàn ngày nào giờ đang nhường chỗ cho những sân golf, khách sạn, villa... Số liệu của Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, riêng tại Bali, nơi các sân golf mọc lên như nấm, diện tích trồng lúa chỉ còn 145.000ha so với 182.000ha vào năm 1980!

Đúng là chúng ta đã đuổi kịp và vượt những nước chung quanh về việc coi nhẹ nông nghiệp và bỏ mặc nông dân, lấy ruộng trồng lúa để xây dựng sân chơi cho các đại gia! Cái cách tính toán là một ha đất nông nghiệp chỉ thu lợi bằng mấy phần trăm cùng diện tích ấy dành cho xây dựng sân golf thoạt nghe có lý, nhưng ngẫm kỹ thì đó là một kiểu tư duy vong bản.

Với một nước có truyền thống trồng lúa, đã tích lũy được bao kinh nghiệm của nền văn minh lúa nước vùng nhiệt đới gió mùa, thế mà lại nhanh nhẩu “học tập” những tấm gương phản diện về “công nghiệp hóa, đô thị hóa” theo lối cũ của thời tích lũy tư bản kiểu hoang dã “cừu ăn thịt người” mà F.Engels đã cảnh báo, chỉ biết cái lợi trước mắt, không nghĩ đến cái hại lâu dài.

Theo số liệu kiểm kê, tính đến ngày 1/1/2007 thì diện tích đất trồng lúa của cả nước đã giảm 34.330ha so với số lượng kiểm kê ngày 1/1/2005. Số lượng giảm tập trung vào Đồng bằng sông Cửu Long là 15.000ha, ở Đồng bằng sông Hồng giảm 8.000ha, ở Đông Nam bộ giảm 6.600ha, ở Bắc Trung bộ giảm 2.340ha. Mỗi năm, đất nông nghiệp giảm 73.000ha.

Trong bối cảnh này, tưởng chuyện nhắc lại lời của Hồ Chí Minh nói cách nay nửa thế kỷ xem ra vẫn còn tính thời sự: “nông thôn giàu có sẽ mua nhiều hàng hóa của công nghiệp sản xuất ra, đồng thời sẽ cung cấp đầy đủ lương thực nguyên liệu cho công nghiệp và thành thị, như thế là nông thôn giàu có giúp công nghiệp phát triển. Công nghiệp phát triển lại thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh hơn nữa”.

Đối chiếu với diễn biến hiện nay, khi mà lương thực, thực phẩm đang là vấn đề bức xúc trong đời sống quốc tế, nhiều nhà khoa học và tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo vấn nạn này thì ngược dòng thời gian một nửa thế kỷ, suy nghĩ về những khuyến cáo của Hồ Chí Minh mới càng hiểu ra tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tầm vóc ấy không chỉ dừng lại ở những tư tưởng kinh tế mà vươn xa hơn rất nhiều, vượt hẳn lên mặt bằng quan điểm, chính sách của một thời.

Xin hãy nhớ lại một định hướng phát triển kinh tế được đúc kết cô đọng trong câu nói mộc mạc của Hồ Chí Minh vào cuối những năm 40 của thế kỷ trước: “Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu và giàu thì giàu thêm”.

Câu ấy Bác Hồ nói với “các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa” vào ngày 20/2/1947, trong dịp về thăm tỉnh Thanh. Ý tứ ấy được nhắc lại trong bài viết “Thanh Hóa kiểu mẫu” hiện còn bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ, người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”.

Thật ra, nói đó là định hướng xây dựng kinh tế thì chưa đủ, tuy đúng là Bác nói về cách làm ăn, thậm chí phảng phất những mệnh đề tư tưởng Khổng Mạnh: “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, “làm gấp gáp, tiêu thư thả”, “có hằng sản mới có hằng tâm”… Đúng hơn, phải thấy tầm vóc của tư duy chính trị, tầm vóc của người lãnh sứ mệnh “kinh bang tế thế”.

Cần lưu ý thời điểm xuất hiện của câu nói ấy. Đó là thời điểm cực kỳ khẩn trương, một tháng sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Trung ương và Chính phủ đang chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc.

Lúc ấy, Bác Hồ đang làm việc ở Chùa Thầy - Sơn Tây, cách Hà Nội không xa, nơi đang diễn ra cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân Thủ đô kìm chân giặc, Bác đã bất ngờ quyết định cần đi ngay vào Thanh Hóa trước khi lên Việt Bắc.

Ngày 17/2/1947 xuất phát, đêm nghỉ lại ở đồn điền Chi Nê, hôm sau vào đến thị xã Thanh Hóa. Tại đây, ngày 20/2/1947 Bác làm việc với cán bộ và gặp gỡ nhân dân để động viên nhân dân trường kỳ kháng chiến.

Tin chắc vào thắng lợi, chính vào lúc tình hình hết sức khẩn trương đó, Bác dành nhiều thì giờ nói về việc xây dựng xã hội mới, và câu nói vừa dẫn ra ở trên chính là nội dung vừa đơn giản, vừa dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người, thể hiện được khát vọng cháy bỏng của mọi tầng lớp nhân dân, không thiếu một ai.

Có hiểu ra điều này mới nhận thức được cách định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Chính sự “mộc mạc” trong “nói một cách tóm tắt” đó có sức thuyết phục mãnh liệt, đi thẳng vào lòng người.

Mà được như vậy chính vì Hồ Chí Minh nói lên cái lý tưởng vĩ đại ấy bằng chính sự trải nghiệm của cả cuộc đời mình. Nói lên tư tưởng vĩ đại đó bằng tiếng nói của trái tim yêu nước, yêu dân của mình. Những khẩu hiệu sáo mòn, những câu nói đầu lưỡi, trong đó không có được sự sống thực của con người, mạch sống thực của nhân dân, chỉ cất lên từ cuống họng vô cảm, thì không sao đến được với dân.

Bác Hồ nói được như vậy vì Người đã thật sự sống cuộc sống của dân, nhận thức sâu sắc được nguyện vọng sâu xa nhất và thiết thực nhất của các tầng lớp nhân dân.

Phải thấy rõ rằng, quả thực, vào thời ấy, hệ thống luận điểm của Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ, khó lòng tưởng tượng. Nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng của những con người mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh đã vạch đường cho thời đại.

Mà đạt được điều đó, chính vì sự bình thường có được sau khi đã trải qua sự cao siêu; có sự giản dị sau khi đã trải qua sự phong phú, đa dạng, phức tạp, mộc mạc sau khi đã rất tinh tế. Có được sự sáng tạo đó vì con người ấy “có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn” như Phạm Văn Đồng đã viết.

Từ quan điểm trên, đường lối cho đến cách sống, cách nói, cách viết, Hồ Chí Minh quyết liệt chống sáo mòn, hướng tới cái thiết thực, đạt tới hiệu quả cao nhất.

Có thể dẫn ra đây bình luận vắn của Jean Lacouture thay cho nhiều lời giải thích về sự sáng tạo đó:

“Lãnh đạo một cuộc chiến đấu chưa từng có về sự chuyển biến của chiến thuật và tình huống, về tính đa dạng của cách xử trí, về những hy sinh phải chấp nhận, về sức mạnh yếu khác nhau một trời một vực ở mặt vũ khí….có nhà cách mạng nào đủ gan lớn mật để chống đối một liệt cường với một quyết tâm bền bỉ đến thế.

Ông Hồ hồi sinh một dân tộc, tái tạo một quốc gia, lãnh đạo hai cuộc chiến tranh về cơ bản là chiến tranh của những người bị áp bức. Cuộc chiến đấu của ông chống Pháp đã dẫn đến sự giải tán một đế quốc thuộc địa lớn. Cuộc chiến đấu của ông chống Mỹ cho thấy cái giới hạn của sức mạnh kỹ thuật khi đương đầu với con người”.

Có thể nói, thành tựu đang ghi nhận nhất của Đảng sau Đổi mới, là đã nhận thức được để đúc kết những điều cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu xây dựng xã hội vào trong khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Liệu trong suốt thời gian qua, đã có lúc nào chúng ta dám mạnh dạn chỉ ra: trong từng lĩnh vực hướng tới mục tiêu ấy, những gì chúng ta đang làm trái với tư tưởng Hồ Chí Minh?

Dám mạnh dạn chỉ ra những cái đó, mới có cơ sở để quyết liệt đề ra giải pháp từng bước khắc phục. Đó là cách hay nhất để học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.

TƯƠNG LAI