Thực & Đạo

Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 08:57, 11/03/2008

Sài Gòn không thiếu quán bán món chay, nhưng nhà hàng chay thì tôi chưa từng thấy đó là nhà hàng Việt Chay Vĩnh Nghiêm...
Thực & Đạo

Qua rằm tháng Giêng, một người bạn doanh nhân điện thoại khoe: “Mình mới khám phá ra một nhà hàng chay rất ngon và độc đáo”. Sài Gòn không thiếu quán bán món chay, nhưng nhà hàng chay thì tôi chưa từng thấy. Tò mò và muốn “kiếm chứng” lời bạn, tôi tìm đến địa chỉ chị cho và thật bất ngờ khi biết một trong 5 người tạo ra không gian đậm chất thiền ấy là một phụ nữ mảnh mai, còn khá trẻ. Chị là Huỳnh Long Ngọc Diệp (ảnh), hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Ngọc Việt, người trực tiếp điều hành nhà hàng Việt Chay Vĩnh Nghiêm...



Dừng xe trước cánh cổng uy nghi của chùa Vĩnh Nghiêm (339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3), rảo bước qua một khoảng sân rộng, tôi bước vào nhà hàng Việt Chay. Đón tôi là nụ cười tươi rói của hai cô lễ tân cùng cách chào theo nghi thức Phật giáo. Bước tiếp qua cánh cửa kính, qua một chiếc cầu gỗ xinh xinh là một không gian tĩnh lặng, ngan ngát mùi hương trầm, tách biệt hẳn với không khí ồn ào, náo nhiệt vốn có của Sài Gòn.

Cảm giác hòa mình với thiên nhiên được tạo ra từ sắc màu của hoa lá cỏ cây cùng với sự sắp đặt tinh tế của chủ nhân: chiếc lồng đèn Hội An tỏa ánh sáng dìu dịu, vài bức tranh thủy mặc, những bài thơ mang “hơi thở” của thiền được viết theo lối thư pháp Việt...Thấy tôi chăm chú đọc một bài thơ trên bức mành gỗ, Ngọc Diệp bày tỏ: “Mình muốn đem lại cho thực khách tới đây một cảm giác tĩnh tại, tạm quên đi những vất vả bon chen của cuộc sống thường nhật. Vừa thưởng thức những món ăn chay tịnh, khách vừa có thể đàm đạo về nhân tình thế thái hoặc tìm hiểu về triết lý nhà Phật...”.

Tại sao lại là nhà hàng chay, và lại xuất hiện đầu tiên ở một ngôi chùa nổi tiếng thuộc trung tâm thành phố? Để trả lời câu hỏi của tôi, Ngọc Diệp bảo đó là kết quả của những sự gặp gỡ tình cờ mà “nên duyên”. Ý tưởng ban đầu là của sư cô Huệ Đức ở chùa Quan Âm Tu Viện (Phú Nhuận). Sư cô muốn mở một siêu thị Phật giáo (bao gồm nhà hàng, văn hóa phẩm Phật giáo, quà lưu niệm, hoa, nhang, đèn, thực phẩm chay...).

Khi biết ý định này của sư cô, Ngọc Diệp (vốn là Phật tử Quan Âm Tu Viện từ nhiều năm nay) cũng chia sẻ ý nguyện muốn làm từ thiện của mình. Từ sự đồng cảm đó, sư cô đã chia sẻ tiếp với thầy Thích Thiện Bảo - Thư ký tòa soạn của Báo Giác Ngộ, rồi thầy lại chia sẻ tiếp với anh Lê Trần Trường An - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietbooks.

Kết quả là Công ty cổ phần đầu tư Ngọc Việt ra đời cùng mô hình hệ thống nhà hàng chay mà mở đầu là tại chùa Vĩnh Nghiêm với sự đồng hành của thầy Thích Thanh Phong trụ trì chùa. Với tâm nguyện “Nuôi mầm yêu thương”, một cam kết được cả 5 cổ đông nhiệt tình hưởng ứng là sẽ trích 15% doanh thu từ nhà hàng để gây quỹ tài trợ cho các chương trình từ thiện Phật giáo.

Một góc nhà hàng Việt Chay ở chùa Vĩnh Nghiêm

Được sự tín nhiệm của các cổ đông, từ ngày tháng 6/2007, Ngọc Diệp nhận chức Tổng giám đốc Công ty Ngọc Việt và trực tiếp điều hành nhà hàng Việt Chay Vĩnh Nghiêm. Vì chưa từng kinh doanh nhà hàng nên chị phải bắt đầu học việc bằng cách tìm kiếm tất cả các quán chay ở Sài Gòn rồi lên lịch đi... ăn thử. Chưa hết, chị còn khăn gói sang một số nước có nhiều người ăn chay và mạnh về thực phẩm chay như Trung Quốc, Thái Lan... để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm về cách chế biến, bài trí món ăn và cung cánh phục vụ.

Cùng với sự trợ giúp hết mình của 4 cổ đông trong HĐQT, cuối tháng 11/2007, nhà hàng Việt Chay Vĩnh Nghiêm chính thức khai trương. Với thực đơn hơn 400 món được thay đổi thường xuyên, hầu hết đều chế biến từ rau - củ - quả tươi, ít dùng thực phẩm công nghiệp và hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng bột ngọt, mỗi ngày nhà hàng phục vụ cho hơn 300 khách.

Trong xu thế ăn chay không chỉ vì lý do tôn giáo mà còn vì sức khỏe như hiện nay, khách hàng của Việt Chay Vĩnh Nghiêm không chỉ là các Phật tử, khách du lịch mà còn có khá nhiều doanh nhân. Người bạn mách nhỏ với tôi địa chỉ này bảo: “Mình rất thích cách đặt tên món ăn ở đây, hoàn toàn không có bóng dáng của thực phẩm mặn, vừa gợi trí tò mò, vừa không vô tình làm mất đi sự thanh tịnh nơi cửa chùa”.

Hỏi ra mới biết, tên tất cả những món ăn của nhà hàng đều do sư cô Huệ Đức đặt và mỗi cái tên như Thúy trúc hoàng hoa (chả giò làm bằng rau củ quả lăn bột chiên), Khai tâm kiến nguyệt (súp nấm tuyết), Long hoa hải hội (lẩu hoa)... đều gắn với một giai thoại thiền.

Trước khi tham gia thành lập Công ty Ngọc Việt, Ngọc Diệp đã sở hữu 3 công ty: Huỳnh Long (kinh doanh bao bì thực phẩm và xuất nhập khẩu), Dihana (kinh doanh bao bì mỹ phẩm) và Willett (cung cấp thiết bị công nghiệp). Hiện tại, các công ty này đều đã “vào guồng”, chị yên tâm giao cho em trai điều hành để chuyên tâm chăm lo cho Ngọc Việt. Bắt đầu kinh doanh từ năm 24 tuổi, đến nay Ngọc Diệp đã có hơn 10 năm kinh nghiệm thương trường. Chị bảo ước mơ lớn nhất của mình bây giờ là kinh doanh hiệu quả để có điều kiện làm từ thiện.

Trước lúc chia tay, Ngọc Diệp tặng tôi một bức tượng Phật Di Lặc có “dấu ấn” của sư cô thay cho lời chúc an lành. Chị nhoẻn cười, “khoe” Ngọc Việt vừa khai trương Trung tâm phát hành văn hóa Phật giáo tại chùa Phổ Quang, Tân Bình. Tham vọng của công ty là sẽ phát triển thành hơn 20 nhà hàng chay tại các ngôi chùa lớn trên cả nước. Theo dự kiến, tháng 3 âm lịch tới, Ngọc Việt sẽ khai trương nhà hàng Việt Chay thứ 2 tại Hà Nội để kịp đón Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam vào tháng 4 âm lịch. 

QUẾ DƯƠNG