Kịch bản kinh tế Việt Nam 2009: Thận trọng với kích cầu

Trong nước - Ngày đăng : 08:31, 24/12/2008

Hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2009: Các giải pháp ổn định và phát triển”vừa được Thời báo Kinh tế Việt Nam và VnEconomy tổ chức tại TP.HCM ngày 22/12. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2009 và về chủ trương kích cầu của Chính phủ vừa mới ban hành.
Kịch bản kinh tế Việt Nam 2009: Thận trọng với kích cầu

Hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2009: Các giải pháp ổn định và phát triển”vừa được Thời báo Kinh tế Việt Nam và VnEconomy tổ chức tại TP.HCM ngày 22/12. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2009 và về chủ trương kích cầu của Chính phủ vừa mới ban hành.

Coi chừng kích cầu hàng... Trung Quốc

Trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, việc Chính phủ chuẩn bị những gói giải pháp kích cầu là cần thiết. Không thể nói đang ưu tiên chống lạm phát nên không được nới lỏng chính sách tiền tệ, không được phép “kích cầu”. Tình hình kinh tế thế giới đã và đang xoay chuyển rất nhanh theo hướng gia tăng tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Do vậy, tư duy chính sách cần chuyển hướng kịp thời.

Một tỷ USD mà Chính phủ dành để kích cầu, trong điều kiện nền kinh tế đang bị suy yếu và gặp nhiều khó khăn như hiện nay, là không nhiều. Song nhìn vào thực trạng và triển vọng ngân sách năm 2009, 1 tỷ USD đã là một sự cố gắng lớn. Vấn đề là phải tính toán thật kỹ kích vào đâu, cho ai, theo cơ chế nào vì đã có tình trạng càng bơm tiền vào càng thiệt hại.

Theo ông Trần Bình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, mục tiêu kích cầu là chống suy thoái, duy trì tăng trưởng và tạo việc làm. Muốn vậy, các dự án được ưu tiên hưởng phần kích cầu của Chính phủ phải bảo đảm ba điều kiện:

- Một là giúp tháo gỡ nhanh các nút thắt tăng trưởng gây ách tắc lâu nay (cảng biển, cầu đường, năng lượng...), giúp cho hoạt động của các DN thông thoáng, tiết kiệm chi phí.

- Hai là ưu tiên những dự án thu hút nhiều đầu vào, tạo nhiều việc làm mà các DN vừa và nhỏ đáp ứng tốt yêu cầu này.

- Ba là tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu. Ở nước ta, hoạt động xuất khẩu gắn nhiều với nông dân, với các DN sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ). Kích vào đây một mặt để giữ động lực tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, giảm nguy cơ thâm hụt thương mại; mặt khác, giúp đông đảo người lao động thuộc nhóm thu nhập thấp duy trì việc làm, thu nhập.

Ông Thiên nhấn mạnh phải tuyệt đối tránh kích cầu kiểu “xin - cho”, phân chia bình quân. Bài học kích cầu năm 1998-1999 từng để lại hậu quả nặng nề. Một điểm khác mà ông Thiên lưu ý là khi tất cả các thị trường xuất khẩu cạnh tranh chính của ta và Trung Quốc đều giảm cầu thì xu hướng hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam sẽ gia tăng mạnh.

Nếu không có định hướng và giải pháp tốt thì đối tượng được ưu đãi kích cầu chủ yếu sẽ chính là hàng Trung Quốc. Điều này đã từng xảy ra trong những năm 1998-1999, khi chúng ta bơm tiền “kích cầu” thì lượng xe máy Trung Quốc tiêu thụ ở Việt Nam tăng lên gấp 3 lần. Xử lý vấn đề này thật không dễ dàng.

Ông Trương Đình Tuyển - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cũng lo lắng hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam, trong khi DN Việt Nam rất ít quan tâm khai thác thị trường nội địa. Đây không chỉ là điểm yếu trong ngắn hạn mà còn là điểm yếu trong tầm nhìn dài hạn. Muốn thâm canh thị trường nước ngoài thì nên thâm canh thị trường trong nước trước.

DN Việt Nam cần chú trọng thị trường trong nước


Chọn kịch bản nào?

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng Chính phủ cần chú trọng an sinh khu vực nông thôn. Năm nay nông thôn khó khăn nhiều, nông sản bán không được giá, cộng thêm lao động thất nghiệp ở thành thị chạy về nông thôn. Nông thôn đến lúc này vẫn là phao cứu sinh, là nền tảng của phát triển đất nước, nếu không cải thiện an sinh sẽ dễ sinh ra bất ổn.

Hoàn cảnh Việt Nam khi thực hiện kích cầu rất đặc thù: thừa hưởng sự bất ổn vĩ mô từ năm 2008 với mức lạm phát phi mã, thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại cao. Những vấn đề thuộc về cấu trúc kinh tế Việt Nam vẫn chưa được giải quyết xác đáng. Nếu không thận trọng, nguy cơ kích cầu không khuyến khích DN trong nước phát triển mà trở thành cơ hội cho DN nước ngoài.

Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN cho rằng, việc Chính phủ đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2009 không thấp hơn năm 2008, lạm phát ở mức dưới 10%... là không khả thi. Ông đưa ra ba kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam năm 2009.

- Kịch bản 1 đầy lạc quan: tăng trưởng GDP năm 2009 khoảng 6%, lạm phát dưới 10%, nền kinh tế giảm suy thoái và đạt tốc độ tăng trưởng cao vào năm 2010.

- Kịch bản 2: tăng trưởng GDP khoảng 5%, lạm phát 6-8%, năm 2009 kinh tế tăng tương tự 2008, năm 2010 cao hơn một tí nhưng có thể có bước đột phá vào năm 2011.

- Kịch bản 3: kinh tế tăng trưởng chỉ khoảng 4%, mà lạm phát đến 10% và nền kinh tế có thể đình đốn kéo dài. Nếu kéo dài những bất ổn vĩ mô thì khó có thể đột phá tăng trưởng. Cần phải tiên lượng trước mọi điều để không sa vào kịch bản này.

Còn kịch bản thứ 1 là kịch bản lạc quan nhưng khó đạt được hoặc phải trả giá để đạt tăng trưởng ấy. Theo ông Thúy, nên theo đuổi kịch bản 2 để ổn định vĩ mô tốt hơn, tập trung nguồn lực gia cố nền kinh tế trong sự tăng trưởng bền vững.

Cho dù theo đuổi kịch bản nào thì cả Chính phủ, DN và toàn xã hội phải hành động, thay vì chạy theo các thành tích thì hãy quyết liệt cải cách quản lý, bài trừ quan liêu, tham nhũng; mở rộng thành phần tham gia quản lý nhà nước, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng nhau xây dựng đất nước.

CÁC NGỌC - THANH TÂN