Minh Hương thủ vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm: “Tôi hài lòng về vai diễn”
Đời thường - Ngày đăng : 08:24, 20/01/2009
Minh Hương đã vượt qua khá nhiều ứng viên “nặng ký” để vào vai chị Thùy (tên thường gọi của bác sĩ Đặng Thùy Trâm) trong phim Đừng đốt, trong này đã có lửa (kịch bản của NSND Đặng Nhật Minh, phỏng theo Nhật ký Đặng Thùy Trâm; Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam - Hoda Film sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước). Sinh năm 1982, Minh Hương tốt nghiệp khoa tiếng Đức, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô hiện là biên tập viên - người dẫn chương trình của kênh VTC4 - Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, phụ trách chuyên mục thời trang “Đẹp+...”. Cô đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện trong những ngày hồi hộp chờ bộ phim ra mắt khán giả.
* Không giống chị Thùy về ngoại hình, bạn được kỳ vọng chuyển tải thần thái, tính cách và tâm hồn của chị lên phim. Điều này có gây áp lực cho bạn?
- Vai diễn này đến với tôi hết sức tự nhiên. Sau khi nhận được cú điện thoại của đoàn phim, tôi nghĩ đến buổi đầu chỉ để đạo diễn xem mặt nhưng bất ngờ tôi được mặc quần áo và làm tóc ra dáng một cô bộ đội... Tôi đã thử vai với tâm lý thoải mái, nghĩ rằng nếu không được là do mình không hợp vai. Theo tôi, bất kỳ diễn viên nào khi vào vai cũng luôn có những áp lực nhất định và tôi cũng vậy. Điều quan trọng là diễn viên đó hoàn thành vai diễn như thế nào.
* Cảm xúc của bạn về nhân vật trước và sau khi bộ phim đóng máy có khác nhau? Bạn được chọn vào vai trước lúc bộ phim khởi quay không lâu, liệu thời gian có quá cập rập để chuẩn bị cho vai diễn?
- Chỉ riêng trong giai đoạn quay, những ngày đầu tiên của tôi không giống như những ngày cuối cùng. Mặc dù được chọn vào vai gần ngày khởi quay nhưng đoàn phim đã tạo điều kiện cho tôi được tiếp xúc với người thân của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Những cuộc trò chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh, phó đạo diễn Trần Anh Hoa, rồi được bác Minh cho đi thực tế giúp tôi hiểu thêm về vai diễn này.
- Tôi đọc kịch bản nhiều lần, tìm kiếm thêm tư liệu để hiểu rõ nhân vật trước khi bước vào phim. Tôi thấy thời gian quay 2 tháng là vừa đủ. Sau này, tôi còn được bác Minh khen về diễn xuất. Với tôi, vào phim là sống cuộc sống của anh hùng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm nên càng diễn tôi càng nhuần nhuyễn...
* Đạo diễn Đặng Nhật Minh nổi tiếng là tài hoa nhưng cũng nổi tiếng là người khó tính. “Chị Thùy” có bị đạo diễn la mắng đến mức… ân hận vì đã nhận vai?
- Cho đến giờ phút này, chưa lúc nào tôi cảm thấy ân hận vì đã nhận vai. Tôi thấy mình thật may mắn khi được làm việc với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông luôn lao động miệt mài, sáng tạo không ngừng, là người kỹ tính và cầu toàn...
* Không ít người lo lắng rằng, người trẻ thế hệ “8X” vào vai chị Thùy sẽ khó tránh được khoảng cách thế hệ...
- Tôi vốn thích đọc sách từ nhỏ. Hồi còn sinh viên, tôi vẫn để dành tiền mua sách. Năm 2005, như nhiều bạn trẻ, tôi háo hức tìm đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi 20… Những cuốn sách này đã giúp tôi hiểu được phần nào cuộc sống của những anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến đời mình cho Tổ quốc.
- Là thế hệ lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh, tôi không kỳ vọng mình có thể hiểu hết nhân vật và những tình huống mà nhân vật trải qua. Tuy nhiên, chính bối cảnh trong phim giúp tôi có thể hiểu và đồng cảm với những người của ngày ấy. Chẳng hạn, nghe tiếng nổ của những quả pháo 0,2 - 0,4kg, tôi sợ khủng khiếp.
- Chính nỗi sợ đó giúp tôi hiểu áp lực đè nặng lên người nữ ngoài chiến trường. Hay cảnh chị Trâm dìu thương binh giữa làn bom đạn, lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết cho tôi hiểu thêm về tình người. Đóng phim xong, tôi biết trân trọng cuộc sống và yêu thương con người hơn. Tuy không trải nghiệm thực tế nhưng tôi vẫn có cảm xúc để nhập vai...
* Cảm xúc ấy còn được “lên men” từ chính tình cảm của bạn với nhân vật?
- Gia đình chị Thùy kể, chị là người sống nội tâm chứ không ồn ào bề ngoài. Trong phim có nhiều cảnh tôi phải thể hiện nét nữ tính, tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của chị. Chẳng hạn, cảnh chị chăm sóc anh thương binh bị bỏng nặng, chị phải tránh ánh mắt lo âu của bà mẹ anh thương binh. Có lúc, tôi gồng mình diễn cho ra vẻ đau đớn nhưng bác Minh bảo tôi cứ diễn giản dị như tôi ngoài đời. Tôi thấy đồng cảm với nhân vật nên vào vai “ngọt” chứ không cảm thấy gò bó.
* Lập gia đình chỉ mấy tháng trước lúc nhận vai chị Thùy, lịch sinh hoạt bị đảo lộn trong thời gian đóng phim, chưa kể những chuyến xa nhà… Vậy “ông xã” có chia sẻ với bạn những khó khăn này?
- Người đàn ông nào cũng không thích vợ thường xuyên vắng nhà. Cuộc sống đảo lộn có lẽ khiến anh ấy không hài lòng, nhưng anh ủng hộ tôi với vai diễn này. Anh là người đưa tôi đi dự buổi tuyển và đưa đón tôi trong những ngày quay ở Hà Nội... Tôi có thể đi đây đi đó nhưng vẫn là người phụ nữ của gia đình, có thể thay đổi để hóa thân vào nhân vật nhưng vẫn là người bình thường giữa đời thường.
* Vai diễn có ảnh hưởng đến kế hoạch riêng của bạn?
- Tôi hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình. Anh ấy luôn ủng hộ và quan tâm đến công việc của tôi. Việc đóng phim khiến tôi phải vắng nhà liên tục, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Tuy nhiên, chồng tôi nói: “Vai diễn chọn em nên em phải cố gắng hoàn thành thật tốt”. Tôi nghĩ là anh ấy nói đúng.
* Sống cuộc đời của chị Thùy trên phim, điều đó có ý nghĩa như thế nào với một người trẻ thế hệ “8X”?
- Không chỉ với riêng tôi, cuộc đời của chị Thùy luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.
* Sau hai tháng thử sức với vai chính ở phim truyện nhựa, bây giờ là lúc có thể nói về một Minh Hương - diễn viên?
- Trước khi thi tuyển vào lớp đào tạo diễn viên truyền hình ngắn hạn của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, hồi học phổ thông, tôi đã tham gia đóng kịch trong các chương trình văn nghệ. Tôi nghĩ tôi có năng khiếu diễn xuất, nhưng để nói về Minh Hương - diễn viên thì xin dành cho khán giả đánh giá. Bản thân tôi có chút hài lòng về vai diễn này.
* Cảm ơn bạn và mong sớm gặp bạn trên phim.