“Phần cứng, phần mềm”
Đời thường - Ngày đăng : 00:45, 14/10/2008
![]() |
Sau một thời gian ngưng hoạt động, tháng 7/2008, phòng trà Đồng Dao “tái xuất” tại địa điểm mới ở số 164 Pasteur, Q.1. Chủ nhân là anh Nguyễn Ngọc Sơn, cũng là chủ nhân của phòng trà Đồng Dao, MSài Gòn, M&Tôi trước đây. Gần 10 năm kinh doanh phòng trà, có lúc ngưng nghỉ vì mệt mỏi nhưng rồi tình yêu âm nhạc đã kéo anh trở lại, và luôn bên cạnh hỗ trợ anh chính là người vợ đã chung sống gần 30 năm.
![]() |
Nghe gọi mình là “ông chủ”, anh Sơn “sửa” ngay: “Gọi vậy là chưa công bằng với bà xã. Gần 10 năm kinh doanh, lúc nào bả cũng sát cánh bên tôi, mỗi người một việc, không ai “nặng ký” hơn ai đâu”. Ngồi gần bên, chị Hà nhỏ nhẹ, khiêm tốn: “Ảnh mới là chính, tôi chỉ phụ ảnh những công việc lặt vặt thôi”. Nói là lặt vặt nhưng không có bà xã, anh Sơn như thiếu cánh tay phải, anh nói: “Thành công của Đồng Dao nhờ hai phần, phần mềm và phần cứng. Phần mềm là đối nội, quản lý bên trong, thuộc về bà xã. Phần cứng là đối ngoại, là chiến lược đầu tư, đường hướng kinh doanh thì thuộc về tôi. Nhờ hai phần này luôn kết hợp ăn ý mà chúng tôi có được ngày hôm nay”. Chỉ dàn nhạc vừa mới được lắp đặt trên sân khấu, chị Hà nói: “Ảnh rất “khó tính”, trước khi mở lại Đồng Dao, cả tháng trời ở Mỹ ảnh đi tìm hiểu các thiết bị âm thanh, đèn, hệ thống loa, ánh sáng, các đạo cụ để mua về lắp ráp cho đúng ý. Đến cái micro nhỏ nhất ảnh cũng phải chọn lựa năm, bảy hãng mới ưng”.
Câu chuyện “phần mềm, phần cứng” được chuyển sang chị Hà khi nhân viên phục vụ khách ăn trưa. Nhìn những đĩa cơm, mì bốc khói thơm phức, anh Sơn giới thiệu: “Ngoài cà phê, Đồng Dao bây giờ còn phục vụ thêm điểm tâm, cơm trưa cho giới nhân viên văn phòng và doanh nhân. Đầu bếp ở đây nấu ăn rất ngon, món ăn được thay đổi hàng ngày, thành quả này là do bà xã tuyển chọn đầu bếp và thực đơn rất kỹ”. Đề cập chuyện bếp núc, chị Hà nói luôn: “Cũng nhờ ảnh mà tôi biết nấu ăn, chứ hồi lấy chồng, mẹ tôi phải “xin” trước nhà chồng: “Con tôi nấu ăn dở lắm, xin ông bà đừng bắt phép”. Bây giờ, tôi nấu ăn toàn được chồng khen, đặc biệt là món bún bò Huế vì anh Sơn thích món này nhất”.
Không gian tĩnh lặng, ấm cúng, khá sang trọng, lịch sự của Đồng Dao cùng với cung cách phục vụ và đồng phục của nhân viên đã nói lên mức độ chuyên nghiệp. Để có được cung cách phục vụ này, chị Hà đã phải mất nhiều thời gian để uốn nắn, nhắc nhở nhân viên; tham khảo catalogue để chọn màu và kiểu đồng phục mang phong cách riêng của Đồng Dao. Ngay cả những giỏ hoa treo dọc lối vào cũng do chính tay chị mua về, tỉa tót và chăm sóc.
Kể về ý tưởng kinh doanh phòng trà, chị Hà nhớ lại: “Năm 1997, đang kinh doanh ở lĩnh vực xuất, nhập khẩu, nhưng vốn theo ca đoàn từ nhỏ, làm ca trưởng và là “cây đàn” piano ruột của nhà thờ nên ảnh rất mê nhạc. Một hôm, anh Sơn bảo tôi: “Vợ chồng mình mở quán cà phê đi”. Tuy nằm trên đường Nguyễn Huệ, nhưng vị trí quán cà phê Đồng Dao của chúng tôi lúc đó không thuận lợi nên ít khách đến. Anh Sơn suy nghĩ: “Nếu không tạo ra cái mới, lạ cho quán, chắc mình thua mất”.
Nhớ lại những năm trước giải phóng, hoạt động phòng trà ở TP.HCM khá sôi nổi, nhưng sau giải phóng thì gần như biến mất mà nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân thành phố lại rất lớn. Tìm được lối ra, anh mừng lắm, nói với tôi và mời một số ca sĩ đến hát. Cà phê Đồng Dao ở số 12 Nguyễn Huệ nhanh chóng khởi sắc, từ 50 đến 100 rồi 150 ghế ngồi mà vẫn quá tải và trở thành nơi lui tới của các ca sĩ có tên tuổi, là chiếc nôi nuôi dưỡng các ca sĩ trẻ như Mỹ Tâm, Quang Dũng, Hồng Ngọc...và là nơi khơi nguồn cho phong trào kinh doanh phòng trà ở thành phố. Khi chúng tôi mở thêm phòng trà MSài Gòn, rồi M&Tôi... thì công việc càng bận rộn và phải lo lắng nhiều hơn. Để bớt chi phí, vợ chồng “bảo” nhau phân chia, gánh vác công việc. Tôi lo đối nội, biên tập chương trình ca nhạc, quản lý nhân viên, anh Sơn lo đối ngoại, quảng bá, mời ca sĩ, lo âm thanh, ánh sáng... Những đêm đông khách, dù mệt nhưng vợ chồng vẫn vui; hôm nào mưa, vắng khách, thấy chồng cứ nhấp nhỏm xem đồng hồ, gọi điện thoại, tôi cũng buồn lây”.
Chỉ tấm ảnh chụp chung với con gái ở Mỹ, chị Hà tự hào: “Con gái tôi đấy. Cháu 23 tuổi. Từ ngày sang Mỹ du học, cháu biết tự lập và trưởng thành thấy rõ. Biết tự lo cho bản thân, mạnh mẽ hơn và có ý thức tiết kiệm. Hồi ở VN, tôi rất lo vì học đến lớp 11 mà cháu không biết đi xe, lại rất nhút nhát. Dù lo cho con khá đầy đủ nhưng ở Mỹ, ngoài giờ học tôi vẫn đồng ý cho cháu đi làm thêm để biết quý trọng đồng tiền. Tôi dạy con tính khiêm tốn và nhường nhịn. Đó là hai đức tính quan trọng nhất của người phụ nữ để xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy thương con nhưng tôi và anh Sơn không bao giờ tập cho cháu có tính ỷ lại. Khi chúng tôi mở phòng trà M&Tôi, cháu cũng ra đứng bán vé như các nhân viên khác”.
Năm năm nơi xứ người nhưng con gái chị không bao giờ cảm thấy xa cha mẹ, bởi tối nào anh chị cũng dành thời gian trò chuyện với con rất lâu. Chị bảo: “Tôi ghét nhất là thói nói dối nên khi dạy con, tôi luôn nhắc nhở con không được phạm lỗi này”. Cho tôi xem những lá thư điện tử, nội dung “chat” của con gái tâm sự với mẹ rất tự nhiên, cởi mở như hai người bạn, chị nói: “Muốn dạy con, trước hết mình phải là bạn, là người tin cậy để bất cứ chuyện gì con cũng có thể tâm tình mà không ngần ngại. Và để làm gương cho con, chúng tôi cũng có những quy định riêng, chẳng hạn khi giận nhau, vợ chồng cũng phải ăn chung và... ngủ chung. Khi tranh luận về vấn đề gì căng thẳng, chúng tôi chở nhau ra quán cà phê, tránh không để con chứng kiến”. Có lẽ nhờ vậy mà ngôi nhà của họ lúc nào cũng yên bình, đầy ắp hạnh phúc, yêu thương.