Cơ hội nào cho hợp xướng thiếu nhi?
Đời thường - Ngày đăng : 09:55, 14/10/2008
Tháng 10 tấp nập các ca sĩ và ban nhạc nước ngoài đến biểu diễn tại VN. Mở đầu là “Đêm Hennessy” ở Hà Nội tối 1/10 với ngôi sao nhạc pop châu Âu Shayne Ward cùng hai ban nhạc Mỹ là “Until June” và “D.E.Y”. Tại Nhạc viện TP.HCM, ngày 8/10 diễn ra đêm nhạc thính phòng với bốn nghệ sĩ đến từ Pháp. Tiếp đó là Liên hoan Giọng hát Vàng ASEAN năm 2008 tại TP.HCM từ 15 - 19/10 với 20 giọng ca đến từ tám quốc gia thuộc khối ASEAN...
Thanh thoát, bay bổng và ru hồn người
Đặc biệt hơn, có đến hai dàn hợp xướng (DHX) nổi tiếng thế giới đến VN vào dịp này: Vienna Boys’ Choir (Các cậu bé thành Viên) trong chương trình âm nhạc cổ điển “Vietnam Airlines Classics 2008” vào tối 1/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và tối 4/10 tại Nhạc viện TP.HCM. Đây là DHX thiếu nhi lâu đời nhất thế giới với hơn 500 năm tuổi, được xem là biểu tượng của nước Áo. DHX thứ hai gồm 53 ca sĩ xuất sắc của Dàn đồng ca nữ thiếu niên Úc, đã khởi hành vào ngày 19/9 từ Úc để thực hiện chuyến lưu diễn quốc tế tại Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan, Anh và VN. Tại Hà Nội, từ 6 - 10/10, Dàn đồng ca này đã tham gia buổi hòa nhạc do Đại sứ quán Úc tổ chức tại rạp Khăn Quàng Đỏ (Cung Thiếu nhi Hà Nội), tham gia các cuộc thảo luận chuyên đề và biểu diễn tại trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc. Các tiết mục biểu diễn có nhiều thể loại nhạc phong phú: Nhạc thổ dân, nhạc kịch Broadway, các bài hát của Úc, nhạc quốc tế...
HCCC biểu diễn ca khúc “Giai điệu bốn phương” |
DHX thiếu nhi không cầu kỳ và phức tạp như DHX thính phòng. Nguồn bài hát để biểu diễn khá phong phú, đặc biệt là nhiều sáng tác của các nhạc sĩ trong nước có thể sử dụng cho DHX. Giọng hát ở độ tuổi thiếu niên trong trẻo, tạo cảm giác êm ái và thánh thiện, các em chưa vỡ giọng thì tiếng càng thanh, trong. Nghe hợp xướng thiếu nhi luyện tập đến tầm cao càng cảm nhận được sự thanh thoát, bay bổng và ru hồn người.
Hợp xướng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sinh hoạt và thưởng thức văn hóa của cư dân Bắc Âu. Không chỉ các nhạc viện trên thế giới mới thành lập DHX riêng, các trường nhạc đều coi DHX là bước khởi đầu ý nghĩa đưa trẻ em đến với thế giới âm nhạc. Các bậc phụ huynh ở phương Tây cũng chú ý đến việc giáo dục ý thức cộng đồng và thái độ ứng xử, làm việc trong nhóm đối với trẻ em ngay ở tuổi đến trường. Vì vậy, khi con cái bộc lộ năng khiếu âm nhạc, họ cho chúng theo học và biểu diễn trong các DHX thiếu nhi.
Ở Thụy Điển, hợp xướng dường như có mặt mọi lúc, mọi nơi với nhiều hình thức: Hợp xướng nữ, nam; hợp xướng sinh viên; hợp xướng nhà thờ... Ở ta, những cuộc hát đồng ca tập thể với các tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ... thường hát bằng giọng thật và rất ít bè. DHX nhiều khi chỉ đơn thuần là một nhóm hát đồng ca lắc lư theo điệu nhạc. Và DHX thiếu nhi đúng nghĩa lại càng hiếm nếu không nói là chưa có.
Khoảng năm 1999-2000, DHX Thiếu nhi VN (HCCC) được thành lập với khoảng 60 em, phần lớn là học sinh của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ 8 đến 16 tuổi, hoạt động chuyên nghiệp, ngoài yêu cầu về tính thính phòng còn có khả năng trình diễn. Các em có đồng phục, có thể nhảy múa sinh động và giao lưu với khán giả bằng âm nhạc.
DHX hát bằng giọng giả thanh nghe mềm, quyện và hát được nhiều thể loại, từ nhạc thính phòng, nhạc dân gian các nước, nhạc thiếu nhi thế giới, nhạc jazz... Các tiết mục được dàn dựng và phối khí với ít nhất ba bè, có lúc bốn hay sáu bè. Mỗi bè chính còn được chia thành nhiều bè phụ. Ngoài ra, DHX còn hát không nhạc đệm. Cách hát và phối khí này khẳng định tính chuyên nghiệp của HCCC.
HCCC đã có nhiều dịp biểu diễn trước công chúng. Năm 1999, hơn 200 em biểu diễn ở Hội trường Ba Đình. Năm 2000, nhiều chương trình được tổ chức ở Nhà hát Tuổi trẻ và Trường Quốc tế Hà Nội. Năm 2004, live show hợp xướng đầu tiên gồm hơn 10 tiết mục diễn ra tại Nhạc viện Hà Nội, sau đó đi biểu diễn ở Cung Việt Tiệp (Hải Phòng) trước hàng ngàn khán giả.
Năm 2006, DHX Thiếu nhi quốc tế đến từ Mỹ với trên 100 người biểu diễn cùng HCCC. Và đó không phải là cơ hội biểu diễn duy nhất cùng DHX quốc tế của HCCC. Đây là dịp tốt để giao lưu và học hỏi không chỉ đối với những người chỉ huy và tổ chức HCCC, mà với cả các thành viên của HCCC.
HCCC cũng tạo màu sắc phong phú và ý nghĩa cho các chương trình truyền hình trực tiếp: Lễ Khai mạc Trí tuệ VN, Nỗi đau da cam (một chương trình của chuyên mục Người đương thời), Chung kết Đường lên đỉnh Olympia, Chung kết Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương... và trong nhiều Gala Cười. Các chương trình này đều được dàn dựng khá công phu. Khác với biểu diễn trên truyền hình, các chương trình biểu diễn tại Nhạc viện thường không dùng phương tiện kỹ thuật phụ trợ và nhạc được đệm bằng piano.
Chưa trở thành môn học chính khóa
Không chỉ với HCCC, biểu diễn hợp xướng và giao hưởng ở ta thực sự khó khăn vì ít khán giả. Người hát cũng không mặn mà với việc tham gia DHX. Không ít người quan niệm, vị trí của mỗi cá nhân trong DHX bị xóa nhòa nên chẳng ai biết ai. Trong khi đó, hát trong DHX, mỗi người hòa vào một thể thống nhất nhưng vẫn có dịp để phô bày tiếng hát của mình bằng công sức nhỏ nhoi, nhưng không thể thiếu. Cũng vì thế, hát trong DHX đòi hỏi sự hòa nhịp cùng tập thể và hát “mềm” như các thành viên khác. Sự say mê và cống hiến của mỗi người hát góp phần vào sự thành công của tiết mục.
Tổ chức hát hợp xướng khá cầu kỳ, 50 - 60 người hát và hát nhiều bè nên thu thanh và tập luyện rất khó. Phối khí cũng đòi hỏi công phu và... tốn kém. Vì vậy, chỉ những chương trình lớn HCCC mới có thể tham gia. Các thành viên của HCCC còn bận rộn học văn hóa và học chuyên môn âm nhạc. Hợp xướng chỉ là môn ngoại khóa nên thời gian dành cho tập luyện chưa nhiều. Vì thế, để đảm bảo “quân số”, HCCC “chiêu nạp” cả những em có lòng say mê, dù giọng không được tốt lắm. Cái khó nữa của HCCC là cứ sau vài năm, các em lớn lên thì lứa mới vào lại phải tập luyện từ đầu nên mất khá nhiều thời gian...
Đặng Châu Anh - người dẫn chương trình đáng yêu ngày nào trên truyền hình đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN. Cô được Học viện tin tưởng giao phó trách nhiệm chính dẫn dắt HCCC trong những ngày đầu tiên. Ngoài sự nỗ lực của Châu Anh và những cộng sự thì phương pháp làm việc bằng cách phát huy vai trò của các thành viên trong HCCC đã có tác dụng. Các em lớn trong DHX cùng chọn bài, cùng xây dựng động tác sân khấu với những người tổ chức. Không ít ý tưởng bật ra từ những nhận xét ngộ nghĩnh và thông minh của các em đã góp phần tổ chức thành công các chương trình hợp xướng.
Dành khá nhiều thời gian và công sức cho HCCC, Châu Anh tâm sự: “Tôi thật sự mong mỏi những chương trình hợp xướng được tổ chức thường xuyên và trở thành nỗi mong chờ của nhiều người để thúc đẩy phong cách hát này phát triển ở VN. Các em thiếu nhi được thưởng thức hợp xướng từ bây giờ chính là những khán giả trung thành với nhạc giao hưởng, thính phòng sau này. Tôi hy vọng Học viện sẽ đưa hợp xướng thành môn chính khóa để tạo nhiều điều kiện hơn nữa hỗ trợ các em, tổ chức tập luyện thường xuyên hơn và chúng tôi có thể tuyển chọn các em kỹ lưỡng hơn”.