Ri- phờ- rét*

Đời thường - Ngày đăng : 04:21, 28/03/2009

Có một ngày ngồi trong cái quán cà phê Eva toàn tượng nhà mồ đẹp tuyệt trần của mình, họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn nhận được lời đặt hàng từ tít trời Âu của bạn, độc chữ “Refresh ”.
Ri- phờ- rét*

1.Có một ngày ngồi trong cái quán cà phê Eva toàn tượng nhà mồ đẹp tuyệt trần của mình, họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn nhận được lời đặt hàng từ tít trời Âu của bạn, độc chữ “Refresh ”.

Khách đến, Ẩn trố mắt nhìn, ngoài mấy đôi giày đinh đi rừng của Mỹ sản xuất, hầu như họ chả có gì chuẩn bị cho một chuyến đi dã ngoại. Đi! Chuyến ri phờ rét này của họa sĩ Ẩn trong vai hướng dẫn viên du lịch hóa ra rất giống với một thời khốn khổ nhất Ẩn từng sống. Hồi ấy Ẩn đói, vợ con đói, anh ta phải luồn rừng vào sâu nơi chả ai buồn tới để tìm những kho quân dụng còn sót lại, mong tìm sắt thép phế liệu cứu đói đổi đời cho vợ con.

Ngôi nhà guol còn nguyên các phù điêu trang trí

Đi rừng chỉ với bộ quần áo, cái chai không để lấy nước. Không hề có một kế hoạch, kiểu như “7 giờ ăn sáng, xuất phát đi…ở đấy khách tha hồ tận hưởng thiên nhiên hoàn toàn hoang sơ!”. Nhóm người đi trong lặng lẽ, thư thả, không ai chụp ảnh làm duyên, ghi dấu lịch sử cá nhân. Đích đến là một sườn núi vô danh trên đỉnh cao nhất của Kontum, ở đó có hai người già Bana đang cặm cụi với nương rẫy.

Chỉ thông qua vài lời giới thiệu của Ẩn, hai thế giới hòa quyện với nhau rất nhanh. Buổi sáng khách phụ lão nông Ba-na chọc lỗ trỉa lúa nương, buổi chiều đốt nốt đám cỏ lau bên kia sườn núi. Chỉ một phương án đốt sao cho khỏi cháy rừng mới làm cho mấy người ở xứ văn minh kia sôi nổi lên, bàn tán, cãi cọ và cuối cùng là răm rắp tuân lệnh của thủ lĩnh bản xứ. Nửa tháng trôi qua. Ăn cơm rẫy, ngủ nhà sàn.

Đêm gồng mình nghe gió hú. Đơn điệu. Những bản vẽ phác thảo của Ẩn dày lên chả hề làm khách chú ý. Ông chủ rẫy quanh năm chả thèm xuống phố Kontum. Bao lúa gạo thu hoạch, con cháu dưới làng lên gùi cõng về, mang lên cho ông ít muối. Ông già đóng khố, buổi chiều ra giữa rẫy đem theo cái đàn nhỏ, gẩy một điệu ai oán. Khách nằm trên thân cây gỗ mục, đăm chiêu ngắm trời chiều. Chủ khách đã hiểu nhau, không cần đến họa sĩ Ẩn giỏi cả hai thứ tiếng Anh, Pháp nữa.

Hôm chia tay ở Kontum, tại quán cà phê Eva nằm ở số 1 phố Phan Chu Trinh, khách cởi giày đinh, mặc một chiếc áo mới thật đẹp. Chiếc phong bao thanh toán cho Ẩn dày cộm. Tiền ấy Ẩn đem nâng cấp thêm quán Eva, khiến cho vẻ đẹp của nó ngày càng lừng danh cả nước.

Ai đến Kontum, nếu không câu nệ cái câu hoàn toàn hoang dã , có thể hài lòng với Eva, một quán cà phê vườn toàn tượng nhà mồ do các nghệ nhân ở khắp Tây Nguyên làm cho Ẩn theo đơn dặt hàng, một hương vị cà phê được giới thiệu là pha theo phong cách riêng không đụng hàng với cà phê Trung Nguyên. Họa sĩ Ẩn thì than phiền không còn thời gian để làm việc của mình vì bọn Tây mách nhau đến tìm Ẩn.

2

. René F., một chuyên gia thiết kế quảng cáo sống tại Pari. Một ngày kia cảm thấy bức bối, công việc không hiệu quả, René mua vé máy bay đi du lịch Đông Dương. Bỏ lại thị trấn P’rao, thị trấn cao bồi Quảng Nam chuyên cung cấp dịch vụ cho những người đào vàng, họ đi dọc theo sông toàn đá hộc to bằng năm chiếc chiếu, rồi theo con đường vắt vẻo như lụa trên sườn núi luồn thật sâu, đi 100 km vào dãy núi giáp với Lào thì xe dừng lại ở bản A- Dinh, huyện Đông Giang.

René thấy cơn bức bối ám ảnh mình bấy lâu nay chợt tan biến khi buổi chiều ngồi dưới thác ngắm nhìn hai cô thôn nữ tắm. Váy thêu hoa văn mặt trời lộng lẫy, tung tăng đùa giỡn dưới dòng nước trắng xoá bạc. René biết xứ sở này nhiều huyền thoại. Hai cô tiên rừng dẫn René về thôn, đưa khách vào ngôi nhà bé nhỏ, đan bằng những tấm tranh, vách bằng ruột lồ ô trắng nuột cực kỳ lãng mạn.

Ở A Dinh, người phụ nữ Cơ-tu với hai bầu vú căng tròn sữa, bình thản ngồi cho con bú. Các thiếu nữ kín bưng trong lớp váy áo dày, hoa văn nhiều màu sắc rực rỡ. Bọn trẻ con hăm hở dẫn khách đến nhà gươl. Gã người Pari choáng váng, ngắm nghía mãi đường nét điêu khắc thô sơ, hoang dã trên cột, vách chứa đựng nhiều bí ẩn tâm linh cộng đồng.

Trái tim trai trẻ của René rung động trước vẻ đẹp hoang sơ và tuyệt mỹ của con người, của rừng cây bên kia thung lũng. Cuộc dạo chơi trong làng kéo dài làm René đói hoa mắt, thò tay bốc sắn luộc chấm với tiêu rừng. Vị tiêu rừng cay nồng, thơm lừng mùi chanh. Gà núi luộc chấm với muối tiêu rừng, điểm xuyết dăm chén rượu tà-vạt. Rượu tà-vạt dựng trong quả bầu khô bám đầy bụi và tro bếp ngon tuyệt, nó làm cho đêm lạnh giá ngắn lại. Khách lơ mơ trong bài tụng ca cổ bên bếp lửa tàn.

Trước khi giã biệt, khách muốn trả cho chủ nhà 100 USD để mua một lon tiêu rừng đem về Pa-ri. René giải thích, món gia vị thơm lừng giữa mùi tiêu và lá chanh làm cho anh ta cao hứng, loé ý tưởng viết slogan mới. René còn tuyên bố tạo món ăn mới trong bếp nhà ở Pari nhờ tiêu rừng độc đáo. Một chuyến ri-phờ -rét cuộc sống của bản thân, mỗi lần nhắc đến là giọng nói của René trong điện thoại hào hứng, yêu cầu thiết kế những chuyến đi mới để có cớ ra đi.

(*)Refresh

BÍCH HỒNG