Khủng hoảng tài chính và vai trò của CEO Việt
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 08:37, 27/10/2008
Thời gian gần đây, có khá nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về khủng hoảng tài chính Mỹ và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Hầu hết các chuyên gia kinh tế, tài chính, các chủ doanh nghiệp... đều không “nghi ngờ gì nữa” về ảnh hưởng của sự khủng hoảng dây chuyền này, tuy nhiên, mỗi lĩnh vực mỗi khác.
Trong tình hình khủng hoảng tài chính, CEO vừa là người dẫn đường, vừa phải sát cánh với cộng sự... (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Đài Loan. |
Và trong việc xác định mức độ của sự ảnh hưởng đến từng ngành nghề, từng doanh nghiệp cụ thể để đưa ra biện pháp ứng phó, giám đốc điều hành (CEO) luôn đóng vai trò chủ chốt.
Từ kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp của mình, ông Lê Phước Vũ - Tổng giám đốc Hoa Sen Group khẳng định vai trò của CEO Việt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay là vô cùng quan trọng. Theo cách ví von của ông, chèo thuyền trên dòng sông phẳng lặng bao giờ cũng đơn giản hơn là khi gặp mưa to gió lớn.
Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ cần CEO quyết định sai là “thuyền” sẽ lật. Vì vậy mà hiện tại chính là lúc CEO phải chứng tỏ bản lĩnh của mình trong việc hạn chế tối đa mọi sai sót, tĩnh tâm - sáng suốt để giảm bớt và giải quyết tình trạng xấu.
Sự bình tĩnh, thích ứng nhanh và tinh thần quyết đoán sẽ giúp các CEO chuyển bại thành thắng, đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để có thể đón đầu cơ hội mới khi thị trường hồi phục. Không phải là “lạc quan tếu” khi cho rằng khủng hoảng tài chính cũng có những mặt tích cực của nó.
Vì đây chính là sự phá vỡ một trật tự kinh tế cũ, thiết lập lại một trật tự kinh tế mới mà ở đó luôn có cơ hội cho những doanh nghiệp có thực lực và sự nhanh nhạy.
Cũng theo ông Vũ, CEO Việt nên tận dụng thời gian này để nhìn lại mình và doanh nghiệp mình, xem còn thiếu gì và yếu gì, để từ đó hoạch định kế hoạch kinh doanh cũng như hoạch định nguồn nhân lực phù hợp. Sự khó khăn về tài chính đòi hỏi các CEO phải cơ cấu lại doanh nghiệp mình, tránh đầu tư dàn trải, mạnh dạn cắt bỏ những bộ phận “có khối u”...
Ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM cho rằng dù chính phủ Mỹ và châu Âu đã bỏ ra một khoản tiền lớn để giải cứu thị trường, nhưng cũng chỉ cứu được phần nợ xấu. Nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính này chắc chắn đi xuống và sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam.
Chính vì vậy mà các CEO Việt cần chuẩn bị sẵn tinh thần và có thể ứng phó bằng cách tìm những “khe hở” của thị trường - đầu tư vào những mảng mà đối thủ bỏ qua. Thực tế cho thấy, thị trường có hai nguyên tắc kinh doanh lớn: tự tạo ra cuộc chơi cho riêng mình và chơi cuộc chơi của người khác.
Theo một số chuyên gia kinh tế, dù chọn cách nào thì “người chơi” cũng phải chuẩn bị sẵn 5 “kịch bản” (tốt, khá tốt, trung bình, xấu, quá xấu) cùng 5 giải pháp tương ứng. Sự nhìn nhận và đánh giá chính xác thị trường cũng như tình trạng của doanh nghiệp mình sẽ giúp các CEO Việt có sự chủ động trong việc ứng phó, hạn chế sai sót trong việc ra quyết định.
Và một nguyên tắc quản lý mà các CEO cần “thuộc nằm lòng” là ngay từ đầu phải có sự minh bạch để khi phải tuyên bố phá sản cũng không bị vướng mắc về pháp luật.
Một nhiệm vụ quan trọng của CEO là ra quyết định. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều chọn giải pháp thắt lưng buộc bụng và nhiều người đã đánh đồng giữa chi phí và đầu tư.
Trong một cuộc hội thảo gần đây do CEO Club tổ chức, ông Đỗ Quốc Hiệp - Giám đốc chiến lược kinh doanh Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam cho rằng các CEO phải cân nhắc xem sự đầu tư ấy có thực sự mang lại tài sản mới cho doanh nghiệp hay không.
Việc này thực ra không quá khó để xem xét vì sự đầu tư có lợi nhất thường là vào những lĩnh vực có liên quan với nhau để tạo ra sự bền vững cho doanh nghiệp.
Để ứng phó với khủng hoảng tài chính, bên cạnh các giải pháp đã được áp dụng (tiết giảm tối đa chi phí, tinh lọc bộ máy, thu hẹp đầu tư, cố gắng giữ sự cân đối về nguồn tiền mặt...) để doanh nghiệp có thể tồn tại ít nhất là một năm nữa, các CEO còn phải chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận tình trạng xấu nhất: phải tuyên bố phá sản.
Để đả thông tư tưởng cho nhân viên, cách tốt nhất là thành thực chia sẻ với họ về những khó khăn của doanh nghiệp. Vì xét cho cùng, thành - bại trong kinh doanh là chuyện bình thường, bản lĩnh của doanh nhân thể hiện ở quyết tâm thua keo này, bày keo khác...