Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Luyện tập - Ngày đăng : 05:38, 24/02/2009

Cà tím nay không hẳn có màu tím hoặc hình dạng ngọc dương như xưa nữa mà có nhiều giống cà cho trái màu trắng, vàng, lục, tía đỏ hoặc tía sẫm và có hình tròn hay hình trứng gà.
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Cà tím nay không hẳn có màu tím hoặc hình dạng ngọc dương như xưa nữa mà có nhiều giống cà cho trái màu trắng, vàng, lục, tía đỏ hoặc tía sẫm và có hình tròn hay hình trứng gà.

Trái cà tươi có mùi vị không hấp dẫn, nhưng khi được chế biến thành món ăn thì nó rất ngon và có hương vị đặc biệt. Cà tím nướng ăn với mỡ hành là món được nhiều người ưa chuộng. Nó là thành phần không thể thiếu trong các món mắm sống hay mắm kho. Cà tím xào với thịt, tôm hoặc tép cũng là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình...

Cây cà tím được trồng khắp nơi ở nước ta, ngoài công dụng làm thức ăn rất thơm ngon bổ dưỡng, trái cà còn được dùng làm thuốc từ lâu đời với công dụng mát gan, nhuận tràng, kích thích sự bài tiết mật, thông tiểu tiện, chống phù nề, đàm thấp, hỗ trợ trong điều trị bệnh thận.

Tác dụng quan trọng nhất là trị các bệnh gan mật, sau đó là điều hòa tiêu hóa. Người ta còn dùng cuống trái hoặc rễ cây cà tím chế biến dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột để trị chứng tiểu tiện, lỵ ra máu.

Trái cà tím rất giàu dinh dưỡng, gồm nước, glucid, protid, lipid, phốt-pho, magiê, calcium... và các vitatmin B1, B12, E... Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh trong cà tím có rất nhiều vitamin P.

Đây là loại vitamin giúp tăng cường sự dẻo dai của các mạch máu và giảm bớt lượng cholesterol xấu. Lượng vitamin P trong cà tím có thể giúp phòng ngừa được bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch.

Cà tím không có chất béo và cholesterol, nhưng theo các nhà khoa, nó có đặc tính thấm dầu nhanh, nếu ăn nhiều cà xào sẽ làm tăng thêm lượng chất béo vào cơ thể.

Vì vậy, họ khuyên nên ăn cà hầm nhừ, sẽ không làm mất đi thành phần dinh dưỡng vốn có trong cà mà còn là một món ngon, bổ dưỡng. Việc ngâm cà tím xắt miếng qua nước pha muối rồi rửa lại sẽ làm cà mềm hơn và loại bỏ gần hết vị đắng, làm cho cà ngon hơn.

Luống rau, liếp cà luôn là hình ảnh gợi nhớ quê hương của những người xa xứ; là nỗi nhớ, niềm thương trong lúc chạnh lòng nhớ thuở “xuân xanh” nơi chốn quê nhà:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay…

PH tổng hợp