Hà Nội, nhìn từ phố Hàng Bông
Đời thường - Ngày đăng : 06:17, 11/02/2009
![]() |
Ai chẳng biết một chiều trên phố Hàng Bông Hà Nội khung cảnh ra sao. Con phố nổi tiếng nối hai con đường cũng nổi tiếng không kém của phố cổ Hà Nội là Hàng Gai và Cửa Nam hai trăm năm nay vẫn chật ứ người và hàng hóa.
Gần ba chục năm nay nó lại chịu thêm hàng nghìn lượt xe máy qua lại mỗi ngày. Nói đến phố Hàng Bông là người ta hình dung đến việc cửa hàng ở đó mỗi mét vuông được thuê bao nhiêu nghìn đô la, là những thương hiệu Quốc Hương về chả giò bánh chưng, hay những cửa hàng lụa là gấm vóc chứa đựng sắc đẹp Á Đông khách Tây thường tìm kiếm. Con phố nhỏ luôn mang vóc dáng một phiên chợ sắp vỡ.
Có một hôm tôi đi lang thang trên con phố này, đi bộ, đi chậm, chân vẫn vấp váp một vỉa hè, vấp váp những hàng bún đậu mắm tôm, vòng vèo nhường nhịn gánh hàng rong xuôi ngược. Hàng Bông mang dáng vẻ điển hình của một phố cổ trĩu nặng, chật chội không có lối thoát.
Nếu không mang sẵn quá nhiều kỷ niệm, e tôi không kham nổi việc ngắm phố vì biết quá rõ đằng sau cửa hàng lộng lẫy kia là những ngõ nhỏ chật chội, sâu hút, tối mù và cái mùi khủng khiếp của hàng chục gia đình tự nhốt trong cái không gian bé tí xíu. Vừa thích thú, vừa định kiến, tôi không rõ là mình có đang phí thời gian vô ích một buổi chiều đẹp ở dây chăng?
Nhưng có một sự tình cờ sắp đặt, để sau này có ai chê bai căn phố chật ấy, thì đã có một tôi đứng ra cãi. Trong cái ồn ào khủng khiếp của khu phố buôn bán, ngang qua căn nhà số 30 bỗng một khoảng không âm thanh chợt bay ra từ căn gác nhỏ. Mozart! Ai đã chơi bản nhạc Mùa xuân của Mozart vào một chiều xuân đến nỗi vỉa hè Hàng Bông chợt như quá rộng cho một người đứng nghe trộm tiếng đàn dương cầm.
Quả là tiếng đàn điệu nghệ, mạnh mẽ làm nổi bật sự hài hòa, cân bằng giữa giai điệu và tiết tấu, nó nhắc nhở đến sự dịu dàng và trong trẻo thuần khiết của Mozart. Tôi đứng nghe mê mải quên bẵng tiếng xe máy ầm ào bên cạnh, trong ánh mắt rộng lượng của một người đứng giữ xe cho khách. Ông ấy chắc không lạ gì tiếng đàn, và hẳn vô khối người đã đứng ngẩn ngơ ở cái cửa cũ kỹ này. Như tôi.
Trong cái không gian bé xíu bề ngang khoảng một mét rưỡi ấy, tôi thấy cơ man những bức tranh dựa tường. Giữa không gian lộn xộn, có một người đàn ông đang nghiêng trên phím đàn, dáng dấp giống Văn Cao khi nhìn nghiêng. Ông chìm trong những âm điệu thanh nhã mùa xuân của Mozart, chẳng biết ngoài kia Tết cũng đang về. Hai không gian trái ngược, một bên tinh tế, tươi sáng, một bên ồn ào, ô tạp, chỉ cách nhau một khung cửa sổ để mở! Tôi nhìn ông chơi đàn, nhìn những bức tranh như gặp một địa chỉ cũ.
Và tôi cũng đã nhớ. 30 Hàng Bông là một sa lông nghệ thuật chuyên treo tranh của các họa sĩ tiên phong, nâng đỡ những tài năng nghệ thuật. Và người đang chơi đàn ấy chính là họa sĩ Vũ Dân Tân, người nổi tiếng với trào lưu làm mặt nạ ở Hà Nội cách đây 20 năm. Ông là người Hà Nội gốc, con trai của nhà viết kịch Vũ Đình Long, ông chủ của Nhà xuất bản Tân Dân, chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1934-1942), Tao Đàn (1937-1938) và nhiều tờ báo khác.
Cậu công tử Vũ Dân Tân không nối nghiệp cha mà đắm mình trong thế giới hội họa và nhạc cổ điển. Tiếng đàn của ông không biết có thổi hồn vào nhạc Phú Quang làm nên “Em ơi Hà Nội phố” hay không, nhưng kể từ lúc nghe tiếng dương cầm trên nền náo nhiệt của phố Hàng Bông ấy tôi bỗng quên câu chuyện người Hà Nội phá hỏng phố hoa dịp tết Dương lịch, quên những định kiến về Hà Nội đang thay đổi, đang tự chuốc lên mình biết bao nhiêu ô tạp, xô bồ.
Ở bên bờ Hồ Gươm, tôi có nhìn thấy một vườn hoa đào bị rào bằng lưới thép trông rất phản cảm. Thế nhưng, từ căn nhà nhỏ 30 Hàng Bông, từ những âm thanh của Mozart, tôi như nhìn thấy một Hà Nội khác nữa, tinh hoa, tao nhã và sâu thẳm. Phố sách Đinh Lễ chiều 30 Tết vẫn có người đến. Tôi không nhớ đây là trung tâm luộc sách lậu nữa, chỉ thấy thú vị ngắm nhìn một cặp vợ chồng già phong nhã trong chiếc áo măng tô cầm tay nhau vào hiệu sách cũ, những cặp tình nhân trẻ chiều cuối năm mải mê tìm cho nhau một cuốn sách hay để đọc trong dịp nghỉ Tết.
Và cách người Hà Nội đi vào một ngôi chùa nữa, cũng rất lạ. Hàng trăm người đi vào cái cửa chật của Chùa Quán Sứ cầu tài lộc đúng thời khắc đầu năm, vẫn cứ từ tốn nhường nhịn, không ai xô đẩy, không chạm vào người nhau, và yên lặng không có tiếng bước chân...