Trẻ trồng na, già trồng chuối

Luyện tập - Ngày đăng : 06:55, 06/10/2008

Quả na là tên của người miền Bắc gọi trái mãng cầu dai hay mãng cầu ta ở miền Nam. Sở dĩ người dân gọi na là mãng cầu dai vì thịt của nó dai hơn mãng cầu xiêm. Thật ra mãng cầu dai có loại bở và dai. Mãng cầu dai thì các múi khi chín vẫn dính chặt vào nhau, dễ vận chuyển vì dù có bị xốc mạnh trái không bị bể. Mãng cầu bở, trái lại, khi chín múi nọ rời múi kia, bị chạm hơi mạnh là trái bung ra. Thậm chí ngay khi còn ở trên cây, trái chưa chín có thể đã nứt. Độ ngọt của mãng cầu dai cũng cao hơn mãng cầu bở.
Trẻ trồng na, già trồng chuối

Quả na là tên của người miền Bắc gọi trái mãng cầu dai hay mãng cầu ta ở miền Nam. Sở dĩ người dân gọi na là mãng cầu dai vì thịt của nó dai hơn mãng cầu xiêm. Thật ra mãng cầu dai có loại bở và dai. Mãng cầu dai thì các múi khi chín vẫn dính chặt vào nhau, dễ vận chuyển vì dù có bị xốc mạnh trái không bị bể.

Mãng cầu bở, trái lại, khi chín múi nọ rời múi kia, bị chạm hơi mạnh là trái bung ra. Thậm chí ngay khi còn ở trên cây, trái chưa chín có thể đã nứt. Độ ngọt của mãng cầu dai cũng cao hơn mãng cầu bở.

Trái mãng cầu dai vỏ dày, màu xanh, thịt trắng, mềm và ngọt hơn mãng cầu xiêm. Người sành ăn cho rằng ngon nhất là mãng cầu dai trồng ở Vũng Tàu, còn gọi là mãng cầu Cấp. Mãng cầu Cấp có vỏ xù xì, múi không đều, không mọng, nhưng vị của nó thơm và ngọt, hơn hẳn các loại mãng cầu dai khác.

Cây mãng cầu dai nếu trồng bằng hột giống đến 4-5 năm mới cho trái nên ông bà ta có kinh nghiệm: “Trẻ trồng na, già trồng chuối”. Ngày nay, các nhà vườn đã rút ngắn thời gian cho trái của cây mãng cầu dai rất nhiều nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của loại trái này.

Theo y học cổ truyền, nhiều bộ phận của cây mãng cầu dai giúp trị bệnh rất tốt. Các bài thuốc như: Một nắm lá mãng cầu dai rửa sạch, đâm nát cùng lá bồ công anh, đắp trị sưng tấy do ung nhọt hoặc sưng nhũ hoa.

Để trị bong gân, lấy 20g lá mãng cầu dai, 10g đu đủ xanh, 5g vôi tôi, 5g muối ăn, tất cả đâm nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương, mỗi ngày đắp một lần.

Trị giun đũa, 30-50g rễ mãng cầu dai sắc nhỏ, sao qua, sắc uống. Trị bệnh lỵ, dùng một trái mãng cầu dai già gần chín, lấy hết thịt để riêng, sắc vỏ để lấy một bát nước thuốc, ăn thịt trái và uống nước sắc.

Người cao tuổi, người mới hết bệnh và phụ nữ sau khi sinh ăn trái mãng cầu dai chín rất bổ dưỡng, nhanh phục hồi sức khỏe.

Trái mãng cầu dai đang lớn bị một loài nấm làm hư, khô xác, có màu nâu đỏ, dân gian gọi là trái mãng cầu dai điếc là vị thuốc được dùng phổ biến trong Đông y. Chẳng hạn, để chữa tiêu chảy, kiết lỵ: lấy 20g trái điếc đó đốt tồn tính, rồi rang vàng với 50g đọt non cỏ lào, trộn với 30g gạo tẻ, sắc uống làm 3 lần trong ngày.

Hoặc dùng trái điếc đó phơi thật khô, tán thành bột, hòa với giấm, bôi nhiều lần trong ngày, trị vết sưng hoặc ung nhọt ở nhũ hoa là bài thuốc rất hiệu nghiệm được người dân ưa dùng.

Hột mãng cầu dai có độc, không được dùng uống. Khi dùng thoa ngoài, không để dung dịch hột đó bắn vào mắt.

PH