Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Luật Nhà ở không theo kịp nhu cầu xã hội

Du lịch - Ngày đăng : 00:25, 26/08/2008

Trước những ý kiến khác nhau về việc có nên hay không cho phép các doanh nghiệp xây dựng căn hộ chung cư diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam(ảnh) đã đi tìm hiểu thực tế tại TP.HCM và có cuộc trao đổi với DNSG.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Luật Nhà ở không theo kịp nhu cầu xã hội


* Quan điểm của Bộ Xây dựng như thế nào về việc các DN xin phát triển dự án căn hộ có diện tích nhỏ?



- Nếu cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ khoảng 30-40m2, với giá bán hiện nay 12-15 triệu đồng/m2 thì sẽ nhiều người có cơ hội mua được căn hộ. Khâu thiết kế rất quan trọng, phải tiết kiệm, tận dụng diện tích tối đa, nhưng vẫn thông thoáng, chú ý cả ánh sáng, tiết kiệm nhiều năng lượng.

- Giá thành xây dựng thể hiện tính cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng, chi phí nhân công phụ thuộc biến động khách quan. Đã đến lúc doanh nghiệp nghĩ đến ứng dụng các loại vật liệu mới, công nghệ xây dựng mới. Bộ Xây dựng cũng đang hướng tới công nghệ xây dựng lắp ghép, nhưng ngay từ những môđun được sản xuất phải theo tiêu chuẩn hẳn hoi.

- Nếu đạt yêu cầu chất lượng thì việc lắp ghép đỡ tốn thời gian, chi phí. Trước đây, đã có nhà lắp ghép nhưng mắc khuyết điểm là sản xuất từng bộ phận rời thì tốt nhưng không chú ý khâu gắn kết nên những mối ghép không đảm bảo. Dù là xây dựng nhà ở loại nào, doanh nghiệp cũng phải thể hiện việc kinh doanh nghiêm túc, lâu dài và tính chuyên nghiệp cao.

- Bên cạnh tìm kiếm lợi nhuận, DN cũng phải nghĩ đến điều kiện sống cho người dân chứ không phải xây nhà bán đi là xong, phải tính người ở lâu dài nên phải đảm bảo môi trường sống tốt.

* Nhưng Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP còn vướng cho doanh nghiệp muốn thực hiện những dự án này?

- Một thực tế là nhiều luật hay văn bản pháp quy ra đời là do tính bức bách về thời gian, do tư duy của các nhà quản lý không theo kịp sự phát triển của xã hội. Vì thế đòi hỏi có luật để có khung pháp lý cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thực thi, nhưng các bộ phải liên tục cập nhật, nghe ngóng và tiếp xúc với các doanh nghiệp để có những phản hồi mà điều chỉnh luật cho phù hợp.

- Việc xây dựng luật phải được chuyên nghiệp hóa, những gì chưa đúng phải sửa. Xây dựng luật sau này cũng cần có “qui trình công nghệ” cũng như đội ngũ xây dựng luật khoa học, tiên tiến hơn để tránh tình trạng sửa liên tục.

- Xuất phát từ thực tiễn của xã hội, điều kiện kinh tế nước mình chưa phải là nước giàu, thu nhập người dân có hạn, trong khi mong ước đời người là được sở hữu một căn nhà, nếu thiết kế những căn hộ tuy có diện tích nhỏ nhưng bố trí hợp lý và được quản lý tốt thì điều kiện sống và cách sống sẽ văn minh hơn, khác với những căn nhà người dân tự xây dựng nhếch nhác trong đô thị.

- Đây là thị trường rất rộng cho doanh nghiệp, đồng thời phục vụ nhu cầu xã hội. Điều này Nhà nước lợi, nhân dân lợi, doanh nghiệp cũng lợi.

* Về chương trình nhà ở xã hội, được biết tháng 9 tới, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ xem xét. Nhà ở xã hội có thể giải quyết được bao nhiêu nhu cầu?

- Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp về cơ bản có giống nhau là đã cho người thu nhập thấp thì diện tích phải nhỏ phù hợp với khả năng thanh toán của người mua. Nhà ở xã hội sẽ dành một phần cho thuê vì có những người không có khả năng mua cho dù giá rẻ.

- Mục tiêu trước mắt là giúp cho nhiều người có nơi ở tương đối tốt thay vì ở dột nát, bẩn thỉu, dễ gây bệnh tật. Mục tiêu lâu dài là để người thuê có thời gian tích lũy đủ mua được căn hộ. Nhà nước muốn làm rất nhiều cho dân nhưng khả năng có hạn nên hầu hết chính sách đều phải triển khai theo hướng xã hội hóa.

- Phương châm thực hiện chương trình nhà ở xã hội là người dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng xã hội giúp đỡ bằng cách ngân hàng tham gia cho vay dài hạn.

NGỌC VÂN

NGỌC VÂN