Ba mươi năm, một tiệm bánh mì

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:32, 15/09/2008

53 tuổi, hơn 30 năm kế thừa sạp bánh mì của mẹ, bà Bùi Thị Hồng (ảnh bên) cùng chồng là ông Lai Quan Phúc đã đưa thương hiệu bánh mì Hồng Phúc ở khu vực chợ Tân Định (Q.1) lan sang tận trời Tây.
Ba mươi năm, một tiệm bánh mì

53 tuổi, hơn 30 năm kế thừa sạp bánh mì của mẹ, bà Bùi Thị Hồng (ảnh bên) cùng chồng là ông Lai Quan Phúc đã đưa thương hiệu bánh mì Hồng Phúc ở khu vực chợ Tân Định (Q.1) lan sang tận trời Tây.

Thật ra, thương hiệu Hồng Phúc chỉ có khoảng 20 năm nay, khi bà Hồng được mẹ chính thức giao nhiệm vụ “chăm sóc cơ ngơi bánh mì” ở chợ Tân Định. Từ khi nhận “sạp bánh mì không tên” nhưng rất đông khách từ mẹ, vợ chồng bà đã nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu cho sạp. Và ngày nay Hồng Phúc (tên của vợ chồng bà ghép lại) đã trở thành thương hiệu bánh mì của gia đình bà.

Đến chợ Tân Định, vào khu thực phẩm chế biến, khách hàng sẽ thấy một gian hàng bánh mì tuy nhỏ nhưng rất đông người mua. Lúc nào ở sạp cũng túc trực 4 - 5 người bán nhưng vẫn không kịp phục vụ khách. Vậy nhưng, theo bà Hồng: Cũng chưa là gì so với trước kia! “Hồi trước, có những hôm khách đông đến nỗi vợ chồng tôi không kịp ăn cơm, và hầu như không bao giờ có giờ nghỉ trưa”, bà Hồng nhớ lại.

Đó là nhờ vợ chồng bà biết đa dạng hóa mặt hàng.Từ khi chính thức quản lý sạp, vợ chồng bà đã nghĩ ngay đến việc phát triển thêm chủng loại sản phẩm để thu hút khách. Không chỉ bán giò lụa, giò thủ, jambon như mẹ, bà Hồng đã bổ sung thêm các loại khác như thịt nguội, xúc xích, nem, bánh giò, ba rọi cuốn... Ngày lễ hoặc Tết bà còn chế biến thêm các món jambon gà, bao tử dồn thịt... để làm phong phú thực đơn giới thiệu với khách.

Nhưng không phải bà Hồng “tay ngang” làm ra những món ăn ngon phục vụ khách mà thời còn trẻ, bà đã học qua các lớp nữ công gia chánh. Tốt nghiệp loại giỏi khoa Nữ công Trường Kỹ thuật Gia Định (Trường Cao đẳng Kỹ thuật điện bây giờ) những năm trước giải phóng, ra trường, bà không đi làm mà ở nhà phụ mẹ quán xuyến việc kinh doanh ở chợ.

Từ sạp hàng của mẹ cộng với sự yêu thích chế biến món ăn, bà Hồng đã mày mò, sáng chế thêm nhiều món khác như giò lụa, jambon thịt gà, bao tử heo cuộn thịt, bánh giò... Điều đáng nói là “chào hàng” chưa bao lâu nhưng những sản phẩm này đã được khách hàng yêu thích.

Tiếng tăm của một sạp bánh mì bán các loại giò lụa, giò thủ ngon ngày càng lan rộng nên nhiều tiệm bán bánh cuốn trên đường Mạc Đĩnh Chi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa đều đến Hồng Phúc lấy hàng, có những bạn hàng mỗi ngày lấy đến 10 ký chả. Không chỉ người buôn bán, nhiều khách hàng thích món ăn này cũng thường xuyên ghé sạp. “Vui nhất là những khách hàng dù đã định cư ở nước ngoài nhưng mỗi khi về thăm quê đều ghé đến Hồng Phúc mua giò lụa, giò thủ... thưởng thức.

Thậm chí, có người còn đặt hàng mang ra nước ngoài làm quà biếu bà con xa quê”, bà Hồng kể. Mỗi năm, vào dịp hè và Tết, cả nhà bà Hồng lại tất bật “làm theo đơn đặt hàng” của khách Việt kiều các nước Mỹ, Úc, Canada... Để khuếch trương thương hiệu, ngoài sạp bánh mì ở chợ Tân Định, vợ chồng bà Hồng mở thêm cửa hiệu Hồng Phúc tại số 460 Hai Bà Trưng, P.Tân Định, Q.1.

Không phải tự nhiên Hồng Phúc có lượng “khách hàng thân thiết” đông như thế mà là do vợ chồng bà Hồng đã để bao công sức gầy dựng hơn 30 năm qua. Bà Hồng cho rằng: “Bán hàng phải có uy tín, bảo đảm chất lượng mới mong giữ được khách hàng”.

Với vợ chồng bà, yêu cầu này được đặt lên hàng đầu, vì thế, từ nhiều tháng nay, mặc dù giá cả tăng cao nhưng không vì lợi nhuận mà Hồng Phúc giảm chất lượng sản phẩm.

Hàng bán ở đây, chất lượng “trước sau như một”, bà Hồng khẳng định. Bán hàng thực phẩm - mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng - nên ông bà rất kỹ trong chuyện chế biến. Các loại giò lụa, giò thủ đều không sử dụng hàn the, thịt được lấy từ các mối có uy tín.

Không những thế, để khách hàng có những món giò lụa, giò thủ ngon, bà Hồng kiên quyết chỉ bán “hàng nóng”, không để quá ba ngày sau khi chế biến. Và dĩ nhiên, nhu cầu khách hàng tới đâu, Hồng Phúc chế biến tới đó chứ không làm dư. Biết là vừa chế biến, vừa bán rất cực nhưng “mình chủ động, quyết định được chất lượng chứ không phụ thuộc vào mối hàng”, bà Hồng chia sẻ.

Chính nhờ chủ động được nguồn cung mà mấy chục năm rồi bán ở chợ Tân Định, đã qua biết bao cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng nhưng chưa lần nào Hồng Phúc vi phạm.

Do kinh doanh theo hình thức “tự sản tự tiêu” nên các mặt hàng bán ở tiệm có giá rẻ hơn những nơi khác rất nhiều: Trong khi giò lụa, nem của các cơ sở lớn bán với giá 150.000đ/kg thì tại Hồng Phúc chỉ 110.000đ/kg. Nhiều khách hàng mới mua lần đầu đều thắc mắc, nghi ngờ: “Hàng rẻ là hàng kém chất lượng”, nhưng bà vẫn ôn tồn mời họ dùng thử. Và một khi đã “dùng thử” các sản phẩm của Hồng Phúc thì hầu hết khách hàng đều quay lại với bà sau đó.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, bà Hồng chỉ dẫn: “Muốn mua được giò lụa ngon thì nên chọn loại hấp, nhìn “đòn giò” nhỏ nhưng cầm nặng tay, để được lâu. Muốn mang đi xa, nên mua loại chỉ gói bằng lá chuối, không bọc bao ni lông để tránh bị hấp hơi. Giò có bỏ hàn the ăn rất giòn, để được lâu nhưng khi ăn “hậu” lại chát”.

MINH HÀO
Ảnh: THI NA

Minh Hào