Đói lòng ăn trái ổi non

Sống khỏe - Ngày đăng : 05:06, 22/09/2008

Từ miền nhiệt đới châu Mỹ, cây ổi “di cư” sang vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và trở thành loại cây ăn trái phổ biến cho cư dân ở hai lục địa rộng lớn này. Ở nước ta, cây ổi mọc hoang khắp nơi, từ vùng rừng núi cho đến đồng bằng và được người dân trồng quanh nhà để ăn trái.
Đói lòng ăn trái ổi non

Từ miền nhiệt đới châu Mỹ, cây ổi “di cư” sang vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và trở thành loại cây ăn trái phổ biến cho cư dân ở hai lục địa rộng lớn này.

Ở nước ta, cây ổi mọc hoang khắp nơi, từ vùng rừng núi cho đến đồng bằng và được người dân trồng quanh nhà để ăn trái. Cùng với cây khế, cây chùm ruột, cây ổi là hình ảnh thân quen, gắn bó với cuộc sống yên bình của người dân ở nông thôn:

Đói lòng ăn trái ổi non,

Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa ơn

Ổi là loại cây ăn trái được trẻ con miệt vườn leo trèo nhiều nhất, nhiều đến mức nó nhẵn bóng cả da và cho bọn trẻ một kinh nghiệm “xương máu” mỗi khi leo trèo: “còng giòn, ổi dẻo, me dai”. Cũng như chuyện “hai đứa trốn nhà tắm sông, hái ổi” rồi bị má đánh đòn vì cái tội leo cây và tắm đến “mọc rong” cả hai khóe miệng không còn là chuyện riêng của bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước.

Đó là những câu chuyện của ngày xưa, của những cây ổi sẻ - loại ổi được trồng từ hột hoặc mọc lên từ hột trong phân chim. Trai ổi sẻ nhỏ như trái chanh, chỉ cắn hai ba cắn là đến... trái thứ hai, nhưng bù lại, ổi sẻ vừa chua vừa ngọt vừa thoảng mùi hương thanh tao, mát dịu suốt một thời tuổi thơ!

Ngoài công dụng “làm kỷ niệm tuổi thơ”, các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, vỏ rễ và vỏ thân còn được dùng làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, trái ổi có tính mát, vị ngọt, chua, hơi chát, không độc; thường dùng để sát trùng, rửa vết thương, trị tiêu chảy. Dân gian dùng lá ổi đâm nát hoặc nước sắc lá ổi để làm thuốc sát trùng, chống nấm, trị các trường hợp lở loét lâu lành, làm giảm sốt, trị đau răng, ho và viêm họng.

Để trị chấn thương hoặc bị côn trùng hay thú cắn: Lấy búp ổi non nhai nát, đắp vào vết thương. Chữa vết loét lâu lành ở chân, tay: Búp ổi, lá ổi non sắc đặc, ngâm tay hoặc chân bị loét vào nước sắc lúc còn ấm, 2 - 3 lần/ngày.

Trị đau răng hoặc vết lở ở miệng: Nhai hoặc đâm nát búp ổi non rơ nhẹ vào chỗ lở ở nướu; hoặc dùng lá ổi non sắc đặc, súc miệng và ngậm vài phút trước khi nhả ra. Trị tiêu chảy cấp: 20g búp ổi, 20g vỏ măng cụt, 10g gừng nướng, 20g gạo rang, sắc uống.

Trị tiểu đường: Vỏ trái ổi có nhiều chất xơ, sinh tố C và những chất chống oxy hóa có tác dụng kháng viêm và ổn định đường huyết, rất tốt cho các bệnh nhân tiểu đường loại 2. Bệnh nhân không nên ăn phần ruột vì có nhiều hạt và chỉ số đường cao. Liều dùng trung bình 150g mỗi ngày. Người già có thể xắt nhỏ, xay và ép lấy nước uống. Tuy nhiên, nước ép sẽ mất bớt đi sinh tố và chất xơ.

Những người đang bị táo bón hoặc bị tả lỵ không nên dùng các bài thuốc được làm từ ổi.

PH tổng hợp

PH