“Thiên mệnh truyền bá tiếng Việt”

Chính sách mới - Ngày đăng : 07:04, 29/09/2008

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Ngọc Yến năm nay đã ở tuổi “cổ lai hi” nhưng vẫn tự nhận mình là một trong những người “mang thiên mệnh truyền bá tiếng Việt khắp năm châu”.
“Thiên mệnh truyền bá tiếng Việt”

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Ngọc Yến năm nay đã ở tuổi “cổ lai hi” nhưng vẫn tự nhận mình là một trong những người “mang thiên mệnh truyền bá tiếng Việt khắp năm châu”.

Người Việt khi xa đất nước rồi lại càng nghĩ đến đất nước nhiều hơn - Ảnh: Bà Yến mua thực phẩm tại chợ rau Washington DC.

Tôi gặp bà Yến lần đầu tiên khi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM mời bà tham dự hội thảo “Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn” được tổ chức tại Phan Rang vào những ngày đầu tháng 8/2008. Đứng trước cử tọa đông đảo gồm những giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... đến từ Pháp, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... và các nhà giáo trong nước, bà Nguyễn Ngọc Yến nền nã trong chiếc áo dài lụa màu vàng ánh nâu, lên tiếng thật điềm tĩnh và chân thành: “Chúng tôi là những người may mắn được mang thiên mệnh truyền bá tiếng Việt...”.

Cử tọa yên lặng lắng nghe những kinh nghiệm quý báu của một nhà giáo đã 73 tuổi, một lòng thiết tha với tiếng Việt và đất nước. Chính tấm lòng bền bỉ, không chút dời đổi ấy đã thu hút tôi lại gần với bà, và thật là một mối duyên kỳ thú khi tôi may mắn có dịp gặp lại bà trên đất Mỹ.

BỮA CỖ TIẾNG VIỆT

Bà Nguyễn Ngọc Yến đang sống cùng gia đình ở bang Virginia, đây cũng là nơi bà làm công việc giảng dạy tiếng Việt cho những người Mỹ chuẩn bị sang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Hàng ngày, người ta thường thấy bà ra vào Viện Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ), dịu dàng và nghiêm cẩn trong tà áo dài Việt, hướng dẫn các học viên Mỹ học và thực hành tiếng Việt.

Nhiều năm giảng dạy tại Viện Ngoại vụ, bà được xem là người “chuyên trị” những học viên quá kém hoặc đã “chê tiếng Việt”. Đó là nhờ bà Yến đưa ra một phương pháp học phát âm tiếng Việt rất hiệu quả và nhanh chóng dành cho người nước ngoài, và những học viên Mỹ chỉ mới “thọ giáo” bà khoảng một tháng là đã có thể ra khu Eden - một khu thương mại của người Việt tại Virginia - “dợt” tiếng Việt với người bản xứ.

Bà Yến tự nhận là rất khắt khe với học viên, nhưng cũng hết sức tận tụy với họ, kiên nhẫn tập cho họ nói thật chính xác từng dấu giọng. Bà đã nói với các học viên của mình rằng: “Xưa kia, khi người Việt từng bước mượn chữ của người phương Tây để phiên âm tiếng nói của mình, cha ông chúng tôi cũng đồng thời sử dụng các dấu thanh: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng để có thể bày tỏ đầy đủ những sắc thái của ngôn ngữ Việt mà chữ cái Latin không thể biểu đạt hết.

Do đó, cần phải phát âm thật chính xác những dấu giọng, thanh âm bằng, trắc thì mới có thể hiểu rõ được vẻ đẹp của tiếng Việt. Tiếng Việt của chúng tôi như thế, chẳng khác nào một bữa cỗ đã được bày sẵn, cần phải biết cách thụ hưởng. Nếu khi nghe các bạn nói tiếng Việt mà người bản xứ chúng tôi tỏ ra thích thú, vui cười thì có thể vì đó là thứ tiếng Việt còn ngô nghê, ngọng nghịu quá. Phải nói tiếng Việt thật chính xác, sao cho người Việt phải nể trọng thật sự. Các bạn đã nghe nhiều người Việt nói tiếng Mỹ hay và chuẩn không kém gì người Mỹ, vậy tại sao các bạn không thể nói tiếng Việt được như họ?”.

Bà nói: “Tiếng Việt là một ngôn ngữ đa âm, mỗi âm lại có ý nghĩa riêng, nếu học viên Mỹ không phân biệt được các âm, họ sẽ không tài nào hiểu được. Nhưng tiếng Việt lại được ký âm bằng mẫu tự Latin vốn rất quen thuộc với người phương Tây”. Học viên của bà được học trong tám tuần, mỗi tuần năm giờ, và thực tập tại phòng lab 16 tuần, mỗi tuần hai giờ.

Ngay từ những phút đầu tiên họ đã được nghe giáo viên nói theo giọng chuẩn bởi dù đọc theo giọng Bắc hay giọng Nam thì đều có những lỗi phát âm riêng của từng vùng, miền. “Ngay từ ngày đầu vào lớp của họ, tôi đã tập cho họ đọc, ghép câu. Nếu phát âm thật rõ dấu, không nói kiểu nửa chừng thì khi đã quen, họ sẽ có được giọng tốt và chuẩn”.

Các học viên phải tập phân biệt sáu thanh trong tiếng Việt với những câu dài không dấu hay toàn một dấu huyền hoặc dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã...Sau ba tháng học tiếng Việt theo cách này, các học viên đến thực tập tại Đại sứ quán VN ở Washington DC đều được từ Đại sứ đến thư ký khen ngợi.

NGÔN NGỮ ĐI ĐÔI VỚI VĂN HÓA VIỆT

Bà kể rằng đã giảng cho các học viên Mỹ rất kỹ về cách dùng đại từ nhân xưng của người Việt: Không như người Mỹ, chỉ you và I là xong, trong từng trường hợp, người Việt có cách xưng hô thích hợp. “Khi học viên Mỹ biết xưng cháu với người lớn tuổi là tôi chấm đậu liền”, bà Yến cho biết.

Không chỉ dạy ngôn ngữ, bà Yến còn làm giàu vốn văn hóa Việt cho các học viên qua các câu chuyện, từ chuyện phong tục, ẩm thực đến cuộc sống hôn nhân, gia đình của người Việt. Khi có học viên cho rằng bữa ăn của người Việt khiến người phụ nữ trong gia đình tốn quá nhiều thời gian và mất nhiều công sức thì bà Yến giải thích rằng phụ nữ Việt vốn chăm làm và luôn mong muốn bữa ăn hàng ngày có nhiều món khác nhau để chồng con lúc nào cũng cảm thấy ngon miệng.

Do đó, họ đã tận dụng tài khéo của mình để chế biến những nguyên liệu đơn giản thành nhiều món hấp dẫn cho dù gia đình họ không giàu có đi nữa. Và không vì chuyện bếp núc mà vai trò của người đàn bà trong gia đình Việt bị xem nhẹ: Tiếng Việt có từ “nội tướng” để chỉ bà chủ nhà, cho thấy vai trò của phụ nữ được đánh giá rất cao.

Những câu chuyện như thế giúp ích rất nhiều cho các học viên của bà khi họ học tiếng Việt. Bà Yến cười bảo: “Tôi chẳng làm được gì nhiều cho đất nước, thôi thì đó cũng là một cách yêu nước của mình”.

Hôm đến thăm nhà bà ở Washington DC, tôi được ăn một bữa cơm thuần Việt với rau muống xào, mắm cà, gỏi cuốn... Bà ra vườn nhà hái một mớ rau dấp cá để cuốn bánh tráng. Trước cửa nhà bà là một cây tắc trĩu quả vàng óng, và giữa sân là một hồ sen, súng, lá xanh mướt...

Đi cùng bà trên một con phố bán hàng thời trang ở thủ đô nước Mỹ, bà rủ tôi ghé vào một cửa hàng, chăm chú lựa một đôi giày gót nhỏ cho hợp với tà áo dài thường mặc. Trông bà thật trẻ trung, chẳng có vẻ gì là một phụ nữ đã trên 70 tuổi. Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên chiếc ghế gỗ dài bên bờ hồ Ann. Bà ngắm nhìn khung cảnh yên bình, thỉnh thoảng vẫy chào một chiếc du thuyền nhỏ chạy ngang, và đột nhiên nói: “Sao mà tôi yêu nước Việt quá đi!”.

Những lời bà nói thật trầm lắng, chân thành làm người nghe rung động: “Cũng giống như một đứa con, khi xa mẹ rồi mới biết thương nhớ mẹ, mới thấy mẹ cần cho mình biết bao! Những người Việt khi xa đất nước rồi lại càng nghĩ đến đất nước nhiều hơn”.

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Ngọc Yến (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) tại Hội thảo ở Phan Rang - Ảnh: Trí Đăng.

Bà Yến sinh năm 1935 trong một gia đình nề nếp ở Hà Nội, năm 1944 gia đình bà chuyển vào Nam sinh sống. Bà theo học chương trình Pháp tại Sài Gòn và đặc biệt yêu thích văn chương. Bà còn nhớ năm 20 tuổi đã được nhà thơ - nhà báo nổi tiếng thời bấy giờ là Nguyễn Vỹ biết đến và có ý định dìu dắt bà theo nghề báo. Thế nhưng, mẹ của bà vốn nệ cổ, không chấp nhận cho con gái lăn vào chốn trường văn trận bút. Thế là bà đành từ bỏ ước vọng đầu đời, rồi lập gia đình, sinh đến sáu người con như đa số phụ nữ thời bấy giờ.

Là giáo viên tiếng Pháp, bà Yến đồng thời còn là một doanh nhân. Thời trước, khi thấy nhiều thứ máy móc, sản phẩm của người Mỹ mang sang Việt Nam sớm bị thải loại một cách lãng phí, bà đứng ra mua lại các sản phẩm này với giá rẻ rồi sửa chữa để dùng trong nước. Trong thập niên 1960, bà từng thành lập nhà máy với khoảng 500 công nhân chuyên sửa chữa máy móc, phụ tùng xe hơi tại Khu kỹ nghệ Biên Hòa, công việc làm ăn khá phát đạt.

Sau 30/4/1975, các con bà Yến sang Mỹ định cư, đến 1984 bà mới sang sum họp cùng các con. Ban đầu chỉ ở nhà trông các cháu nội, ngoại, nhưng rồi vào tuổi 51, bà đã quyết định trở lại trường đại học, lấy hai bằng thạc sĩ và đặt hết lòng say mê vào việc giảng dạy tiếng Việt cho người Mỹ. Thật khó mà đếm được những gian lao bà đã trải qua để giờ đây có thể trở về đất nước và nói lên những ước vọng của mình.

Nói về dự tính của bà ư? Không ít đâu, nhưng bây giờ bà chỉ thích nói đến đề tài mới tìm được cho cuộc hội thảo của những người giảng dạy tiếng Việt năm sau, sẽ được tổ chức ở đồng bằng sông Cửu Long: “Tôi chỉ cần những bài dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của tôi được phổ biến rộng rãi và đem lại nhiều hiệu quả thôi. Sáng nay tôi mới dạy xong ba lớp, và chiều vẫn còn lên lớp nữa...”.

Virginia, tháng 9/2008

THÁI THANH

THÁI THANH