Sống khỏe

Tê tay chân và phương pháp điều trị

ThS-BS. Nguyễn Xuân Hưng (*) 16/07/2023 11:00

Theo y học hiện đại, tê bì chân tay là hội chứng bệnh thần kinh phổ biến từ thanh thiếu niên đến người cao tuổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày.

nguyen-nhan-cua-te-bi-chan-tay.jpg

Nguyên nhân

Những người dễ mắc phải tình trạng tê tay chân. Người lớn tuổi xương khớp đã lão hóa theo thời gian nên dễ bị tổn thương. Do tính chất của công việc, những người làm nghề lái xe đường dài, làm việc văn phòng ngồi trong nhiều giờ liên tục, người thường xuyên lao động động chân tay nặng, người bị chấn thương trong lúc làm việc, luyện tập thể thao hay bị tai nạn giao thông là những đối tượng dễ bị tê tay chân.

Bệnh nhân rối loạn chuyển hóa. Các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu cao cũng là nguyên nhân gây nên chứng tê bì chân tay, là do ở nhóm bệnh này có sự tổn thương vi mạch dẫn tới tình trạng thiếu hụt máu nuôi dưỡng dây thần kinh. Biểu hiện lúc đầu có thể chỉ đơn giản là rối loạn co thắt mạch máu, khi co thắt dẫn tới thiếu máu gây tê tay chân.

Các triệu chứng này có thể khắc phục nếu được phát hiện sớm và sẽ giúp giảm, thậm chí hết tê bì, nếu để bệnh trở nặng sẽ khiến mạch máu chít hẹp, tắc mạch sẽ dẫn tới tình trạng teo cơ, trợt loét.

Phụ nữ sau sinh. Tê tay sau sinh cũng là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh với biểu hiện là ngón tay thi thoảng bị tê cứng, có thể kèm theo tê buốt, châm chích hoặc chuột rút. Cơn đau có thể bị lan sang các vùng như cẳng chân, mông, đùi… thậm chí có thể hạn chế khả năng di chuyển nếu không được điều trị sớm.

Tín hiệu cảnh báo bệnh lý

Thoái hóa cột sống. Theo tuổi tác, đốt sống trở nên yếu và bị bào mòn. Cơ thể vì vậy tạo và tích tụ canxi để khắc phục tình trạng này, nhưng điều đó lại vô tình gây nên gai xương chèn ép rễ thần kinh, gây đau nhức và tê ngứa ở tay chân.

Thoát vị đĩa đệm. Tương tự như gai xương, đĩa đệm khi trượt khỏi vị trí ban đầu cũng sẽ chèn ép các mô mềm và dây thần kinh xung quanh, từ đó dẫn đến đau nhức, tê ngứa chân tay.

Thoái hóa khớp. Đây là tình trạng sụn khớp bị bào mòn, các đoạn xương có thể lệch khỏi vị trí do khớp mất khả năng kết nối, từ đó gây tổn thương các mô và rễ thần kinh xung quanh, làm cho tay chân bị tê.

Hẹp ống sống. Thoái hóa cột sống hay thoái vị đĩa đệm nặng có thể chèn ép vào ống sống, làm hẹp ống sống, ảnh hưởng đến xúc cảm ở tay chân. Nếu tình trạng hẹp ống sống không sớm được can thiệp, nguy cơ tắc nghẽn lưu lượng máu và dẫn truyền thần kinh đến tứ chi rất dễ xảy ra, gây tê mỏi chân tay.

Viêm đa khớp dạng thấp. Các khớp ở tay và chân khi bị viêm nhiễm, sưng tấy dễ dẫn đến bệnh tê bì chân tay, đặc biệt là những người hay ngồi hoặc đứng quá lâu.

Đa xơ cứng. Bệnh này là rối loạn tự miễn, có tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, gây hại đến màng bọc Myelin và làm cho người bệnh bị tê tay chân.

Hội chứng ống cổ tay. Dây thần kinh đi qua cổ tay bị chèn ép do gân bị sưng khiến cho cảm giác ở các ngón tay bị suy giảm và hạn chế cử động, lâu dần dẫn đến tê bì tay.

Viêm đa rễ thần kinh. Đây là bệnh do tổn thương hệ thần kinh ngoại biên, gây nên rối loạn cảm giác và cản trở khả năng vận động. Theo thời gian, bệnh có thể gây ra tê bì tay chân.

Xơ vữa động mạch. Bệnh xơ vữa động mạch khiến cho lòng động mạch bị thu hẹp, dẫn đến dây thần kinh bị chèn ép và khiến người bệnh bị tê tay chân.

Hoặc các bệnh lý như nhiễm độc thần kinh (do chất gây tê, gây mê, hóa dược).

Yếu tố nguy cơ

Chấn thương. Tình trạng tổn thương tay, chân, cột sống… có thể khiến cơ bị sưng viêm và chèn ép dây thần kinh, từ đó làm cho chân tay tê bì.

Sai tư thế. Ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu, nằm ngủ nghiêng một bên… có thể làm tổn thương mao mạch và rễ thần kinh, dẫn đến tê chân tay và giảm khả năng vận động thể chất.

Lối sống. Mặc đồ quá bó, căng thẳng kéo dài.

Thời tiết thay đổi đột ngột. Làm cho tế bào thần kinh gần bề mặt da trở nên mẫn cảm hơn, dễ gây ngứa và tê bì chân tay.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc. Một số loại thuốc điều trị có thành phần gây mẫn cảm, có thể gây tê tay chân.

Mang thai. Ở giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi chèn ép mạch máu và rễ thần kinh, khiến quá trình lưu thông máu trở nên khó khăn. Do đó, khi duy trì một tư thế hoặc ngồi xổm quá lâu, bà bầu dễ bị tê mỏi, đau nhức chân tay.

Thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Sự thiếu hụt vitamin B12, kali hoặc magie trong cơ thể gây ra tình trạng tê ngứa ở cả tay và chân.
Lạm dụng rượu bia. Rượu bia là tác nhân phá hủy mô xung quanh cơ thể, bao gồm hệ thống dây thần kinh. Điều này cũng lý giải tại sao tiêu thụ quá nhiều thức uống có cồn khiến bạn gặp phải triệu chứng yếu cơ, ngứa ran và tê bì ở chân tay.

Quan điểm của y học cổ truyền về bệnh tê bì tay chân

Sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh viết: “Huyết mạch trong nhân thể cũng như sông ngòi của trời đất, huyết được lưu thông thời muôn vật tốt tươi, huyết được vận hành toàn thân tưới nhuận, bế tắc một tý thời vạn bệnh phát sinh”.

Theo y học cổ truyền, chứng tê bì chân tay cũng thuộc chứng phong do cơ thể suy nhược, gặp phải phong hàn, thấp gây cảm giác tê bì chân tay như kim châm ở các chi. Vì vậy, trên lâm sàng người bệnh tê bì tay chân thường có thêm biểu hiện đau vai gáy, đau mỏi tê bì tay chân, nặng chân, chuột rút, chân đi không thật, bệnh nặng dẫn đến viêm nhiễm hoại tử.

Phương pháp điều trị tê tay chân

Sinh hoạt lành mạnh. Người bệnh nên chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, hướng đến lối sống lành mạnh để cải thiện tình trạng tê bì chân tay: không căng thẳng, lo lắng quá mức. Hãy thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc hoặc du lịch để vừa cải thiện tinh thần, vừa xoa dịu tê đau. Nghỉ ngơi hợp lý, giảm cử động nặng hoặc sử dụng khớp tay và chân bị tê quá nhiều. Thực hiện bài tập nhẹ nhàng như aerobic, yoga giúp cơ thể được dẻo dai, xương khớp chắc khỏe và lưu thông máu ổn định. Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung chất dinh dưỡng tốt cho hệ xương khớp, hệ thần kinh và mạch máu như vitamin D, canxi, vitamin K, magie hoặc thực phẩm chức năng chứa glucosamine.

Điều trị bệnh lý gây ra triệu chứng. Tùy vào bệnh lý gây tê tay chân, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp điều trị kết hợp. Bệnh tiểu đường: kiểm soát tốt chỉ số đường huyết. Thiếu vitamin: cung cấp thêm vitamin cho cơ thể. Nhiễm độc thần kinh (do chất gây tê, gây mê, hóa dược): điều trị nhiễm độc. Rối loạn chuyển hóa lipid máu: điều chỉnh lipid máu ở mức an toàn. Cơ xương khớp: phải tìm đúng giải pháp để điều trị dứt điểm, tránh để triệu chứng tê bì kéo dài và tái phát.

(*) Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện

ThS-BS. Nguyễn Xuân Hưng (*)