Bà Lê Hải Yến - CEO Công ty TNHH Hạnh phúc từ trong chính gia đình: “Tôi mong mọi người không mắc sai lầm như tôi đã từng”

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 14/07/2023

Tôi và Hải Yến gặp nhau tại một buổi triển lãm tranh. Chúng tôi dễ dàng làm quen với nhau vì Yến tìm thấy ở tôi sự đồng cảm. Còn tôi, ấn tượng về Yến là một người tích cực, nụ cười tươi rạng rỡ, dáng người mảnh mai và phong thái nhẹ nhàng. Không gian phòng tranh trầm lắng, đậm chất nghệ thuật và bình yên, có lẽ là chất xúc tác để Yến mở lòng, kể cho tôi nghe những trắc ẩn trong cuộc đời và hành trình “lột xác”, tự thay đổi bản thân.

* Xa vòng tay của mẹ khi mới 12 tuổi để vào TP.HCM tự lập, ký ức của bà về ngày đó thế nào?

- Tôi sinh ra trong một làng quê nghèo ở Thanh Hóa, khi mới chỉ là một cô bé 12 tuổi. Một buổi tối ngoài sân, bên ánh đèn dầu le lói của một xã nghèo cuối huyện, điện lúc có lúc không, mẹ đã ôm tôi vào lòng và động viên: “Con ngoan, nghe lời mẹ, mẹ xin cho con một chỗ ở nhờ để đi học ở TP.HCM. Con phải đi học chứ ở nhà với mẹ biết đời nào khôn?”.

Cả đêm hôm đó tôi nằm thao thức lo âu. Một con bé 12 tuổi nhà quê sẽ sống thế nào khi phải xa cha mẹ tại một thành phố lớn đầy lạ lẫm. 

Sáng hôm sau, mẹ tất tả đạp xe vào thị trấn để xin một người họ hàng cho tôi đến ở trọ, với một ước mong cháy bỏng là con mình phải khác những đứa trẻ ở làng quê. 

Ngày chia tay bố mẹ lên TP.HCM, mẹ ôm tôi, nắm chặt bàn tay, bịn rịn lắm. Tôi biết mẹ cũng buồn và lo nhưng cố tỏ ra “không có gì”. Còn tôi, nước mắt lã chã như mưa. 

Tôi bước đi và từ đây, cuộc đời tôi bước vào ngã rẽ đầu tiên.

ba-le-hai-yen.jpg

* Bước ngoặt đó là con đường có cả hoa hồng, chông gai cùng những gam màu sáng tối của cuộc đời, cái nào nhiều hơn đến với bà?

- Cuộc sống khó khăn nơi thành phố lớn sôi động, hằng ngày nhìn thấy nhiều bạn trẻ ăn ngon mặc đẹp, gia đình giàu có, nhiều phụ nữ sang trọng, hạnh phúc khiến một cô gái quê mới tuổi mười tám đôi mươi trỗi dậy sự thèm khát. Trong căn nhà trọ chật hẹp, hằng ngày phải đi xe buýt đến Bệnh viện Chợ Rẫy cặm cụi với công việc điều dưỡng, tôi thấy tự ti và khát khao một cuộc đời mới, danh vị mới.

Tôi bắt đầu tính toán cho cuộc đời bằng việc lên mạng tìm bạn và kết hôn. Sự “tính toán” đầu đời đã cho tôi bài học đắt và tôi đã phải trả giá suốt gần 10 năm. Bước vào cuộc hôn nhân không tình yêu mà chỉ đầy tham vọng, toan tính, tôi trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục và sự thờ ơ, vô tâm với vô vàn mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng.

Khi đứa con đầu lòng ra đời, phải vượt cạn một mình, cô đơn trong bệnh viện, tôi thật sự suy sụp và trầm cảm.

11 tháng chịu đựng nuôi con, sức chịu đựng và tinh thần chống chịu đã cạn kiệt, tôi quyết định gửi con về quê cho mẹ nuôi hộ và âm thầm chia tay người chồng đầu tiên.

Chồng tôi cố níu giữ nhưng tôi quyết không trở lại. Mỗi ngày anh đến bệnh viện đe dọa, khủng bố tinh thần tôi bằng những lời nói oan ức, nói: “Tôi bỏ chồng theo trai” khiến tôi tủi nhục, xấu hổ vì có mấy ai hiểu mình. Tôi lao vào xe hơi tự tử nhưng thoát chết. Vết thương cho cái chết bất thành đó vẫn còn nguyên trên cơ thể của tôi đến bây giờ.

Khi đang bế tắc ở cuối con đường hầm đen tối, cộng với sự cô độc, không có người sẻ chia, càng khiến tôi có những suy nghĩ tiêu cực. Mỗi khi nhìn thấy chị em có cuộc sống hạnh phúc, sung sướng, đủ đầy, tôi chạnh lòng ngậm ngùi trong căn phòng chật hẹp đầy thiếu thốn, không quần áo đẹp, không bữa ăn ngon. Tôi thấy mình nhỏ bé, thấp hèn và sự ghen tỵ lại trỗi dậy. Nó lớn dần và không có lối thoát khiến tôi lại quẩn quanh với suy nghĩ tiêu cực, lại tìm đến cái chết lần thứ hai. Nhưng ơn trời, tôi lại được cứu.

Lần thứ ba, vào một buổi chiều chập choạng từ bệnh viện về nhà, khi qua cầu Nguyễn Văn Cừ, nhìn xuống mặt nước phẳng lặng, tôi nghĩ lòng mình sẽ dịu mát nếu được trầm mình xuống dòng nước đó. Tôi dựng xe và hành động. Bỗng, tiếng khóc của một đứa trẻ gần đó dội vào tai khiến tôi bừng tỉnh, nghĩ mình cũng đang có một đứa con trai bé bỏng nơi quê nhà. Nếu tôi chết, mẹ tôi sẽ buồn, con trai tôi ngày mai sẽ bơ vơ không có mẹ. Tôi bỏ ý định và lủi thủi dắt xe về nhà trọ.

Đêm đó, tôi không ngủ và quyết tâm thay đổi cuộc đời. Nhưng trước khi lao vào cuộc mưu sinh vất vả để kiếm tiền, tôi phải được thử cuộc sống sung sướng như bao người khác.

Suy nghĩ điên rồ và quyết định điên rồ, suy cho cùng cũng chỉ vì lòng tự ti, đố kỵ và mặc cảm. Tôi gom hết những đồng tiền lương dành dụm thuê một khách sạn có tiếng ở thành phố để xem cuộc sống của người giàu như thế nào.

Ba ngày sống trong khách sạn, với vài bộ quần áo đẹp để tự thỏa mãn và khẳng định mình, tôi bước ra khách sạn với một đúc kết: “Chẳng có gì hạnh phúc khi được ngủ trong một khách sạn lớn, được ăn sáng, uống cà phê trong một không gian sang trọng nhưng rảnh rỗi đến vô nghĩa. Chẳng có gì hạnh phúc khi cuộc đời trống rỗng, không có ước mơ và khát vọng”. 

Trở về thực tại, quyết tâm làm lại cuộc đời. Thương con, thương cha mẹ ở quê nghèo, tôi đón cha mẹ và con trai vào Nam. Hằng ngày, nhìn cha thở dài, nhìn mẹ trầm ngâm trong căn nhà trọ, lòng tôi đau như cắt và cũng vì thế,  tôi quyết tâm phải thay đổi cuộc sống.

Lao vào đi làm thêm, kiếm tiền và niềm vui cũng đến khi ngày ấy, trên chuyến xe buýt muộn cuối ngày, có một cô gái trẻ với chiếc ba lô có gần 250 triệu đồng. Không ai tin rằng, một con bé vừa xấu vừa gầy lại trả đủ gần 250 triệu đồng để có thể mua căn nhà đầu tiên ở Củ Chi, mà trong số đó là hơn một nửa đi vay. Nhưng đây cũng là niềm vui lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất mà tôi cảm nhận được lúc đó.

* Dám chia sẻ những trắc ẩn trong cuộc đời, kể cả những suy nghĩ tiêu cực mà nhiều người không dám nói, vì sao bà lại mở lòng không giấu diếm?

- Trong đời mỗi con người, ai cũng có khúc quanh, ai những góc khuất vui buồn, tích cực và tiêu cực, thậm chí cả những lầm lỗi, toan tính, vị kỷ cá nhân... nhưng để dám nói, dám chia sẻ thì rất khó.

Tôi cũng vậy. Tôi của ngày hôm qua là như thế. Khi tôi đăng quang Hoa hậu Truyền thông duyên dáng, nhiều người biết câu chuyện của tôi, có người đồng cảm, có người còn tìm lại tận gốc lý lịch của tôi để “ném đá”. Họ nói tôi đáng có một số phận như vậy, vì tôi tính toán, kể cả tính toán trong hôn nhân…

Tôi không buồn, không chạy trốn dư luận, tôi muốn mọi người biết sự thật về tôi, để từ đây tôi không phải giấu và được sống thật với chính mình. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình một cách thành thật, không che đậy, giấu diếm để ai đó cũng suy nghĩ hoặc đang trong tình trạng như tôi hãy thức tỉnh và không phạm sai lầm. Sự đố kỵ, ghen ghét, tự ti, mặc cảm bản thân sẽ giết chết chính mình và tương lai của mình.

Và tôi của ngày hôm nay đã là một con người khác, có ước mơ và khát vọng sống. 

Dù thức tỉnh là vậy nhưng để thay đổi bản thân  khó lắm. Tôi vẫn nghe người ta nói, phải biết “buông bỏ”, nhưng làm thế nào để “buông” là hành trình không dễ thực hành. 

Bước vào ngã rẽ thứ hai của cuộc đời, với mong muốn cuộc đời bước sang một trang mới tốt hơn nhưng tôi vẫn không thoát ra khỏi sự mặc cảm, đố kỵ với hạnh phúc và thành công của những người xung quanh. Vì thế, tôi lại tiếp tục thất bại.

Tôi quyết định đi bước nữa với người chồng thứ hai cũng bằng sự toan tính. Tôi chủ động làm quen vì thấy anh là người tốt, có học thức và quan trọng là có khả năng cho tôi một cuộc sống ổn định về cả kinh tế nên chấp nhận làm mẹ đơn thân (vì gia đình anh không chấp nhận tôi và anh cũng không kết hôn). 

Thế nhưng, dù tôi nỗ lực tôi vẫn không được nhà chồng đón nhận, kể cả khách hàng, bè bạn, đối tác làm ăn cũng không tìm được sự tin cậy, thân thiện với tôi khiến công việc không suôn sẻ.

Quyết tâm gột rửa tất cả suy nghĩ tiêu cực để thay đổi thành con người mới, tôi tham gia khóa học thay đổi bản thân, tự đọc thêm sách vở, nhìn lại mình và ngẫm ra: ‘Lâu nay, nhiều người không gần, không thiện cảm, tin tưởng tôi vì họ nhìn thấy trong ánh mắt, trên gương mặt và cả cách trò chuyện của tôi vẫn đâu đó phảng phất sự đố kỵ, hẹp hòi”. 

Tôi chăm chỉ nghe từng bài giảng, từng lời khuyên của thầy và quyết tâm thay đổi chính mình từ hành vi, suy nghĩ… 

3.jpg

* Nếu được nói lời cảm ơn và xin lỗi với ai đó đã giúp bà có được suy nghĩ tích cực và “lột xác” như hôm nay, bà sẽ nói điều gì và với ai?

- Thành công đến với tôi không phải nghiễm nhiên, mà là sự quyết tâm, nỗ lực. Trên hành trình đó, tôi phải nói lời cảm ơn đến mẹ, đến những người bạn, người thầy. Trong đó có lời giới thiệu của một người đã thành công và nổi tiếng. Người đã chứng kiến quá trình học hỏi và phát triển của tôi, cũng là người đã kèm cặp tôi, đã dạy tôi nói rõ chữ, tròn vành, đã dạy tôi những suy nghĩ rộng mở và tích cực, cho tôi cái nhìn về con người và cuộc đời một cách chân ái, yêu thương, không đố kỵ, tỵ hiềm, để rồi với tiền đề đó, tôi vào đời trở nên thuận lợi và có được một Hải Yến của hôm nay. Xin tri ân người thầy ấy và những may mắn trong đời, dù là nhỏ nhất nhưng không phải ai cũng dễ dàng có được.

Tôi cũng phải cám ơn các con vì đã đến bên đời tôi và trở thành nguồn sống tích cực, khiến tôi phải vươn lên, phải sống tốt hơn mỗi ngày.

* Còn xin lỗi?

- Tôi xin lỗi chính bản thân mình về những lỗi lầm trong suy nghĩ tiêu cực, về những phút nông nổi quyết định. Xin lỗi cha mẹ tôi, xin lỗi các con tôi vì đã có thời gian tôi sống quên bản thân, quên trách nhiệm của một người làm mẹ. Xin lỗi tất cả những ai đã vô tình hay cố ý bị tôi làm tổn thương.

* Đúc kết lại hành trình tự thay đổi, bà muốn chia sẻ điều gì với các bạn trẻ? Điều bà tự hào nhất ở thời điểm này là gì?

- Nhìn lại hành trình đã đi qua, điều tôi tự hào nhất đó là tôi đã học được và có được sự nhẫn nại, từ tốn. Từ tốn với bản thân, từ tốn với mọi thứ xung quanh để tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục học. Bởi tôi hiểu mình còn nhiều thiếu hụt nên để được nhiều hơn mình phải học, kể cả học cách sống, cách làm người, học cách ứng xử với mọi bất biến để không chỉ bản thân tôi lớn hơn, tốt đẹp hơn mỗi ngày mà cho cuộc đời này cũng bình yên và nhiều tình yêu thương hơn.

Với những bạn trẻ, tôi chỉ có một đúc kết tâm đắc từ những lời dạy của thầy tôi: ‘Ra đời chỉ cần học cách làm tiểu đệ thôi. Người hơn, mình kém. Người tiến, mình lùi. Người hùng hổ, mình lặng lẽ rút lui”.

Lời thầy nhiều năm tôi vẫn nhớ và khi ở tuổi 40, tôi biết nó còn quan trọng biết chừng nào.

* Còn một bí quyết thành công mà bà quên nói, đó là những người bạn. Đây cũng là một triết lý sống của bà, đúng vậy không?

- Cám ơn chị đã nhắc nhớ. Tôi đã có những người bạn lớn và những người giỏi, thành công đều là những người tinh tế, nhiều kinh nghiệm và tư duy rộng mở. Họ giỏi, thành công và có địa vị xã hội cao nhưng lại khiêm nhường. May mắn lớn nhất là tôi được ở bên cạnh họ, bản thân và con cái cũng học được rất nhiều điều. Sự từ tốn, điềm đạm và tri thức của họ đã giúp tôi nhìn lại bản thân để điều chỉnh mình.

Tôi hiểu tầm quan trọng của việc tác động từ những người ảnh hưởng. Tôi luôn vun đắp những mối quan hệ mà tôi được kết nối trong đời và quan trọng hơn là nó được hình thành từ tình yêu, sự biết ơn từ tận đáy lòng và trái tim.

Tôi cũng may mắn được là học trò, là học viên của rất nhiều người thầy cô giỏi. Tôi hiểu, cách khôn ngoan nhất để được thầy cô tận tâm giảng dạy là trở thành người học trò ngoan, chăm chỉ. Chính vì thế, tôi đã trở thành một sản phẩm giáo dục mà thầy cô tôi luôn rất tự hào, thông qua quá trình học tập và làm việc nghiêm túc.

Tất cả sự yêu quý đã được bù đắp khi các thầy cô đều mong tôi phát triển, đi xa nên họ luôn dành cho tôi những cơ hội lớn, những bệ phóng để rút ngắn con đường kinh doanh của tôi.

Vì thế, nếu bạn đang trong quá trình phát triển bản thân, hãy trở thành học trò xuất sắc của những người thầy tài năng thực sự.

Đúc kết lại, trước khi thu về trái ngọt bản thân phải biết “gọt mình”. Cứ bình tĩnh, bình tâm và sống tốt, khó khăn sẽ tự xoay chiều và cơ may sẽ đến, nhiều khi nó còn tốt ngoài sức tưởng tượng của mình.

* Sau nhiều năm “quên” đi trách nhiệm làm mẹ, giờ đây bà đang có một gia đình sum họp, hạnh phúc bên chồng và các con, bà nuôi dưỡng hạnh phúc và dạy con thế nào?

- Sau 10 năm nỗ lực thay đổi bản thân, mẹ con tôi đã được gia đình chồng đón nhận. Quả là, khi lòng mình yên thì mọi thứ sẽ yên. Khi tôi không còn toan tính, đố kỵ, không còn khao khát làm giàu nhanh bằng mọi cách thì công việc kinh doanh lại đến thuận lợi, thu nhập sung túc hơn. 

Dù hiện tại tôi rất nhiều việc nhưng tôi cũng vẫn dành thời gian để nấu ăn cho chồng con. Tôi thấy hạnh phúc khi được nhìn thấy hai con lớn lên và sau mỗi ngày, khi tôi còn lục đục với bữa cơm chiều trong bếp, các con tôi ùa vào nhà: “Chào mẹ, con đã về. Con đói lắm rồi. Hôm nay mẹ nấu món gì?”. Và cả nhà cùng quây quần bên bữa ăn tối. Một hạnh phúc giản đơn vậy mà trước đây, xém chút nữa tôi đã không bao giờ có được nếu không thức tỉnh.

Tôi thường dạy các con những kỹ năng mềm từ khuôn mặt hay cười, khả năng quan sát xung quanh, biết nấu cơm và chi tiêu phù hợp... Tôi dạy con cách yêu bản thân và trân trọng chính mình, gợi cho con ý tưởng sống, hướng con được làm việc trong một môi trường tri thức và quan trọng hơn là con được là chính con, thấy mình được tôn trọng và quan trọng.

4.jpg

* Bà vừa “khoe” trúng tuyển vào lớp CEO Sài Gòn 09 và nằm trong danh sách top thủ khoa. Động lực nào để bà lại tiếp tục học?

- Tôi ý thức tầm quan trọng của việc học cách đây khoảng hơn 10 năm, khi tôi còn làm ở Khoa Phẫu thuật Tim của Bệnh viện Chợ Rẫy và làm bán thời gian cho một tập đoàn của Nhật. Tôi cực kỳ ấn tượng về hình ảnh của những người phụ nữ tự tin, xinh đẹp khi họ sải bước đi cùng nam giới. Ở họ luôn có một sự thu hút và tôi thường ao ước sẽ có một ngày mình được như thế.

Với tôi, việc học cũng là mục tiêu quan trọng. Hành trình tri thức là một hành trình rất dài mà mỗi ngày tôi phải tu bổ. Hạnh phúc sẽ luôn được đắp đầy khi bạn được vui với công việc mình làm, được gặp những người bạn mới trong lớp học và đạt được thành công ở mỗi chặng của hành trình cuộc đời. 

Song động lực lớn nhất để tôi học và phấn đấu chính là cha mẹ và các con Hải Anh và Gia Huy. Tôi muốn chúng lớn lên trong tình yêu và tự hào về mẹ, tôi muốn bù đắp cho con những thứ bị khiếm khuyết, vì thế tôi phải học để tiếp tục con đường kinh doanh. Tôi cần có kinh tế, thời gian và cả tình yêu để dành cho con.

* “Công ty Hạnh phúc từ trong chính gia đình”, nghe tên rất lạ và bà dạy gì trong lớp học “Hạnh phúc từ trong chính gia đình?”

- Có nhiều người hỏi như chị và khi nghe tôi chia sẻ, họ thích tên công ty. Ở công ty này, tôi đã dạy cho mọi người phong cách, tư vấn tâm lý, sẻ chia những góc khuất trong cuộc sống để họ thấy cuộc sống vẫn tươi đẹp…Ví dụ như tôi dạy chị em cách đi đứng sao cho duyên dáng, nhẹ nhàng, cách đồng nhất giữa ánh mắt, nụ cười khi giao tiếp, để người đối diện có thiện cảm, dạy cách nói chuyện, làm bạn với con, với chồng…

Nói chung, toàn thứ mang tính cá nhân và kỹ năng. Xem đó như cách tôi cho đi và cám ơn cuộc đời, nên tôi không kiếm tiền từ công việc này. Tôi có một công việc kinh doanh enzym sức khỏe và đủ thu, bù chi cho công việc phi lợi nhuận này.

* Nói vậy, sự thần thái, nhẹ nhàng, cách ứng xử có chút nhẫn chịu, kiềm chế của bà là một… kỹ năng? Vậy nó có thật với con người của bà?  

- Bạn có kỹ năng sống, không có nghĩa là bạn sống giả tạo với chính mình. Bởi với những gì tôi đã trải qua, cho thấy chỉ có những gì “thật” trong tâm hồn, suy nghĩ và con người của mình được bật ra, mới tạo cho bạn một thần thái khác, một nét đẹp khác không thể trộn lẫn. Còn kỹ năng chỉ là cách giúp cho bạn hoàn thiện hơn, biết phát huy cái tốt và tạo thêm nhiều năng lượng tích cực lan tỏa đến với mọi người. 

* Xin cảm ơn bà về những phút mở lòng, dám nói để mang lại nhiều bài học giá trị cho bạn đọc! 

2.jpg
Học để phát triển bản thân
Xác định phải học để thay đổi bản thân, để thay đổi thành con người mới, bất kỳ lúc nào rảnh bà Lê Hải Yến đều dành thời gian đọc sách. Đồng thời, mỗi năm bà đều tham gia các khóa học ngắn hạn để nâng cao kiến thức. 
Chính sự quyết tâm và ham học hỏi đã biến Lê Hải Yến từ một người có tính đố kỵ, tự ti trở nên biết yêu thương, trân trọng những người xung quanh. Việc học đã giúp Lê Hải Yến nhìn lại bản thân, nỗ lực điều chỉnh mình. Bên cạnh việc tham gia các hoạt động đóng góp cho cộng đồng và xã hội, bà Lê Hải Yến cũng thường xuyên tổ chức các lớp học về kỹ năng dành cho phụ nữ vào dịp cuối tuần như “Mẹ tự do, con tự lo”; “Giao tiếp trong hôn nhân”.

Lữ Ý Nhi