Kịch bản giá dầu và tác động đến các nền kinh tế
Quốc tế - Ngày đăng : 01:00, 14/07/2023
Nỗi lo giá dầu tăng
Trong gần hai tuần qua, giá năng lượng toàn cầu có xu hướng đi lên trở lại, với giá dầu WTI của Mỹ đã tăng 7,5%, riêng ngày 5/7/2023, giá dầu tăng hơn 2,3%, sau khi Ả Rập Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8/2023. Trong khi đó, Nga và Algeria cũng đang hạ mức sản lượng và xuất khẩu tháng 8 lần lượt 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.
Lượng dầu cắt giảm thêm lần này chiếm xấp xỉ 1,5% nguồn cung toàn cầu, đưa tổng mức cam kết cắt giảm của các nhà sản xuất dầu OPEC+ lên 5,16 triệu thùng, tương đương 5% sản lượng toàn cầu, khi Riyadh và Moscow dường như cố thúc đẩy giá dầu tăng lên cao hơn nữa. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho thấy, dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 1,5 triệu thùng trong tuần trước xuống còn 452,2 triệu thùng, cao hơn so với dự báo giảm 1 triệu thùng của giới phân tích kinh tế.
Việc cắt giảm sản lượng dầu bất ngờ của OPEC+ khiến cho thị trường càng lo ngại về nguy cơ mất cân bằng cung cầu, do hiện khó có nhà sản xuất lớn nào, kể cả Mỹ có thể bù đắp khoảng trống mà các nhà sản xuất dầu từ Trung Đông và Nga để lại. Trong bối cảnh thế giới vẫn đối mặt với lạm phát dai dẳng, với giá năng lượng tăng trở lại, khiến cho mục tiêu kiểm soát lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới càng trở nên nan giải.
Nếu như giá dầu tăng có thể giúp các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có lợi, tăng thu ngân sách, phần còn lại của thế giới sẽ gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Hầu hết nền kinh tế hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch này, do đó giá xăng dầu chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí của các nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn ở nhiều khu vực khác trong nền kinh tế, từ vận tải, du lịch, logistics, nông nghiệp…
Do giá xăng dầu ảnh hưởng tới giá nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế, nên khi chi phí đầu vào gia tăng sẽ gây áp lực lên giá hàng hóa bán ra là tất yếu. Trong trường hợp doanh nghiệp không thể tăng giá bán và chịu lỗ, sẽ phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động, về lâu dài sẽ gây thiếu hụt hàng hóa. Dù theo tình huống nào, hệ quả cũng dẫn đến lạm phát leo thang, buộc nhiều nền kinh tế phải thắt chặt chính sách tiền tệ, như đã diễn ra trong hơn một năm qua.
Hệ quả kế tiếp sẽ khiến cầu tiêu dùng suy yếu và nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái. Những dự báo về rủi ro suy thoái trong suốt thời gian qua do ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ thắt chặt, các đợt nâng lãi suất liên tục của ngân hàng trung ương các nước là minh chứng rõ nhất. Hiện một số quốc gia đã phải tạm ngừng nâng lãi suất hoặc xem xét giảm trở lại, triển khai các giải pháp kích thích kinh tế trước rủi ro suy thoái, bất chấp “bóng ma” lạm phát vẫn chập chờn.
Giảm thì tốt hơn
Dù tăng mạnh gần đây, nhưng triển vọng thị trường dầu thế giới trong thời gian tới là không thật sự rõ ràng. Mới đây, Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu, dự đoán thị trường sẽ bị dư cung trong nửa đầu năm 2024 với nguồn cung ngoài OPEC tăng nhanh hơn nhu cầu trong năm tới. Một cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy hoạt động các nhà máy trên toàn cầu sụt giảm, phản ánh nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc và châu Âu. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy, sản xuất tại Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 6, đạt mức thấp chưa từng thấy kể từ đại dịch Covid-19.
Đáng lưu ý là giữa lúc các ngân hàng trung ương phương Tây tiếp tục chống lạm phát, Trung Quốc lại đang đối mặt với mối rủi ro ngày càng lớn của một vấn đề hoàn toàn ngược lại: giảm phát. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 5 giảm so với cùng kỳ năm ngoái với tốc độ mạnh nhất trong 7 năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hầu như không thay đổi. Cần biết rằng, nền kinh tế số 2 thế giới này là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Thị trường kỳ vọng lãi suất tại Mỹ và các nước châu ÂU sẽ tăng hơn nữa để kìm hãm lạm phát dai dẳng. Biên bản cuộc họp công bố trong tháng 6 vừa qua cho thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dù thống nhất giữ lãi suất không đổi để có thời gian đánh giá sự cần thiết nâng lãi suất thêm, nhưng hầu hết thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang đều cho rằng cuối cùng họ sẽ cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Nếu các nền kinh tế như OPEC hay Nga có thể đối mặt với khả năng hụt thu ngân sách trước viễn cảnh này, đặc biệt là Nga vốn đang sa lầy trong cuộc chiến tại Ukraine và bị các nước phương Tây cấm vận, những nền kinh tế còn lại có lẽ sẽ ưa thích FED nâng lãi suất thêm, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế mở với thương mại chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP, trong đó có Việt Nam.
Ngược lại với giá dầu tăng, khi giá dầu giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo ra vòng lan tỏa kéo dài trong nền kinh tế, kích thích tổng cầu, khiến nền kinh tế được mở rộng. Trong bối cảnh cầu tiêu dùng đang suy giảm nghiêm trọng do thương mại toàn cầu bị thu hẹp, một phần bị ảnh hưởng bởi chiến sự, căng thẳng địa - chính trị, chiến tranh thương mại và xu hướng tách rời nhau của các khu vực kinh tế lớn, nếu giá dầu có thể giảm trở lại là một điều được mong đợi.
Đặc biệt, trong khi chính sách tiền tệ của nhiều nước không có nhiều dư địa vì lạm phát, chính sách tài khóa bị giới hạn do nợ công, giới phân tích tài chính cho rằng xu hướng giá dầu giảm có thể xem là gói kích thích kinh tế đối với toàn thế giới. Theo đó, giá dầu giảm sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất mạnh, giúp phục hồi tổng cầu của nền kinh tế. Khi doanh nghiệp đều phục hồi thì ngân sách thu được từ thuế và lợi tức, nhờ đó kinh tế sẽ phục hồi trở lại thì thương mại tăng lên, cầu tăng lên, còn thu được thuế hàng hóa, thuế giá trị gia tăng.