Đào tạo

Cần phát huy vai trò của đại học để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

P.V 14/07/2023 14:54

Là thành tố quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trường đại học cần nhận được sự quan tâm đúng đắn để phát huy vai trò của mình.

photo_2023-07-14-14.23.17.jpeg
Toàn cảnh hội thảo tại Hội trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM

Đây cũng là nội dung trọng tâm của hội thảo "Đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong trường đại học khởi nghiệp" vừa diễn ra sáng 14/7/2023 tại Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Đại học Bách Khoa và Công ty CP Tập đoàn Green+ phối hợp tổ chức, với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo có ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư tài chính Green+, ông Martin Webber - đồng sở hữu J.E.Austin Associates và PGS-TS. Phạm Đình Anh Khôi - đại diện Đại học Bách Khoa.

Sự kiện nhằm thúc đẩy việc xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, vốn đã và đang là xu hướng của ngành giáo dục đào tạo những năm gần đây.

Theo ông Webber, đại học có vai trò lớn trong kết nối với doanh giới để có thể tăng tốc đổi mới sáng tạo. Lý do là các đại học đóng vai trò cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, công nghệ cùng quy trình kỹ thuật. Khi các đại học tạo ra tài sản trí tuệ mới, doanh nhân, doanh nghiệp có thể áp dụng các đổi mới sáng tạo này để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Về phần mình, các đại học và startup hoàn toàn có thể thương mại hóa tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn thu từ chính hoạt động này, như phí bản quyền thương mại hóa các phát minh. Nguồn thu này sau đó có thể được tiếp tục tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), giúp làm nên một chu kỳ đổi mới lẫn giá trị kinh tế. Thế nên, có thể xem đại học là thành tố quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và cần nhận được sự quan tâm đúng đắn để phát huy vai trò của mình.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Đức Thành cho biết hiện có nhiều yếu tố cản trở con đường phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo từ các đại học. Trong đó, các yếu tố lớn nhất là phần lớn khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trên thế giới đến từ đại học, còn Việt Nam thì ngược lại, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa chất lượng, chưa chú trọng chuyển giao công nghệ và không quan tâm đến hiệu quả, chất lượng.

Hơn nữa, hoạt động nghiên cứu chưa gắn kết với nhu cầu xã hội, “không làm theo đặt hàng” và không có cơ chế phối hợp. Đồng thời, vai trò của các đại học cũng chưa được nhận thức đúng, đủ.

Để từng bước giải quyết các yếu tố trên, theo ông Webber, cần hoạt động kiến tạo văn hóa khởi nghiệp thông qua khung hướng dẫn cụ thể. Khung hướng dẫn này có 10 bước, gồm tư vấn về ngành, xác định chuẩn kỹ năng, thực tập và học việc, trung tâm khởi nghiệp, đánh giá nhu cầu thường xuyên, đào tạo tại chỗ, nghiên cứu do doanh nghiệp tài trợ, đào tạo chuyển đổi giữa sự nghiệp, chương trình cựu sinh viên và chương trình thực tập.

Khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo nói riêng hiện là một xu thế mạnh mẽ ở giới trẻ, trong đó đại học được xem là một trụ cột quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi hội tụ nhiều yếu tố đáp ứng được điều kiện để xây dựng hệ sinh thái. Và các đại học cần thu hút tất cả nguồn lực của xã hội để có thể viết nên câu chuyện khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo này.

P.V