Làm gì để tiếp tục thu hút vốn FDI vào TP.HCM?
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 09/07/2023
Điểm đến FDI
Chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại TP.HCM” vừa diễn ra hôm 7/7, bà Cao Thị Phi Vân - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, vốn FDI vào TP.HCM đang tăng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài (tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2023) vào TP.HCM đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Trong đó có 514 dự án cấp mới (tăng 69,1%). Vốn FDI vào TP.HCM “bật tăng” trong 6 tháng đầu năm cho thấy tình hình kinh tế của TP.HCM có sự khởi sắc trong quý II sau khi giảm sâu ở quý I/2023.
TP.HCM đang hướng tới xây dựng và hình thành nhận thức "Hợp tác cùng phát triển," tăng cường kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia để cải thiện vị trí trong chuỗi sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Đào Minh Chánh cho biết, Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư trên thế giới, là điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực trong những năm gần đây. Trong đó, TP.HCM là nơi mà nhà đầu tư quan tâm tìm đến nhiều nhất. Tính đến hiện tại, TP.HCM có 11.868 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 81,29 tỷ USD, dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước.
TP.HCM đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số vốn FDI cả Thành phố lên hơn 70% trong giai đoạn 2023 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030. Đến năm 2030, tăng 40 - 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng sẽ hiện diện và hoạt động tại TP.HCM. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố sẽ thu hút trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó có ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn của thế giới, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD. Đến nay, đã thu hút được 7 dự án công nghệ cao và 250 triệu USD, còn lại phải thu hút khoảng 43 dự án và 2,75 tỷ USD.
Cần dỡ bỏ rào cản
Tuy nhiên, cũng theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, hiện TP.HCM còn tồn tại những rào cản khiến cho nhà đầu tư ngần ngại xuất phát từ những nguyên nhân như thủ tục hành chính chưa thuận lợi, công tác quản lý Nhà nước về FDI còn bất cập, chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút FDI chưa đủ hấp dẫn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các quy định pháp luật chồng chéo…
Ngoài ra, tình trạng kẹt xe, ngập nước, triều cường, ô nhiễm… khiến cho nhà đầu tư ngần ngại. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều (ngành dịch vụ, thiết bị, nguyên vật liệu gián tiếp); giá trị sản xuất trong nước chưa cao; hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa được triển khai, chưa thành lập đội ngũ R&D trong nhà máy...
Bên cạnh những vấn đề trên, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc Khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng "nhà đầu tư dễ gặp rủi ro về các quy định tiếp cận đất đai, quy định thuế, quy định về tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau hay các doanh nghiệp với cơ quan quản lý… Thậm chí, có sự không thống nhất trong quản điểm giải quyết giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương".
Nhìn nhận những thách thức hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ưu thế lớn nhất trong thu hút đầu tư của Việt Nam và TP.HCM trước đây là chi phí thấp, trong đó có ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, hiện tại, những yếu tố này đã thay đổi và giảm dần lợi thế. Bên cạnh đó, khung pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, khiến cho các chính sách ưu đãi của Chính phủ mặc dù rất hấp dẫn nhưng vẫn khó đủ sức thu hút nguồn vốn đầy tiềm năng.
Mặc dù TP.HCM liên tục cải thiện môi trường đầu tư nhưng tình trạng vướng mắc về mặt thủ tục cũng như khung pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, khiến cho các chính sách ưu đãi của Chính phủ mặc dù rất hấp dẫn nhưng vẫn khó đủ sức thu hút nguồn vốn đầy tiềm năng...
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), TP.HCM cần tập trung vào một số mấu chốt như thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc nhận diện và có các giải pháp pháp lý phù hợp, cải thiện kịp thời các vấn đề về chính sách là vô cùng quan trọng trong thu hút đầu tư và vận hành các dự án FDI.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định TP.HCM luôn cầu thị lắng nghe những tồn tại, khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời. Thành phố sẽ thiết lập kênh thông tin chia sẻ, minh bạch về các dự án để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư. Hiện thành phố đang tập trung triển khai nhiều chính sách cụ thể hóa Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM từ nay đến năm 2030. Đặc biệt Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ 1/8/2023. Trong đó, có thiết kế nhiều chính sách vượt trội về các nhóm quản lý đầu tư, quản lý chính sách, quản lý đất đai tài nguyên môi trường, vốn nhà đầu tư chiến lược, cũng như về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. |