Gắn "đổi mới sáng tạo mở" với hoạt động khởi nghiệp

Start up - Ngày đăng : 07:00, 09/07/2023

Để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cần đề cao cũng như gắn kết hơn nữa vai trò của chủ thể "doanh nghiệp, tập đoàn" để khai thác từ họ nguồn vốn, thị trường, nguồn lực.
Gắn

Trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, chuyên gia Huỳnh Công Thắng - Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành InnoLab Asia (đối tác triển khai sáng kiến Open Innovation Việt Nam từ Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để khởi nghiệp thành công thì startup không chỉ cần ý chí và vốn, mà còn cần sự chung vai, chung sức từ nhà đầu tư, doanh nghiệp và quan trọng hơn nữa là khả năng tiếp cận thị trường để từ đó tạo lập doanh thu, lợi nhuận.

* Ông có thể chia sẻ với độc giả về sứ mệnh và tầm nhìn của InnoLab?

- Tôi lập InnoLab Asia với chị Nguyễn Phi Vân từ năm 2016. InnoLab là đơn vị có thể tạo ra nền tảng mà ở đó khi nói về đổi mới sáng tạo thì chúng ta không còn gạt bỏ câu chuyện của các tập đoàn sang một bên nữa. Vì khi nói về khởi nghiệp, về hệ sinh thái khởi nghiệp thì chúng ta thường sẽ nói về nhà đầu tư, Nhà nước, các doanh nghiệp khởi nghiệp, vậy thì vai trò của các tập đoàn ở đâu?.

Thực ra, các tập đoàn có điểm mạnh là nguồn vốn, thị trường, họ có một nhóm khách hàng tốt. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nhóm này tham gia vào hệ sinh thái, đó là họ hỗ trợ khởi nghiệp. Thông thường, các bạn khởi nghiệp chọn hướng là giải quyết một vấn đề là các bạn tự nghĩ ra hoặc các bạn nhìn ở đâu đó nhưng chưa chắc thị trường đón nhận. Điều gì sẽ xảy ra nếu các bạn nhận được những bài toán đó từ các tập đoàn, các doanh nghiệp. Khi các bạn giải quyết xong được bài toán đó cũng là khi các bạn được các tập đoàn đón nhận, có thể từ vốn, từ thị trường, từ nguồn lực hay thậm chí có thể cả về kỹ thuật, con người. 

Chúng tôi muốn vai trò của InnoLab sẽ là cầu nối để làm được nên câu chuyện đó. Đã rất nhiều năm rồi, chúng ta gạt các tập đoàn qua một bên, chính vì vậy khi InnoLab được hình thành thì tôi và chị Phi Vân muốn khuyến khích thuật ngữ "Đổi mới sáng tạo mở".

Ngày xưa, khi nhắc về đổi mới sáng tạo thì hầu như doanh nghiệp hoặc các trường đại học có một phòng R&D (gọi nôm na là phòng đổi mới sáng tạo). Khi đó, chúng ta không biết rằng trong đó diễn biến như thế nào, nhưng sau vài tháng hoặc vài năm thì chúng ta có những ý tưởng mới sau đó đem ra ngoài, nếu ý tưởng đó ổn thì thị trường đón nhận, còn nếu không ổn thì chúng ta làm lại (!).

aaa_1688861989.jpg

Ông Huỳnh Công Thắng cho rằng khởi nghiệp là quá trình và người khởi nghiệp cần có cả tư duy phản biện và lẫn khả năng chọn lọc, tiếp thu để tìm được hướng đi phù hợp sau mỗi giai đoạn phát triển

Nhưng "đổi mới sáng tạo mở" thì không còn như vậy nữa, nó luôn có một phương pháp và cách thức làm sao để sự tham gia của các thành phần trong nền kinh tế có thể đóng góp và có thể phát triển. Có thể hiểu như thế này, ví dụ như ngày xưa, nhóm tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo có thể là nhóm các nhà khoa học hoặc là các nhóm của các nhà nghiên cứu và phát triển. Nhưng bây giờ, họ có thể đến từ các phòng ban khác và chính điều này đã tạo nên được sự đột phá.

Có một câu chuyện như thế này, khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) bị cắt ngân sách tới 60%, nếu lúc đó chỉ sử dụng giải pháp của các nhà khoa học không thì không hiệu quả. Phải tìm ra giải pháp nào đó nhưng chi phí tiết kiệm hơn. NASA bắt đầu chia sẻ những vấn đề của họ ra bên ngoài. Chỉ trong vòng 3 tháng - một khoảng thời gian khá ngắn, với số ngân sách ít, nhưng những vấn đề của NASA gặp phải đã có 3-5 giải pháp được đề xuất. 

Có thể thấy rằng, câu chuyện của NASA đã cổ vũ cho các tập đoàn, muốn giải quyết được vấn đề thì hãy chia sẻ vấn đề đang gặp phải. Tương tự với các anh chị khởi nghiệp, khi giải quyết một vấn đề, mà vấn đề đó không thực sự cấp thiết để giải quyết một thị trường lớn chẳng hạn thì nó sẽ rất khó cho cá nhân anh chị. Ở đây, InnoLab đóng vai trò như một cầu nối.

* Hệ sinh thái theo khái niệm "đổi mới sáng tạo mở" thì phải có sự tham gia của các tập đoàn vì họ có thị trường, có nguồn vốn. Vậy theo ông thực trạng cộng đồng khởi nghiệp hiện giờ ở TP.HCM đang đi hướng khoa học công nghệ hay ý tưởng đột phá về sản phẩm - dịch vụ?

- Chúng ta may mắn vì giai đoạn hiện nay Nhà nước cũng đã khuyến khích khá nhiều và chúng ta cũng có khá nhiều các hoạt động hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng vấn đề ở chỗ có vài nhóm khởi nghiệp như sau:

• Có những nhóm khởi nghiệp là sinh viên chỉ dừng ở mức ý tưởng nhưng nhóm đã làm trong các công ty công nghệ hay các tập đoàn một thời gian rồi thì đã có kinh nghiệm, có mạng lưới quan hệ (network) và họ nhìn được vấn đề. Khi họ ra ngoài khởi nghiệp thì hàm lượng chất xám, mức độ thực tiễn về mặt công nghệ cao hơn rất nhiều so với các bạn trẻ. Hiện tại, ở Việt Nam có lợi thế đó là các bạn Việt kiều về nước đã trải qua được hệ sinh thái đã phát triển tốt hơn, ở đó họ tiếp cận về đầu tư, tiếp cận về sự hỗ trợ hay tiếp cận về thị trường rất nhanh. Khi về Việt Nam, nhóm đó đóng góp những dự án khởi nghiệp hình thành rất tốt.

•Còn một nhóm nữa khá thú vị, họ hợp tác giữa những người Việt kiều về nước lại với nhau. Những người mà tại Việt Nam họ có được những cái local-insight (những thông tin thị trường, văn hóa, đối nội) rất tốt, những bạn bên kia tiếp cận được nguồn vốn, hệ sinh thái tốt. Đó là một cái rất hay khi có được sự hợp tác như vậy thì sản phẩm họ làm sẽ đi nhanh hơn và phát triển tốt hơn. Cụ thể, có một cặp trong hệ sinh thái, vợ là người Việt, chồng là người nước ngoài, hai bạn kinh doanh về sách nói ở Việt Nam và nền tảng đang phát triển rất tốt. Đó là Fonos.

* Vậy trong vai trò vườn ươm thì InnoLab đang tập trung vào đối tượng nào để đầu tư cho họ về vốn, đầu tư về đào tạo về mạng lưới (network), hay InnoLab có những cuộc thi nào để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp?

- Về hoạt động thì chúng tôi có CrowdPitch - là hình thức mà mỗi tháng chúng tôi chọn ra 5 công ty khởi nghiệp tốt và cho các nhóm startup này trình bày trước nhà đầu tư. Trước khi họ tham gia trình bày, chúng tôi sẽ chỉ các bạn và các bạn sẽ có một cơ hội đó là trình bày với nhà đầu tư cũng như cộng đồng doanh nhân ở tại TP.HCM.

Và nếu các bạn trình bày tốt, trong một đêm đó các bạn có thể kiếm vài chục triệu đồng. Hình thức đó là, khi bạn tới sự kiện, thì bạn phải trả một khoản phí, trong đó 20% là tiền nước và thức ăn, 80% còn lại là phiếu bầu. Khi khách dự bỏ phiếu bầu cho người đó thì 80% số tiền là tiền vé đi thẳng cho các bạn. Đây là hình thức nếu như hôm đó bạn thuyết phục được đám đông thì người ta bầu cho bạn, từ đó bạn có nhiều tiền hơn. Đây là cách chúng tôi giúp các công ty khởi nghiệp một cách thiết thực. 

H2-InnoLab-jpeg_1688861925.jpg

Một buổi CrowdPitch do InnoLab tổ chức

Thật ra thì giai đoạn đầu các bạn (khởi nghiệp) sẽ bị thiếu vốn và thiếu các phản hồi từ thị trường, đây cũng là một cách tiếp cận với nhà đầu tư. Ngoài ra, chúng tôi đang lên kế hoạch ươm tạo cho những công ty khởi nghiệp của nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Cụ thể là các công ty của Hàn Quốc. Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay, chúng tôi sẽ ươm tạo khoảng 10 startup của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam và bám vào chủ đề là những giải pháp để xây dựng thành phố thông minh. Cái này chúng tôi làm với Hiệp hội Thành phố thông minh của Hàn Quốc và một đối tác của Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ đem 10 công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc về ươm tạo ngay tại lầu 3 trụ sở InnoLab. Tương tự, ở thời gian sắp tới thì chúng tôi cũng sẽ giúp đỡ các công ty từ Malaysia ươm tạo tại thị trường Việt Nam và tìm kiếm những công ty khởi nghiệp tại Việt Nam phù hợp.

Lý do tại sao mà khi ươm tạo, chúng tôi không chỉ ươm tạo những công ty khởi nghiệp tại Việt Nam, mà còn phải ươm tạo những công ty khởi nghiệp tại nước ngoài? Đó là vì, khi chúng ta ở trong một cái hồ của mình, chúng ta chỉ biết trong cái hồ của mình có a, b và c tốt vậy thôi, nhưng chúng ta sẽ không có cơ hội tiếp cận với những cái thị trường khác. 

Khi chúng tôi đem những công ty khởi nghiệp nước ngoài vào thì các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam có thể nhìn vào để so sánh và nhận ra chúng ta đang đi nhanh hay đi chậm so với họ; và làm sao để chúng ta có thể làm tốt hơn. Thực ra, đối với các công ty đó cũng đang ở trong giai đoạn đầu, họ không phải những tập đoàn quá lớn nên sự cạnh tranh ở thời điểm này là sự học hỏi lẫn nhau nhiều hơn và nếu được hai bên có thể hợp tác được tốt. Nên thay vì ươm tạo những công ty ở Việt Nam, thì chúng tôi cũng ươm tạo những công ty từ nước ngoài. 

* Vậy theo ông, giữa các nhóm khởi nghiệp để các đối tác có thể đầu tư vào thì hạn chế của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, họ có những ý tưởng hạn chế gì khi họ tiếp cận những sự đầu tư để ra quyết định rót vốn?

- Trong số 220 quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) tại Việt Nam thì các nhà đầu tư nội địa chiếm hơn một nửa, hay thẳng thắn mà nói là tiền ở Việt Nam không thiếu, mà là chúng ta đang thiếu những startup phù hợp và phát triển tốt.

Vấn đề rào cản lớn nhất của các bạn khởi nghiệp hiện nay đó là nhiều khi các bạn giải quyết một vấn đề nhưng vấn đề đó không phải là vấn đề mà thị trường cần, mà là vấn đề mà các bạn cần, các bạn muốn và các bạn khát khao thỏa mãn. Các bạn chưa nhìn ra được việc chúng ta đi giải quyết vấn đề không ai để tâm và họ có xu hướng ảo tưởng về những giải pháp mà họ đang có. 

-1193-1688864643.jpg

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2022 (I-Star 2022) vinh danh top 3 các tổ chức cá nhân tiêu biểu hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM (IEC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Expara Vietnam

Về mặt đội ngũ, khi các nhà đầu tư "đầu tư" vào những công ty khởi nghiệp, một trong những yếu tố quyết định làm cho công ty đó có thành công hay không đó là yếu tố về những là sáng lập và đội ngũ sáng lập ban đầu.

Ban đầu có thể những ý tưởng, giải pháp có thể không phù hợp với thị trường nhưng đội sáng lập tiềm năng chính là đội chịu học, chịu phát triển và chịu nhận những lời phản hồi, lẫn chỉ trích để có thể xây dựng những giải pháp phù hợp hơn với thị trường và từ đó càng lúc họ càng đi lên. Đối với những đội ngũ mà chỉ khư khư cho rằng giải pháp của mình đang rất tốt rồi, không tiếp nhận những ý kiến trái chiều và từ đó không có cải thiện giải pháp thì các nhóm này rất khó để phát triển.

Về yếu tố thời điểm, có thể một giải pháp đó, đi đúng hướng nhưng đi trước thị trường nhiều năm, thì vào cái thời điểm đó có thể thị trường, người dùng cảm thấy cái giải pháp đó chưa cần thiết. Bởi vì khi một điều gì đó đến quá sớm, người dùng cần thời gian để hiểu và sử dụng nó. Nếu ai đi quá sớm thì cũng không ổn. 

•Về yếu tố vốn, khi mình xây dựng ban đầu, trước khi khởi nghiệp phải tính dòng tiền mình bỏ vào cho doanh nghiệp khởi nghiệp này trong bao lâu. Phải tính chiến lược gọi vốn. 

•Về đội ngũ sáng lập, nếu người sáng lập không có kinh nghiệm thì buộc người đó phải học rất nhanh hoặc anh phải tích trữ kinh nghiệm trong quá trình làm việc, xây dựng uy tín trên thị của những bạn trẻ suy nghĩ theo chiều hướng chỉ cần có ý tưởng thì có thể khởi nghiệp được. Đó được xem là cuộc chơi có sự chuẩn bị và khi nào mình cần rút chân bởi cũng có rất nhiều tập đoàn lớn khi họ thử một ý tưởng mới, khi bắt tay vào làm cũng có thể xảy ra sai sót, cũng có thất bại. 

* Ông có đề cập gì về vấn đề không thiếu vốn, vấn đề sinh viên hay các bạn trẻ khởi nghiệp họ đang làm không phải cái giải pháp của thị trường, công chúng của xã hội đang cần mà là cái họ đang cần để thỏa mãn khối kiến thức mà họ ấp ủ trong đầu. Vậy thì trong quá trình tiếp cận một đối tượng hoặc chủ thể của khởi nghiệp thì các vườn ươm, quỹ đầu tư và doanh nghiệp sẽ uốn nắn định hướng về tiếp cận thị trường, về những cái lõi mà ngay lúc đầu ông có nói là "các vườn ươm, khối tư nhân, có hai cái rất hay đó chính là họ có thị trường và có vốn", vào thời điểm nào?

- Tất cả hoạt động ươm tạo hay tăng tốc mà InnoLab Asia hay tổ chức Lead The Change đang làm sẽ thiên về câu chuyện làm sao để cho các bạn khởi nghiệp có một tư duy đúng. Tư duy đúng nằm ở chỗ, có thể anh trẻ, anh khởi nghiệp nhưng anh phải biết mình sai ở đâu và anh sửa như thế nào. Và trong quá trình anh làm thì trong tư duy thiết kế. Bước đầu tiên là bước thấu cảm khách hàng (empathy) của mình như thế nào, đặt vị trí của mình vô khách hàng để hiểu khách hàng thực sự cần gì để mình xây dựng giải pháp tốt và bước tiếp theo phải làm sao để cho mình định nghĩa lại rồi tới bước xây dựng ý tưởng sẽ như thế nào, tiếp đến sẽ xây dựng nguyên mẫu ra sao, cuối cùng là thử nghiệm để xem nó sai chỗ nào.

Nguyên giai đoạn đó, thật ra hành trình mà các bạn khởi nghiệp, các bạn phải xây cái vòng đó liên tục. Có nghĩa là mình phải làm sao để xây trong tư duy thiết kế có 5 bước đó thì các bạn phải làm liên tục như vậy. Để các bạn làm có một cái pháp đúng thì phải bắt đầu từ một cái tư duy đúng, phương pháp đúng. Hoạt động ươm tạo giúp cho các bạn tiếp cận được những cái mới, chia sẻ cho các bạn những cái thực tế trên thị trường diễn ra như thế nào. Còn các bạn chính là người lựa chọn trong câu chuyện các bạn sẽ đi như thế nào để phù hợp với chính các bạn. Nếu các bạn làm tốt thì các bạn sẽ đi xa và thành công.

Nếu các bạn khởi nghiệp với tư duy đúng thì chuyện bạn sai hay thất bại đều không tránh khỏi, nhưng làm sao để các bạn gượng dậy, đi đúng hướng và hiểu được thị trường cần gì. Từ đó, giải pháp hay sản phẩm dịch vụ từ các bạn sẽ đi đúng hướng hơn. Việc này xuất phát từ tư duy các bạn trẻ, tư duy ở đây không phải là người khác nói gì mình nghe đó mà là phải có sự phản biện, có tư duy phản biện, mình phải biết được thông tin nào mình cần nghe bởi khi khởi nghiệp thì thị trường phản hồi rất nhiều thông tin, mình cần chọn lọc những thông tin đúng để mình đưa ra quyết định đi các bước tiếp theo.

* Dưới góc nhìn của một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ cho các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn TP.HCM, theo ông, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước và chính những người khởi nghiệp, tổ chức cá nhân khởi nghiệp thì các chủ thể này cần bổ sung những gì cho chính họ để hợp sức tạo ra những điều mới mẽ hơn. Hay bản thân cơ quan quản lý nhà nước và chính các đội ngũ quản lý tại các doanh nghiệp nên có thêm những điều chỉnh gì phù hợp?

- Việc Nhà nước cần hỗ trợ hơn đó là Nhà nước có thể tập hợp lại những đơn vị đang ươm tạo trên thị trường, tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu của các bên để giúp cho các tổ chức này sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tốt hơn.

Và bản thân Nhà nước là đơn vị điều phối cũng như là hỗ trợ gắn kết mọi người lại với nhau. Ví dụ như Nhà nước đang cần giải quyết một vấn đề, nhưng biết đâu có một "vườn ươm" có thể giải quyết được vấn đề đó nhưng mà do cả hai bên chưa bao giờ nói chuyện với nhau thì những cuộc nói chuyện như vậy không biết là bên phía nhà nước mình có thể làm điều đó thường xuyên hơn. 

Và về phía những đơn vị "ươm tạo" thì mình có thể chia sẻ những điểm mạnh của mình, chẳng hạn về phía InnoLab may mắn có những đối tác từ các quốc gia ở Đông Nam Á đã làm rất nhiều năm. Ví dụ như một đơn vị ươm tạo ở Việt Nam muốn có được những đối tác hợp tác như vậy thì họ có thể hợp tác với InnoLab, từ đó InnoLab có thể hỗ trợ, giúp họ tiếp cận những đối tác này. 

Ví dụ như bây giờ chúng ta tổ chức một cuộc thi chỉ có ở Việt Nam thì cái tầm của cuộc thi cũng chỉ ở mãi Việt Nam. Nhưng điều gì xảy ra khi chúng ta tổ chức một cuộc thi mà liên kết được với các đối tác nội địa của mình, khi họ có thêm "những cánh tay nối dài" từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác thì tôi tin rằng cuộc thi đó chắc chắn sẽ được nâng tầm.

* Cảm ơn ông về cuộc trò thú vị này, và chúc ông cũng như InnoLab tiếp tục có các hoạt động thiết thực hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM trong thời gian tới.

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2023 (I-Star 2023) được phát động từ ngày 9/3/2023 nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của thành phố.

Năm 2023, Giải thưởng I-Star tiếp tục nhấn mạnh đến các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính và quản trị đô thị hiện đại, y tế và giáo dục thông minh, các giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh, giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo)…

Được biết, I-Star 2023 tiếp tục nhận được sự đồng hành của Công ty CP Tập đoàn Green+, hứa hẹn sẽ thu hút và chứng kiến sự bùng nổ của nhiều dự án độc đáo, có tiềm năng phát triển và hữu ích cho cộng đồng.

Đối tượng tham dự Giải thưởng I-Star 2023 gồm 4 nhóm: (1) các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; (2) các giải pháp đổi mới sáng tạo; (3) các tác phẩm báo chí truyền thông về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (4) các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có đóng góp tích cực cho cộng đồng. Tổng số giải thưởng là 12, trong đó mỗi nhóm đối tượng được chọn trao 3 giải đồng hạng. Mỗi giải thưởng bao gồm giấy công nhận, cúp lưu niệm của ban tổ chức và tiền thưởng trị giá 50 triệu đồng.

Trên cơ sở kết quả bình chọn của cộng đồng tính đến hết ngày 31/8/2023, ban tổ chức xem xét và lựa chọn 40 hồ sơ có lượt bình chọn cao nhất vào vòng chung kết để tôn vinh và trao giải Giải thưởng I-Star 2023.

Toàn bộ bài dự thi Giải thưởng I-Star 2023 sẽ được ban tổ chức đăng tải công khai và cập nhật liên tục trên website chính thức của giải thưởng (tại địa chỉ http://istar.doimoisangtao.vn/). 

20230309-istar2023-02.jpg

Trâm Anh - Văn Tám