Báo chí xuất bản đóng vai trò xung kích trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Trong nước - Ngày đăng : 08:51, 05/07/2023

Sáng 5/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Báo chí xuất bản đóng vai trò xung kích trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Theo đó, nhằm tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của hoạt động báo chí, xuất bản trong việc định hướng, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, xây dựng và phát triển những giá trị đặc trưng về văn hóa, con người thành phố, góp phần hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác; Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM sáng ngày 5/7 tổ chức tọa đàm “Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Dự và chủ trì tọa đàm có ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nhà báo Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, nhà báo Tăng Hữu Phong -  Tổng biên tập Báo Sài gòn Giải phóng, và nhà báo Bùi Anh Tấn - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ thành phố.

z4489295462121-0eceb5d6f2f315c6d5308a912

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng điều phối tọa đàm

Tọa đàm là dịp để lãnh đạo thành phố nói chung và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn nói riêng tiếp tục trao đổi, lắng nghe các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, các cán bộ tuyên giáo các cấp... đề xuất các ý kiến, đóng góp các giải pháp nhằm phát huy tích cực hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản đối với đời sống xã hội, nhất là tham gia quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

-3537-1688524530.jpg

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà báo Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết: Báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, có tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Đây đều là những phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện chuyển tải, phổ biến văn hóa tới công chúng. 

Ngay từ khi ra đời, báo chí cách mạng luôn đóng góp vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, định hướng thẩm mỹ; cổ vũ động viên xây dựng con  người mới theo hướng chân, thiện, mỹ. Tại TP.HCM, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước, hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật rất sôi động càng thể hiện rõ sự liên hệ, gắn bó mật thiết giữa báo chí và văn học nghệ thuật. Báo chí luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ chính trị đưa thông tin về đời sống xã hội đến bạn đọc, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; giới thiệu tác phẩm, phê bình… các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tạo ra một bộ phận công chúng quan tâm, thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tham gia định hướng thẩm mỹ cho công chúng về các tác phẩm văn học, nghệ thuật phù hợp, góp phần nâng cao những giá trị đời sống văn hóa, con người thành phố. Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, tham gia tích cực vào việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

-4114-1688521221.jpg

PGS-TS Trần Luân Kim - Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM trình bày tham luận "Văn học nghệ thuật trong diện mạo mới của thành phố".

Ban Tổ chức tọa đàm đã nhận được 36 tham luận từ các các cơ quan báo chí, xuất bản, các địa phương, đơn vị, một số nhà nghiên cứu. Mỗi tham luận là mỗi góc nhìn khác nhau về mối quan hệ giữa báo chí, xuất bản với văn học nghệ thuật nói chung, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng. Nhìn chung, các tham luận đều đã tập trung phân tích làm rõ vai trò tầm quan trọng của báo chí, xuất bản trong đời sống xã hội; vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các tác phẩm văn học nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong điều kiện của TP.HCM hiện nay.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe 9 tham luận được trình bày, cũng như dành nhiều thời gian trao đổi về các nội dung có liên quan.

z4488992556556-9c5bbf348a531cc8ff9a017d2

TS, Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ trình bày tham luận "Làm gì để thế hệ trẻ yêu quý, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh?".

Trong tham luận "Từ mạng xã hội đến báo chí đa nền tảng trong phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, nhà báo Đức Hiển - Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM nêu ý kiến cho rằng, đặt trong bối cảnh "không gian Hồ Chí Minh", nếu bỏ qua những cách diễn giải khô khan thì một trong những nhiệm vụ của báo chí đó là "làm lan tỏa các giá trị tử tế, tốt đẹp trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Một mặt, báo chí giúp người dân Việt Nam, hoặc người nước ngoài (ở những khu vực cụ thể, như tại TP.HCM, Hà Nội) hay thậm chí các trường đại học ở nước ngoài có ngành Việt Nam học nắm bắt những thông tin rõ ràng, cụ thể và khách quan về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, báo chí giải pháp giúp phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng để chính quyền hoàn thiện chính sách xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

z4489049376321-bbbf57e881470bca029cac21e

Nhà báo Đức Hiển - Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM trình bày tham luận.

Cũng theo lời nhà báo Đức Hiển, thực tế bài học học từ một số tờ báo lớn ở nước ngoài hay ngay tại Việt Nam đều cho thấy cần có những nhóm chuyên trách về sáng tạo, làm báo "thời đại kỹ thuật số" để có thể phát triền các dự án báo chí (chứ không phải là các bài báo đơn lẻ) trong thông tin, lan tỏa các đề tài về văn hóa

"Tiếp cận việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thông qua các kênh báo chí - tin tức cũng cần được ứng dụng", nhà báo Đức Hiển đề xuất, "Các dự án báo chí đa nền tảng nhắm vào việc thông tin, truyền thông về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh là cần thiết và khuyến khích tối đa sự sáng tạo phù hợp với thời đại số". Đại diện báo Pháp luật TP.HCM cũng cho rằng, các cơ quan báo chí cũng cần xem mạng xã hội là nền tảng chủ lực để đầu tư nhân sự riêng, đồng thời khẳng định nếu được quản lý chặt chẽ thì việc tổ chức các sản phẩm thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên không gian mạng thông qua tài khoản chính thống của các cơ quan báo chí chắc chắn bảo đảm được tính lan tỏa cao sâu rộng.

Trình bày tham luận tại tọa đàm, đại diện Quận ủy quận Tân Bình cho rằng có nhiều hướng tiếp cận để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó phát huy thế mạnh của mạng xã hội trong đẩy nhanh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những hướng đáng quan tâm.

-5036-1688527044.jpg

Bà Nguyễn Thị Liễu - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình trình bày tham luận "Phát huy vai trò mạng xã hội góp phần tuyên truyền, giới thiệu văn học, nghệ thuật với việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh"

Theo đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình đã hướng dẫn cấp ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quận xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, thông qua việc đẩy đẩy mạnh việc mở chuyên mục học tập và làm theo Bác trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các đơn vị và thường xuyên đăng tải các bài viết, đoạn phim ngắn giới thiệu, chia sẻ những mô hình, cách làm trong học tập và làm theo Bác; những lời Bác dạy; các giải pháp, hiến kế việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn quận.

Thạc sỹ Phạm Duy Phúc (giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) trong tham luận “Vai trò của báo chí đối với sự phát triển của văn học và những thách thức đặt ra trong giai đoạn hiện nay” cho rằng, báo chí cũng như văn học đều là những hình thái ý thức xã hội, là hình thái nhận thức, phản ánh hiện thực đời sống và cùng sử dụng ngôn từ như một công cụ chủ yếu. Dù vậy, báo chí và văn học, xét cho đến cùng, là hai hình thái ý thức xã hội đặc thù với bản chất hoàn toàn khác biệt nhau.

Khách quan nhận định, giảng viên Phạm Duy Phúc cho rằng "đóng góp của báo chí cho sự phát triển của văn học Việt Nam giai đoạn hiện nay là chưa thực sự rõ rệt", nhưng như đã phân tích rằng "báo chí và văn học là hai hình thái ý thức xã hội đặc thù" thì trong mối tương quan này, suy cho cùng thì báo chí chỉ là phương tiện quảng bá, là bạn đồng hành, cũng chứ không phải là mấu chốt quyết định giải quyết mọi vấn đề của văn hóa.

"Văn học phải vận động nội tại để tìm kiếm giải pháp cho riêng mình", thạc sỹ Phúc nhấn mạnh, "Để báo chí và văn học có thể đổi mới và đảm đương nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa thì đòi hỏi sự chuyển biến về chất của hiện thực đời sống cùng với sự phối hợp của cả hệ thống thiết chế xã hội. Trong đó, trọng trách chủ yếu của báo chí chính là phản ánh, tổ chức các hoạt động văn hóa và góp phần định hướng phát triển nền văn hóa lành mạnh, mang tính nhân văn, nhân bản cho quốc gia".

-8192-1688528463.jpg

An Huy