Ngân hàng số đang chuyển đổi số trường ngân hàng
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:00, 04/07/2023
Sinh viên TP.HCM tại một cuộc thi công nghệ |
Sức ép chuyển đổi số lan sang mảng đào tạo
Ngành ngân hàng đang triển khai kế hoạch thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030. Các kế hoạch trên đã giúp ngành trở thành một trong những ngành chuyển đổi số mạnh nhất trong phạm vi toàn quốc.
Cùng với sự phát triển công nghệ trong ngành, nhu cầu về nguồn nhân lực đáp ứng được điều kiện mới đã đòi hỏi cao hơn trước. Nhân viên ngân hàng trong tương lai sẽ phải có kiến thức liên ngành, trong đó kiến thức về công nghệ cũng quan trọng như kiến thức chuyên môn về tài chính.
PGS-TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ, áp lực chuyển đổi số tại nhà trường cao hơn bao giờ hết. Tại các trường đại học, việc chuyển đổi số không chỉ mang nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia mà còn gắn liền với nhu cầu tuyển dụng sinh viên của thị trường.
Ngân hàng trong nước đang ứng dụng phổ biến 5 công nghệ lõi là IoT, AI, Blockchain, Big Data và Cloud. Chatbot của ngân hàng từ công nghệ AI đã tiến đến thế hệ thứ tư, liên quan đến trí tuệ nhân tạo sáng tạo. Big Data đang được ứng dụng trong việc bán chéo sản phẩm, cung cấp dữ liệu phát hiện gian lận thẻ tín dụng.
Đa số ngân hàng đã số hóa khâu front office - bán hàng, một số khác đã tiến tới khâu middle office - tín dụng gồm đội IT, quản trị rủi ro và phân tích tín dụng. Vietcombank và Vietinbank trong nhóm Big4 đã tiến tới được khâu back office - kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Công nghệ giám sát (SupTech) - một tập hợp con của công nghệ tài chính (FinTech) - giúp hệ thống kiểm soát và kiểm toán trực tuyến 24/7. Công nghệ quản lý các quý trình pháp lý trong ngành tài chính (RegTech) được dùng trong quản lý ngân hàng.
MBBank, TPBank và Techcombank đã triển khai ở mức độ các bộ phận. Gần đây, KienlongBank đã tích hợp nhiều công nghệ trong hệ thống máy STM mang đầy đủ các chức năng nghiệp vụ của một phòng giao dịch ngân hàng. Khi ngân hàng số hóa ở cả ba khâu thì sẽ trở thành ngân hàng bản chất số giống như ngân hàng kỹ thuật số đang được thực hành ở Singapore.
PGS-TS Trung cho biết, qua khảo sát với những người đứng đầu tại các ngân hàng cho thấy yêu cầu nguồn nhân lực là phải nắm vững 4 ngôn ngữ để theo kịp quá trình chuyển đổi mô hình từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số. Ngôn ngữ thứ nhất là chuyên môn - nghiệp vụ. Ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh về tài chính và kinh tế. Ngôn ngữ thứ ba là trò chuyện với máy tính để có thể làm việc với máy tính và robot, nghĩa là nhân lực trong ngành sẽ cần có kiến thức lập trình. Ngôn ngữ thứ tư là phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để đưa ra quyết định.
Các yêu cầu mới của ngành ngân hàng là một sức ép đối với sinh viên trong ngành so với 10 năm trước đây và cả môi trường đào tạo. Làm sao để một trường đại học lên kế hoạch chuyển đổi số hoàn hảo trong khi nguồn vốn có hạn mà chuyển đổi số trong trường đại học cần nhiều hơn là chỉ có công nghệ? Làm sao để có đủ ngân sách thay đổi hàng loạt quy trình và con người.
Đơn cử, mạng lưới sinh thái chuyển đổi số như phòng thí nghiệm, lưu trữ dữ liệu sẽ chiếm rất nhiều tiền của. Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã giải nhiều bài toán trong kế hoạch chuyển đổi số từ năm 2019, đến nay mới thu nhặt được kết quả rõ rệt.
PGS-TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM |
Thu hút nguồn lực xã hội
Bài toán ngân sách dành cho công nghệ và nguồn dữ liệu để chuyển đổi số trong trường đại học là vấn đề đau đầu từ nhiều năm nay. Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã đứng trước hai lựa chọn là thuê ngoài hay đầu tư vào cơ sở vật chất và cơ sở dữ liệu AI.
Đối với các trường đại học công, đặc biệt với trường công lập tự chủ, chi phí và cơ chế đấu thầu thiết bị đặc thù cho cả hai lựa chọn đều là bài toán khó. Thay vào đó, trường đã xây dựng hệ sinh thái công nghệ giữa nhà trường và doanh nghiệp đang cần tìm nguồn nhân lực cáng đáng quá trình chuyển đổi số. Nguồn giáo sư tiến sĩ am hiểu việc chuyển đổi số trong ngành đang có sẵn tại trường đại học. Mặt bằng đặt máy chủ khổng lồ cũng có sẵn tại khuôn viên đại học, nơi có nhân lực tại trường vận hành máy cùng với sinh viên hỗ trợ.
Doanh nghiệp tài trợ cho trường đại học về nguồn máy móc công nghệ sẽ được hỗ trợ nguồn nhân sự và mặt bằng để tiết kiệm được chi phí. Thực ra đây là mối quan hệ cộng sinh giữa trường đại học và doanh nghiệp để đầu tư vào nguồn nhân lực tương lai, tạo ra giá trị dài hạn cho xã hội nhờ từng lớp sinh viên được trải nghiệm thực hành với công nghệ từ sớm. Mối quan hệ cộng sinh này cũng tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực trong xã hội khi nhà nhà đều chuyển đổi số.
Xây dựng nguồn dữ liệu đắt đỏ dùng trong AI - một vấn đề khác cũng làm đau đầu các đơn vị chuyển đổi số được Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đưa ra kế hoạch dựa vào nguồn lực xã hội. Dữ liệu mô phỏng dùng cho bài giảng được tận dụng từ cơ sở dữ liệu miễn phí của nước ngoài để giảm chi phí cho việc giảng dạy. Dữ liệu đi thuê từ các đơn vị lớn để sinh viên thực hành đánh giá phân tích. Dữ liệu tự xây dựng do nhà trường và sinh viên cùng nhập liệu tạo ra nguồn dữ liệu lớn. Nhờ việc liên kết với doanh nghiệp, nhà trường đã có các công cụ công nghệ giúp cho quá trình nhập liệu ngắn hơn như chương trình trợ lý giọng nói sẽ giúp tạo văn bản thay vì phải đánh máy như trước kia.
Bên cạnh ngân sách để thay đổi hàng loạt quy trình và con người, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng đã xây dựng được cơ chế, chính sách linh hoạt cho việc chuyển đổi số. Thiếu nền tảng cơ chế này, quy trình sẽ bị tắc vì không mua sắm thiết bị được, không tuyển dụng nhân lực mới được, dẫn đến mọi nỗ lực chuyển đổi số phải dừng lại.
Về nguồn nhân lực, đại học phải thu hút được nhân tài về công nghệ và chiến lược chuyển đổi số. Lãnh đạo tại đại học cũng phải là người dám đụng chạm trong nội bộ để thay đổi các phần học cũ và đưa vào các phần học mới để đáp ứng tính liên ngành trên thị trường. Vấn đề con người sẽ bắt buộc lãnh đạo nhà trường phải dám đương đầu. Một số môn học cũ đâu đó không còn đúng xu thế mới phải bắt buộc loại bỏ bớt khỏi chương trình để đưa các môn học công nghệ tài chính (FinTech) mới vào. Đây là một cuộc cách mạng trong nhà trường vì một số giảng viên sẽ bị mất việc tạm thời.
Để việc dạy học không lỗi thời so với công nghệ
“Thầy và trò tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã ra mắt ứng dụng tuyển sinh kết hợp giữa công nghệ Deep Learning và IoT để giải đáp thắc mắc cho thí sinh muốn vào trường. Thí sinh chỉ cần ngồi ở nhà đặt câu hỏi cho trường sẽ được robot giải đáp ngay lập tức. Nhà trường cũng đưa ra ứng dụng Từ điển muôn nơi để sinh viên tra cứu văn bản luật và kiến thức tài chính từ điện thoại”, PGS-TS. Trung giới thiệu về thành quả chuyển đổi số của thầy trò trong trường.
Nhưng công nghệ không dừng tại đấy mà thay đổi mỗi ngày. Nhà trường làm cách nào để trang bị cho sinh viên khả năng nắm bắt công nghệ mới? Câu hỏi đã dẫn nhà trường đến những buổi họp liên miên để thiết kế chương trình đào tạo đón đầu cho sự thay đổi trong vòng 20-30 năm.
PGS-TS. Trung cho biết, nhà trường không phải là nơi chạy theo doanh nghiệp, mà phải là nơi định hướng và tạo ra các xu thế mới cho xã hội và phải có đội ngũ chuyên gia giỏi để làm được điều này. Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã thiết kế chương trình học sau khi đối sánh chương trình học từ các trường uy tín trên thế giới.
Cụ thể, để sinh viên không lạc hậu với công nghệ hiện đại, nhà trường đã liên hệ với các nhà khoa học được giải Nobel và AM Turing để nhận định về xu thế AI 5.0 là gì sau ChatGPT. Công nghệ synthetic memory - nói chuyện với tương lai - là nghiên cứu trường đại học đang hướng tới nghiên cứu ứng dụng vào giảng dạy.
Tiếp đến là xu thế liên ngành, các ngành nghệ hiện nay đang đan xen với nhau, trong đó robot, máy tính là công cụ được sử dụng chủ yếu. Trường đại học phải là nơi định hướng các xu thế quản trị AI để chuẩn bị cho nguồn nhân lực mới làm chủ công nghệ, xóa tan mối lo robot làm chủ con người.