Giáo dục Việt Nam thuộc nhóm tốt nhất thế giới

Đào tạo - Ngày đăng : 04:51, 03/07/2023

Theo The Economist, trẻ em ở các gia đình Việt Nam được thụ hưởng "một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới". Điều này được phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các bài đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học.
Giáo dục Việt Nam thuộc nhóm tốt nhất thế giới

Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB), xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với học sinh Malaysia, Thái Lan mà còn so với những học sinh Anh và Canada - những nước giàu hơn Việt Nam 6 lần.

Còn theo tờ tạp chí nổi tiếng The Economist của Anh, ở Việt Nam, điểm số của học sinh không thể hiện mức độ bất bình đẳng giới tính, vùng miền như thường thấy với một số quốc gia khác. Theo tờ tạp chí này, một bí quyết thành công của giáo dục Việt Nam nằm trong lớp học: trẻ em học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu tiên.

Trong một nghiên cứu vào năm 2020, Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) phát hiện hiệu quả cao hơn của hệ thống giáo dục Việt Nam bằng cách xem xét dữ liệu từ các bài kiểm tra giống nhau của học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ Việt Nam trong độ tuổi từ 5-8 có kết quả vượt trội. Thêm một năm học ở Việt Nam giúp tăng khả năng giải một bài toán nhân đơn giản lên 21 điểm phần trăm; ở Ấn Độ, mức tăng là 6 điểm.

Theo The Economist, các trường học ở Việt Nam luôn phát triển qua thời gian. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Mỹ) cho thấy, ở 56/87 quốc gia đang phát triển, chất lượng giáo dục đã suy giảm kể từ những năm 1960. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các nước mà các trường học liên tục đi ngược lại xu hướng trên. Một lý do là chất lượng của giáo viên khi họ ngày càng giảng dạy hiệu quả hơn.

Nghiên cứu cho thấy phần lớn sự khác biệt về điểm số kiểm tra toán giữa học sinh Ấn Độ với Việt Nam đến từ cách giảng dạy. Giáo viên ở Việt Nam dạy giỏi vì được quản lý tốt, được đào tạo thường xuyên và được sáng tạo những buổi học hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, để giải quyết bất bình đẳng vùng miền, những giáo viên được phân công đến khu vực xa xôi nhận lương cao hơn. Giáo viên còn được tuyên dương, khen thưởng dựa trên thành tích học tập của học sinh.

The Economist cũng nhắc đến sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho giáo dục. Các chính sách, chương trình, tiêu chuẩn giảng dạy liên tục được cập nhật. Ở cấp địa phương, các tỉnh, thành được yêu cầu chi 20% ngân sách cho giáo dục, giúp cân bằng vùng miền. Ngoài ra, nhìn ở bức tranh rộng lớn hơn, xã hội Việt Nam xem trọng giáo dục, một phần tiếp nối văn hóa truyền thống hiếu học.

The Economist trích dẫn ý kiến của chuyên gia từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, các gia đình dù không có nhiều điều kiện ở Việt Nam vẫn sẽ cố gắng đầu tư cho con học hành. Ở các thành phố lớn, nhiều cha mẹ tìm kiếm những trường có giáo viên giỏi để cho con theo học.

Theo The Economist, bên cạnh những mặt đạt được, giáo dục Việt Nam cũng đang đối mặt nhiều thử thách. Chẳng hạn, các doanh nghiệp ngày càng muốn có nhân viên với kỹ năng phức tạp hơn nhưng học sinh Việt Nam chưa được dạy những kỹ năng này. Việc di dân đến các thành phố lớn cũng làm quá tải những trường học ở đây. Ngoài ra, ngày càng có nhiều giáo viên rời bỏ giáo dục để chuyển sang công việc có thu nhập cao trong khu vực tư nhân.

Minh Huy