Chất liệu hấp dẫn của âm nhạc
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 07:00, 02/07/2023
Xu thế được ưa chuộng
Đất nước ta có kho tàng văn học dân gian, văn học kinh điển rất phong phú. Từ lâu, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã quan tâm khai thác kho tàng này và để lại nhiều tác phẩm âm nhạc được công chúng nhớ mãi. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, hiện nay nhiều nhạc sĩ khai thác chất liệu từ các loại hình văn học dân gian để sáng tác ca khúc. Chẳng hạn, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã khơi nguồn cảm hứng cho ca khúc Em đây chẳng phải Thúy Kiều. Bài thơ Bánh trôi nước của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương được viết thành bài hát cùng tên.
MV Thị Mầu |
Để Mị nói cho mà nghe có một phần nội dung trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Hết thương cạn nhớ lấy cảm hứng từ truyện ngắn Chí Phèo nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Kẽo cà kẽo cọt, Bống bống bang bang, Anh ơi ở lại lấy chất liệu từ truyện cổ tích Tấm Cám.Mặt trăng được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy. Kẻ cắp gặp bà già, Lắm mối tối nằm không, Kén cá chọn anh, Chị ngã em nâng khai thác kho tàng ca dao tục ngữ. Thị Mầu lấy cảm hứng từ nhân vật Thị Mầu trong vở chèo dân gian Quan âm Thị Kính.Tứ phủ khai thác chất liệu của hát văn và tín ngưỡng dân gian (đạo Mẫu). Chờ chàng lấy cảm hứng từ trích đoạn Xúy Vân giả dại trong vở chèo cổ Kim Nham.Ngọc Hoa tự khúc có bóng dáng của nhân vật Mỵ Nương trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.
Những ca khúc ấy có thể là giữ nguyên bản ca từ hay chỉ một phần, nhưng chất liệu dân gian, kinh điển được các nghệ sĩ trẻ xử lý, biến hóa cho phù hợp với đặc trưng âm nhạc điện tử và xu hướng nhạc trẻ hiện nay. Tiếng rao “Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ Tây Đông/ Con gái phú ông/ Tên là Mầu Thị/ Tâm tình ngoại ý/ Mời già trẻ gái trai ra đình mà ăn khoán í a...” của ca khúc Thị Mầu đậm chất dân gian ở cả âm nhạc và văn hóa truyền thống (tiếng rao rất phổ biến và lưu truyền nhiều đời ở nông thôn xưa). Nam quốc sơn hà - một bài rap mà Phương Mỹ Chi và Erik thể hiện trong gameshow The Heroes là sự kết hợp giữa hò sông nước miền Tây Nam bộ với rap rất “bắt tai”.
Để Mị nói cho mà nghe khi làm thành MV đã khai thác âm hưởng dân ca, dân vũ, văn hóa truyền thống và cả trang phục dân tộc, tạo nên “cơn sốt” với đông đảo giới trẻ. Mượn câu chuyện cổ tích Tấm Cám, nhưng Bống bống bang bang lên án những việc xấu xa và ca ngợi những điều tốt đẹp. Kẽo cà kẽo kẹt ca ngợi sức sống mãnh liệt, sức mạnh tiềm tàng của người phụ nữ “từ bùn, từ tro tàn vươn lên nhánh xoan đào”. Vũ trụ có anh là chuyện về cô Tấm đã được lồng ghép với Lọ Lem của truyện cổ tích nước ngoài. Mười thương ca Huế khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống và dân ca xứ Huế kết hợp với nhạc acoustic, jazz, semi classic. Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân xanh, Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội (Hà Myo) khai thác điệu xẩm chợ cùng lời thơ dân gian kết hợp với rap và EDM. Đập nàng Khọt kết hợp dân ca Mường với rap bằng tiếng Mường và nhạc điện tử. Tát nước đầu đình ghép ca dao cùng một đoạn rap trẻ trung.
Gìn giữ giá trị truyền thống
Giao thoa, làm cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, chất liệu văn học dân gian, văn học kinh điển trong các sản phẩm âm nhạc được xem như yếu tố tạo sức hấp dẫn, dễ dàng khắc sâu vào tiềm thức của khán giả, nhất là giới trẻ. Thị Mầu do ca sĩ Hòa Minzy thể hiện mang âm hưởng chèo với giai điệu và ca từ dí dỏm, chỉ trong ít ngày ra mắt MV (video ca nhạc) đã dẫn đầu top thịnh hành YouTube Việt Nam. MV Thị Mầu cũng được đánh giá là sản phẩm ấn tượng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Hòa Minzy, dù trước đó ca sĩ trẻ này đã thực hiện khá nhiều sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu văn hóa truyền thống. Gieo quẻ tiếp tục trở thành tác phẩm nổi bật của Hoàng Thùy Linh và ê kíp sáng tạo, được tặng giải thưởng Âm nhạc Cống hiến ở hạng mục Music Video của năm 2022.
Những sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu văn học dân gian, văn học kinh điển tạo nên sự độc đáo, đặc sắc cho nhạc trẻ Việt. Khi xã hội ngày càng phát triển, thị hiếu công chúng thay đổi liên tục, việc khai thác các loại hình văn học dân gian, văn học kinh điển còn thể hiện tinh thần gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống tới nhiều thế hệ trẻ trong nước và cả công chúng trên thế giới.
Đáng quan tâm là có người lợi dụng sự ưa chuộng của công chúng trẻ và sự bùng nổ của nền tảng trực tuyến TikTok, gần đây đã sáng tác một số đoạn nhạc có ca từ phản cảm khi chế lời thơ kinh điển và biến tấu nhiều câu ca dao, tục ngữ thành những câu rap vô nghĩa và sáo rỗng. Việc làm này đã nhanh chóng nhận về sự phản ứng gay gắt và tẩy chay mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Bởi vậy, khai thác chất liệu văn học dân gian, văn học kinh điển là rất đáng khích lệ, nhưng sáng tạo cần phải chắt lọc và biến hóa phù hợp để tạo ra những ca khúc, những sản phẩm âm nhạc có chất lượng và giàu ý nghĩa nhân văn, có giá trị tích cực với công chúng.