TP.HCM thúc đẩy phát triển sản phẩm địa phương

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:00, 01/07/2023

TP.HCM đã công nhận nhiều sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế cho sản phẩm địa phương.
-9323-1688193687.jpg

UBND TP.HCM tối 30/6/2023 tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn cho 11 chủ thể với 39 sản phẩm (15 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 24 sản phẩm đạt OCOP 3 sao). Nhiều sản phẩm trong số đó đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu, Úc…

Tập trung cho đặc sản địa phương

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) được triển khai trên địa bàn TP.HCM từ năm 2019, đến nay đã có 66 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt 3 sao, 4 sao và có 1 sản phẩm đang đề xuất đánh giá sản phẩm 5 sao. 

Đến nay, toàn TP.HCM có 66 sản phẩm trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ được công nhận sản phẩm OCOP. Đáng chú ý, trong danh sách sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lần này, Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên có đến 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, gồm mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, mật ong nhân sâm, tinh bột nghệ vàng. Công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu với thương hiệu Meet More có 5 sản phẩm được công nhận 4 sao… 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt, sự chủ động, tích cực hưởng ứng, sự sáng tạo, nghiên cứu tìm tòi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tham gia chương trình OCOP để tạo nên sự đa dạng về nhóm, về thể loại của sản phẩm OCOP TP.HCM.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, chương trình OCOP bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện. Việc triển khai chương trình này có ý nghĩa to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Khi triển khai thành công, chương trình sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.

-8128-1688139564.jpg

Xuân Nguyên có đến 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao

Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM theo hướng đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính sáng tạo của địa phương. Ngay từ đầu, thành phố đã có những chủ trương, hướng dẫn để các chủ thể OCOP có thể tận dụng được những lợi thế của địa phương, nâng cao các đặc trưng và giá trị của sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo, riêng biệt. 

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa ở TP.HCM, việc phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng bằng sự sáng tạo, cùng niềm đam mê, nhiệt huyết muốn nâng tầm nông sản Việt vươn ra thế giới, gia tăng chuỗi giá trị sử dụng sản phẩm nông nghiệp của địa phương, hỗ trợ người dân  có đầu ra ổn định, các donh nghiệp như Công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu, Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên… đã mạnh dạn tạo nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm rất riêng.

Lan tỏa sản phẩm từ nông sản Việt

Là doanh nghiệp có 4 sản phẩm được công nhận OCOP gồm mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, mật ong nhân sâm, tinh bột nghệ vàng, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm của Xuân Nguyên phải trải qua các bước đánh giá bài bản toàn diện từ đầu vào nguyên liệu, khu chế biến sản xuất và đầu ra thành phẩm bởi nhiều cấp đánh giá (huyện, tỉnh, Trung ương) với hội đồng đánh giá chuyên nghiệp gồm nhiều ngành như y tế, công thương, tài chính, môi trường… 

“Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO...”, ông Vũ nói và cho biết thêm năm 2021, Xuân Nguyên có 2 sản phẩm đạt 4 sao là mật ong rừng sữa ong chúa và viên hà thủ ô 5 trong 1; năm 2022 với 4 sản phẩm đạt 4 sao gồm mật ong nhân sâm, mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ đen và tinh bột nghệ vàng.

-3860-1688139564.jpg

Các sản phẩm thương hiệu Meet More đạt chứng nhận OCOP

Cũng theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, đơn vị đã đầu tư bài bản ngay từ đầu, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc công nghệ hiện đại cùng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao, đặc biệt là vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và chung tay xây dựng nền kinh tế nông nghiệp nông thôn thịnh vượng.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng giám đốc Công ty Liên kết Thương mại Toàn Cầu, doanh nghiệp sở hữu các loại cà phê nông sản Meet More đạt OCOP 4 sao, cho biết mục tiêu ban đầu làm cà phê nông sản là tận dụng nguồn nông sản, chế biến sâu nâng cao giá trị cho nông sản. Và sau nhiều năm tiếp cận và phát triển ở thị trường quốc tế như Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản… Meet More đã tạo được dấu ấn với người tiêu dùng, dần dần chiếm được cảm tình của cộng đồng kiều bào khắp thế giới bởi.

“Trái cây Việt Nam rất phong phú, vì vậy, với mục tiêu mong muốn đưa nông sản Việt ra thế giới, chúng tôi đã kết hợp cà phê với các nông sản đặc trưng của việt Nam như dừa, đậu xanh, trái nhàu, khoai môn… và gần đây là xoài. Đây là sản phẩm chủ lực để chúng tôi hướng đến khách hàng, gồm cả khách hàng quốc tế. Và sự công nhận của TP.HCM với sản phẩm của Meet More sẽ giúp chúng tôi có thêm nhiều cơ hội để cống hiến và phát triển thương hiệu của mình. Qua đó sẽ tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho người dân cũng như khách hàng của Meet More”, ông Luận nói.

Bên cạnh sự nỗ lực của những doanh nghiệp sản xuất, kênh bán lẻ cũng chung tay để đưa những sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Cụ thể, các hệ thống bán lẻ của Satra, Saigon Co.op, Central Retail… đã ký kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã… đưa các sản phẩm OCOP TP.HCM vào phân phối.

-2197-1688139564.jpg

Tại buổi lễ đã diễn ra lễ ký kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP giữa các hệ thống phân phối sản phẩm Satra, Mega Market, Tập đoàn Central Retail với các chủ thể OCOP

Tháng 2/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 263 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó, xác định OCOP là một trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Hiện chương trình OCOP tại TP.HCM đã được mở rộng hơn về pham vị, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham gia (giai đoạn trước giới hạn ở 5 huyện ngoại thành).

Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TP.HCM đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và thành phố Thủ Đức.

Hồng Nga