Nghịch lý bỏ và giữ người lao động của doanh nghiệp

Xu hướng - Ngày đăng : 07:00, 29/06/2023

Hiện nay, khá nhiều lao động bị sa thải, mất việc làm và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài đến hết năm. Đáng lo ngại nữa là khi kinh tế phục hồi như trước đại dịch Covid-19, doanh nghiệp (DN) sẽ thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.

Cắt giảm nhân sự: Việc chẳng đặng đừng

Dệt may là một trong những ngành có tỷ lệ thâm dụng lao động cao và từ cuối năm 2022 đến nay đối diện với rất nhiều khó khăn bởi tình trạng thiếu đơn hàng liên tục. Số liệu từ Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM (AGTEK) cho thấy, trong quý II/2023, đơn hàng của các DN tiếp tục giảm 25% so với quý trước và đang trông chờ sự hồi phục trong những tháng cuối năm.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch AGTEK cho biết, vấn đề hiện nay của các DN là làm sao có đơn hàng và thị trường. Vì thiếu đơn hàng nên để duy trì sản xuất, nhiều DN buộc phải giảm giờ làm và đang cố xoay xở bằng mọi cách để giữ chân người lao động. 

Giải pháp tình thế mà nhiều DN áp dụng hiện nay là tranh thủ những đơn hàng nhỏ lẻ, đơn hàng giá rẻ nhằm duy trì sản xuất, duy trì thu nhập cho công nhân. 

-3015-1687854492.jpg

Từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu đơn hàng liên tục khiến nhiều DN phải sa thải lao động. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã có hơn nửa triệu lao động cả nước mất việc, giảm giờ làm. Dự báo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - một trong các ban của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, việc cắt giảm lao động sẽ còn tiếp trong các quý còn lại của năm 2023. Trong số những DN dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 73% DN dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên.

Tình trạng lao động thiếu việc làm thấy rõ ở lĩnh vực bất động sản. Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho biết, hiện nay nhân sự môi giới bất động sản cũng như nhân sự các lĩnh vực liên quan đến bất động sản như xây dựng, vật liệu xây dựng đang dư thừa khá nhiều. Việc tuyển dụng kỹ sư, kiến trúc sư trong thời điểm này rất dễ dàng. 

Nguồn lực lớn bị lãng phí

Cũng theo ông Nghĩa, vì việc tuyển dụng dễ dàng nên cũng có DN “tranh thủ” thay “chất xám”. Chẳng hạn, với một công ty có 10 nhân sự thì chỉ có hai nhân sự cốt cán cần giữ lại và 8 nhân sự còn lại có thể thay đổi. 

Hàng chục nghìn lao động các ngành may, da giày, đồ gỗ mất việc và dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn khi đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm, có thể đến hết quý III, thậm chí quý IV/2023. Việc sa thải lao động ở thời điểm này vẫn chưa ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều DN nhưng về lâu dài, khi thị trường phục hồi, chắc chắn DN sẽ gặp khó khăn, bởi đa số lao động mất việc thời gian qua có thâm niên, có tay nghề cao. 

Theo một đại diện công ty may gia công với hơn 5.000 công nhân trên địa bàn huyện Củ Chi, để đào tạo được một lao động với kỹ thuật may cơ bản mất ít nhất ba tháng, còn để đào tạo một công nhân vững tay nghề như may túi, nẹp, dây kéo, tra tay, tra cổ áo và ráp được một sản phẩm cần một hai năm. 

-8978-1687854492.jpg

Không chỉ các ngành sản xuất mà cả ngành kinh doanh như kinh doanh điện lạnh của Công ty Kim Ngọc Đăng cũng khó khăn trong việc đào tạo lao động kỹ thuật cao. Bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên - Giám đốc Công ty Kim Ngọc Đăng cho biết, rất khó để tuyển dụng được lao động kỹ thuật cao. Tất cả nhân sự, đặc biệt là chuyên viên kỹ thuật đều phải được đào tạo lại trong quá trình làm việc.

Để có một nhân sự kỹ thuật lành nghề, công ty phải mất 2-3 năm đào tạo. Dù vậy, trong gần 40 người đang làm việc tại Kim Ngọc Đăng, chỉ có 4 người có kỹ thuật cao. Và chỉ cần một, hai người trong nhóm 4 nhân sự giỏi này nghỉ là công ty gặp khó. 

Trợ lực DN để giữ người

Nhiều chủ DN cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách tăng lương, tăng bảo hiểm sẽ khiến không ít DN phải đóng cửa. Và như vậy, cánh cửa việc làm của người lao động ngày càng bị thu hẹp.

Theo chủ nhiều DN, ngoài sự nỗ lực của bản thân, để giữ lao động, họ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, thiết thực nhất lúc này là miễn, giãn thuế, phí, giảm lãi suất ngân hàng, vì hiện nay, dù đầu ra thu hẹp nhưng DN vẫn phải trả lương cho người lao động, tìm mọi cách để giữ chân người lao động.

Để trợ lực DN, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho người lao động, Ban IV đề xuất kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng, giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, phí công đoàn hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với bối cảnh mới. Bên cạnh đó, tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ, đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho DN vay trả lương người lao động hoặc để đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động.

Nhằm chuẩn bị lao động sẵn sàng cho tái phục hồi trong năm 2024, các cơ quan chức năng phải tính đến các giải pháp đồng bộ, trong đó vừa hỗ trợ ngắn hạn giúp người lao động có tay nghề cao vượt khó ở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước biến động của thị trường. 

Hồng Nga