Danh nhân Lương Văn Can - Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân
Lương Văn Can - Ngày đăng : 00:46, 26/06/2023
Cùng với các đồng chí của mình, cụ Lương Văn Can đã tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục và góp phần thúc đẩy phong trào Duy Tân - Đông Du, làm nên một cuộc cách mạng văn hóa - tư tưởng, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ra khỏi tầm nhìn chật hẹp của nho gia và ý thức trung quân phong kiến.
Không những thế, ngay trong những năm tháng tù đày, cụ còn đi tiên phong trong công cuộc chấn hưng thực nghiệp bằng hoạt động kinh doanh và bằng trước tác. Bằng cuộc đời và sự nghiệp của mình, Lương Văn Can đã chứng minh rằng giáo dục là nền tảng của tự cường và kinh doanh, thương mại là con đường đi đến tự cường của một quốc gia.
Cuộc đời và sự nghiệp
Lương Văn Can 梁文玕, nguyên tên là Lương Ngọc Can, tự Ôn Như 溫如, biệt hiệu Sơn Lão 山老. Cụ chào đời vào năm Giáp Dần 1854, tại thôn Hạ, xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội).
Tổ tiên của cụ đã đến lập nghiệp ở Nhị Khê vào thế kỷ XVII. Cha của cụ là Lương Tích (1817-1979), mẹ là Nguyễn Thị Tề (1820-1894). Như dân làng ở Nhị Khê, ông bà Lương Tích sinh sống bằng nghề nông và nghề tiện gỗ, sinh được 6 người con. Vì gia cảnh chỉ “thường thường bậc trung”, ông bà đã bán ruộng đất để cho các con ăn học. Kết quả là hai trong số 4 người con trai của ông bà là Lương Văn Can và Lương Ngọc Lâm đều thi đỗ cử nhân, làm rỡ ràng gia tộc.
Thuở ấu thơ, Lương Văn Can theo học trường làng, do ba vị tú tài phụ trách, trong đó có cụ Tú Liêm, về sau là chí sĩ chống Pháp. Kế tiếp, Lương Văn Can theo học trường của Nguyễn Huy Đức (1824-1898) ở thôn Vũ Thạch, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (nay là khu vực phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Nguyễn Huy Đức đỗ cử nhân năm 1858, nhưng vì muốn phụng dưỡng mẹ già nên từ chối các chức quan, ở nhà mở trường dạy học. Nhờ tài năng và phẩm hạnh của cụ, trường Vũ Thạch trở nên rất nổi tiếng với số lượng học trò lên đến 1.000 người. Sau anh hùng Nguyễn Trãi được thờ tại xã Nhị Khê, nhà giáo Nguyễn Huy Đức là tấm gương lớn thứ hai đã ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Lương Văn Can.
Năm 16 tuổi Lương Văn Can đi thi Hương, vào đến tam trường. Năm 1874, tròn 20 tuổi, cụ đỗ cử nhân thứ sáu (trên tổng số 25 cử nhân tân khoa) trường thi Hương Hà Nội. Vì là môn sinh đỗ đạt sớm nhất, Lương Văn Can được cử làm trưởng môn của trường Vũ Thạch. Năm 1875, Lương Văn Can đi thi Hội, vào đến nhị trường. Năm 1876, Lương Văn Can thành hôn với Lê Thị Lễ (1857-1927) người xã Bình Vọng cùng huyện, và ra ở thành phố. Lương Văn Can mở trường dạy học tại số 4 Hàng Đào, Hà Nội. Còn cụ Lê Thị Lễ mở cửa hàng buôn bán ở phố Hàng Ngang.
Sau đó, Lương Văn Can được triều đình bổ làm Giáo thụ phủ Hoài Đức. Nhưng trước tình hình chính quyền tỉnh Hà Nội đã về tay bọn quan lại chủ hòa và bọn Việt gian, cụ đã quyết định “thủ tuyết” (giữ mình trong sạch) bằng cách từ chối chức quan để ở nhà dạy học.
Đến năm 1892, cụ lại khước từ chức Ủy viên Hội đồng Thị chính thành phố Hà Nội - một cơ quan đại nghị do chính quyền thực dân Pháp thành lập, vì “thấy lúc nghị sự thì quyền về người Pháp. Nghị viên ta chỉ dạ dạ, vâng vâng, hình như con trùng ứng thanh (sách thuốc nói có một người trong bụng sinh ra trùng ứng thanh, có nói điều gì thì nghe con trùng cũng phải theo tiếng mà nói thế). Chẳng bàn được sự ích quốc lợi dân gì cả (Lương gia tộc phả)”.
Là một nhà Nho khoa bảng nhưng hai lần từ chối chức quan của Nam triều và của thực dân để mở trường dạy học, Lương Văn Can là một nhà yêu nước nổi tiếng ngay từ lúc chưa nhập cuộc. Năm 1903, Lương Văn Can cùng với Đốc học Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) dựng “Hoằng thiện kinh đàn” tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội, để giảng các bài kinh “giáng bút” tuyên truyển tư tưởng yêu nước.
Thời điểm này, thông qua Nguyễn Thượng Hiền, có thể Lương Văn Can đã được tiếp xúc với tác phẩm Thiên hạ đại thế luận (1892) của Nguyễn Lộ Trạch (1853-1898), cùng với các “tân thư” (sách mới) và “tân văn” (báo chí) chữ Hán, chuyển tải lý luận của các nhà tư tưởng của Cách mạng Dân chủ Pháp và các nhà Duy Tân Trung Quốc. Đến năm 1905, sự kiện nước Nhật Duy Tân đánh bại đế quốc Nga gây chấn động toàn cầu đã trực tiếp thúc đẩy Lương Văn Can nhập cuộc.
Đầu tiên, Lương Văn Can tiên phong hưởng ứng cuộc vận động Đông Du của Phan Bội Châu (1867-1940), cho hai con là Lương Ngọc Quyến, Lương Ngọc Nhiễm và 4 người học trò sang Nhật vào tháng 9/1905. Năm 1906, trước và sau khi Phan Châu Trinh (1872-1926) sang Tokyo khảo sát các học đường và tình hình chính trị, giáo dục của Nhật, Lương Văn Can hai lần hội đàm với Phan Châu Trinh, bàn kế duy tân và kế hoạch thành lập trường học duy tân.
Tháng 2/1907, Lương Văn Can tổ chức hai cuộc họp tại số 4 Hàng Đào để điều hòa đường lối của hai phái Đông Du - bạo động và Duy Tân ôn hòa, xác định phương hướng hoạt động, hệ thống tổ chức và trụ sở của Đông Kinh Nghĩa thục (số 4 và số 10 Hàng Đào).
Kế hoạch là thành lập Đông Kinh Nghĩa thục - một trường trung tiểu học miễn phí (trừ môn tiếng Pháp) và hợp pháp, với chỗ dựa pháp lý các nghị định và đạo dụ cải lương giáo dục ban hành trong năm 1906, đặc biệt là Đạo dụ ngày 31/5/1906 của vua Thành Thái điều chỉnh nền giáo dục ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đạo dụ này yêu cầu thành lập các trường ấu học ở cấp xã thôn, một công việc mà trước đó nhà nước phó mặc cho các thầy đồ, và yêu cầu triển khai dạy các môn Sử ký, Địa dư, Cách trí, Toán pháp bằng chữ Quốc ngữ và một ít chữ Pháp, là những môn chưa có đủ sách vở, giáo viên. Các sáng lập viên tín nhiệm bầu Lương Văn Can làm Thục trưởng, Nguyễn Quyền (1869-1941) làm Giám học.
Từ tháng 5/1907 khi Đông Kinh Nghĩa thục chính thức khai trương, Lương Văn Can dốc hết tâm sức điều hành hoạt động của ngôi trường. Về tổ chức nhân sự, trường lập ra 4 ban chuyên trách: Ban Giáo dục lo việc chiêu sinh và giảng dạy; các môn học gồm chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Hán, Lịch sử, Địa lý, Luân lý, Cách trí, Vệ sinh, Toán pháp. Ban Cổ động tổ chức bình văn, diễn thuyết; địa bàn là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Sơn Tây, Hà Đông. Ban Tu thư chuyên lo biên soạn tài liệu giảng dạy và tài liệu tuyên truyền. Ban Tài chính lo kinh phí cho trường, phụ trách việc thu chi.
Học sinh được chia theo trình độ thành 8 lớp. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức hai cơ quan ngôn luận không chính thức là Đăng Cổ Tùng Báo và Đại Việt Tân Báo.
Đăng Cổ Tùng Báo viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán, ra số đầu tiên ngày 28/3/1907, do Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) làm chủ bút phần quốc văn. Đại Việt Tân Báo (tên tiếng Pháp: L’Annam) viết bằng chữ Quốc ngữ và một phần chữ Hán, ra số đầu tiên ngày 21/2/1905, do Đào Nguyên Phổ (1861-1907) làm chủ bút.
Khởi đi từ số không, nên nhà trường thành lập ngay một thư viện và khẩn trương tiến hành biên soạn, thu thập các tài liệu giảng dạy và tài liệu tuyên truyền. Chỉ trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, nhà trường đã biên soạn và xuất bản khoảng 10 cuốn sách: Quốc dân độc bản, Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư, Nam Quốc giai sự truyện, Nam Quốc vĩ nhân, Tân đính luân lý giáo khoa thư, Nam Quốc lịch sử, Nam Quốc địa dư…
Các sách này đều viết bằng chữ Hán, in bản gỗ trên giấy Bưởi đóng bìa cậy. Một số tài liệu khác, như cuốn Quốc văn tập đọc tập hợp các bài thơ kêu gọi duy tân, hay cuốn Đại Việt địa dư do Lương Văn Can biên soạn, thì viết bằng chữ Quốc ngữ và đem in thạch.
Các tài liệu này dùng cho các môn học về xã hội gồm lịch sử, địa lý, luân lý là những môn học mà nhà nước lúc ấy chưa biên soạn được sách giáo khoa. Nội dung chung của loạt sách này là đề cao truyền thống dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc, bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho học sinh. Còn với các môn tự nhiên như cách trí, vệ sinh, toán pháp, thì trường sử dụng sách giáo khoa của các trường tiểu học Pháp - Việt.
Bên cạnh đó, trường còn in lại để phổ biến trong học sinh và quần chúng hàng chục tài liệu nhằm thức tỉnh lòng yêu nước và kêu gọi duy tân do sĩ phu các nơi biên soạn như Văn minh tân học (chữ Hán, bao gồm bài Văn minh tân học sách được viết trước năm 1904, về sau được xem là bản tuyên ngôn của Đông Kinh Nghĩa thục, bài Cáo hủ lậu văn và bài Thỉnh khán Cao Ly vong quốc chi thảm trạng); các tác phẩm của Phan Châu Trinh như Đầu Pháp chính phủ thư (tức Thư gởi Toàn quyền Đông Dương Paul Beau, chữ Hán, 1906), Tỉnh quốc hồn ca (I) (song thất lục bát Quốc ngữ, 1906), Nhắn chị em bạn gái (hát nói, Quốc ngữ); các tác phẩm của Phan Bội Châu như Hải ngoại huyết thư (chữ Hán, 1906, Lê Đại dịch ra song thất lục bát Quốc ngữ), Nam Hải bô thần ca (tức Á Tế Á ca hay Đề tỉnh quốc dân ca, song thất lục bát chữ Nôm, 5/1906), Gọi hồn quốc dân (chữ Hán và song thất lục bát chữ Nôm, 1907), Kính quốc nhân I, II, III (hát nói, Quốc ngữ); các tác phẩm của Nguyễn Thượng Hiền như Hợp quần doanh sinh thuyết (song thất lục bát Quốc ngữ, 1907), Bài phú cải lương (Quốc ngữ)…
Ngoài ra, thư viện của trường còn có nhiều sách “tân thư” (sách mới) nhập từ Trung Quốc để phục vụ người học và độc giả bên ngoài.
Được đồng bào yêu nước nhiệt liệt hưởng ứng, Đông Kinh Nghĩa thục đã nhanh chóng phát triển thêm 4 phân hiệu ở Hà Đông, Sơn Tây, nâng sĩ số lên đến khoảng 1.000 học sinh, chia thành 40 lớp, với đội ngũ giảng huấn lên đến 42 người, bao gồm cả trí thức Nho học và Tây học. Các hoạt động của trường đã gây tiếng vang rất lớn, kích thích sĩ phu ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ Tĩnh đua nhau tổ chức các trường lớp duy tân.
Và bên cạnh hoạt động chính, Đông Kinh Nghĩa thục còn khuyến khích các hội viên xúc tiến hàng loạt hoạt động kinh doanh ở Hà Nội, Phúc Yên, Hưng Yên, Việt Trì để thực hành tư tưởng chấn hưng thực nghiệp. Từ đó, đã hình thành “phong trào Đông Kinh Nghĩa thục” rộng khắp ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ.
Như vậy, lợi dụng khẩu hiệu khai hóa và âm mưu của Pháp nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc và giới sĩ phu, lợi dụng các văn bản pháp quy về giáo dục do chính quyền thực dân - phong kiến ban hành, các sĩ phu yêu nước ở hai miền Trung - Bắc đã cùng phối hợp lập ra được một cơ quan công khai để truyền bá tư tưởng yêu nước và duy tân ngay tại trung tâm xứ Bắc. Về mặt văn hóa - giáo dục, các hoạt động giảng dạy và hoạt động ngoại khóa của Đông Kinh Nghĩa thục đều hướng vào các mục tiêu chống nền cựu học, bọn hủ nho, chữ nho và khoa cử, cổ động học chữ Quốc ngữ, học theo phương thức mới, đề cao nhân bản, phát huy óc sáng tạo, đề cao tinh thần dân tộc và lòng yêu nước; về mặt xã hội, đả phá tư tưởng thiên mệnh của Nho giáo, lên án những phong tục tập quán lạc hậu; và về kinh tế, kêu gọi chấn hưng thực nghiệp, bỏ vốn mở mang công nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và khai mỏ…
Ngay từ ngày đầu nhen nhóm của phong trào, thực dân Pháp đã cho mật thám theo dõi sát động tĩnh của Đông Kinh Nghĩa thục, đặc biệt là những thành viên theo khuynh hướng bạo động của trường. Đến tháng 8/1907, chúng bắt giam toàn bộ những người tổ chức Triêu Dương Thương quán ở Nghệ An, trong đó có Ngô Đức Kế là thành viên Đông Kinh Nghĩa thục.
Ngày 11/11/1907, chúng đóng cửa tờ Đăng Cổ Tùng Báo. Đến tháng 1/1908, lo ngại trước tác động thức tỉnh hết sức sâu rộng của Đông Kinh Nghĩa thục, chính quyền thực dân đã quyết định thu hồi giấy phép, tiến hành khám xét, tịch thu các sách vở, tài liệu, đồ dùng của nhà trường và cấm dân chúng lưu hành, tàng trữ các tài liệu ấy.
Ngày 5/5/1908, chúng đóng cửa tờ Đại Việt Tân Báo, truy bức chủ bút là Đào Nguyên Phổ, khiến cho ông phải tự sát. Đến tháng 10/1908, sau khi xảy ra hai vụ Trung Kỳ dân biến (10/3/1908) và Hà Thành đầu độc (27/6/1908), chính quyền thực dân đã tiến hành khủng bố trắng. 5 cựu thành viên Đông Kinh Nghĩa thục đều lãnh án tù đày: Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí. Các cơ sở kinh doanh do các thành viên Đông Kinh Nghĩa thục thành lập tại Hà Nội như Đồng Lợi Tế, Tụy Phương, Đông Thành Xương, Hồng Tân Hưng đều phải đóng cửa. Lương Văn Can được tha vì không có hành vi bạo động.
Nhưng trong lúc thoái trào, Lương Văn Can vẫn ngấm ngầm hoạt động. Năm 1910, cụ gửi học trò là Dư Tất Đạt (Trương Quốc Uy) và Lâm Đức Mậu cùng với một số tiền lớn sang Quảng Đông để chi viện cho Phan Bội Châu. Năm 1912, cụ tiếp tục gởi tiền trợ giúp các nhà cách mạng Đông Du ở Quảng Tây.
Tháng 4/1913, cụ tham gia kế hoạch tiến đánh Hà Nội của Việt Nam Quang phục Hội. Nhưng sau hai vụ đánh bom của Việt Nam Quang phục Hội ở Thái Bình (12/4/1913) và Hà Nội (26/4/1913), thực dân đã tiến hành khủng bố trắng một lần nữa. Lương Văn Can bị bắt vào ngục Hỏa Lò Hà Nội. Tháng 9/1913, cụ bị kết án lưu đày 10 năm ở Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia).
Con trai thứ sáu của cụ là Lương Ngọc Bân bị phạt giam 10 tháng. Hai đồng chí của cụ tham gia tổ chức phân hiệu Đông Kinh Nghĩa thục ở làng Chèm (Từ Liêm) là Phan Trọng Kiên bị đồ chung thân, Phan Tuấn Phong bị lưu đày 10 năm.
Bị đày sang Nam Vang, ban đầu Lương Văn Can đã tận dụng thời gian để biên soạn sách. Nhưng rồi, nhận thấy thị trường Campuchia còn trống trải, từ năm 1916-1921, cụ cùng với con gái Lương Thị Trí, con trai Lương Ngọc Môn và con dâu Nguyễn Thị Hồng Đính lần lượt lập ra ba hiệu buôn Đại Thanh, Hưng Thạnh và Nam Gia ở Nam Vang, bí mật phối hợp với cụ Lê Thị Lễ và các thương gia ở Hà Nội và Sài Gòn lập ra đường dây thương mại xuyên biên giới.
Nhờ tài trí kinh doanh của cụ Lê Thị Lễ và bà Nguyễn Thị Hồng Đính, việc kinh doanh phát đạt rất nhanh, giúp cho đại gia đình Lương Văn Can có nguồn tài chính dồi dào để trợ giúp các chiến sĩ cách mạng Việt Nam và đặt mua các sách báo cách mạng ở nước ngoài. Sau khi Lương Văn Can trở về Hà Nội cuối năm 1921, hoạt động kinh doanh đã được Nguyễn Thị Hồng Đính duy trì cho đến năm 1931. Công cuộc kinh doanh có tính cách mở đường này đã gây một ấn tượng rất mạnh mẽ đối với doanh nhân Việt Nam đương thời, khiến cho họ quan tâm đến thị trường Campuchia và theo gương gia đình cụ sang Campuchia buôn bán.
Tháng 12/1921, được tha về Hà Nội, Lương Văn Can thành lập Ôn Như Trường ở số 4 Hàng Đào để tiếp tục dạy học và soạn sách. Những năm già yếu, cụ vẫn tiếp tục làm cách mạng theo sức của mình: giúp Tâm Tâm Xã tổ chức mạng lưới trong nước (1923); xây tặng xã Nhị Khê một ngôi trường và lót gạch đường làng (1924); tham gia tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh tại Hà Nội (4/1926).
Ngày 12/6/1927, Lương Văn Can từ trần tại số 4 Hàng Đào. Đám tang của cụ bị thực dân Pháp phong tỏa. Lễ truy điệu do các nhà yêu nước tổ chức ở Hà Nội và Sài Gòn được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng, nhưng cũng bị thực dân ngăn chận và đàn áp.
Trong đôi câu đối tuyệt bút, Lương Văn Can nhắn nhủ thế hệ sau đừng quên rửa sạch mối quốc thù: Xuất thánh ư Tây dữ xuất thánh ư Đông, kỷ trùng dương tâm lý giai đồng, hu đốt tai khu khu cử nghiệp ngộ dư, nhai đáo mộ niên tài hữu giác / Vị quốc nhi sinh diệc vị quốc nhi tử, sổ thập tải chí nguyện vị toại, sở vọng giả thế thế hậu nhân tư ngã, di lai công sỉ tất vô vong. Dịch: Có thánh bên Tây lại có thánh bên Đông, ngàn dặm trùng dương tâm lý như nhau, thương thay nghề cử nghiệp hại ta, lúc tuổi xế chiều mới biết / Vì nước mà sống cũng vì nước mà chết, mấy chục năm trời ước mong không toại, chỉ nguyện người hậu lai nhớ tới, mối hờn đất nước đừng quên.
Văn nghiệp để lại của Lương Văn Can là 19 tác phẩm, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ truyền thụ Hán tự - Hán học, giáo dục nhân cách, giáo dục gia đình, cho đến các kiến thức về địa lý, lịch sử và kinh doanh, thương mại. Trong đó, có 11 tác phẩm sử dụng sở trường Nho học của cụ: Hán học tiệp kính (1913-1921); Hán tự quốc âm (1913-1921); Hạnh đàn loại ngữ (1913-1921); Châu thư loại ngữ (1913-1921); Hiếu kinh (xuất bản trước năm 1932); Luận Ngữ cách ngôn diễn giải (không rõ năm xuất bản); Ấu học tùng đàm (xuất bản trước năm 1928); Luận Ngữ loại ngữ, ba tập (xuất bản trước năm 1932); Lương gia tộc phả (1917-1923); Lương gia thứ chi phả (cùng với Lương Ngọc Hiển, 1924); Lương Ôn Như gia huấn (xuất bản năm 1926/1927).
Và có 8 tác phẩm trình bày những tri thức và quan điểm mới, theo hướng Duy Tân: Đại Việt địa dư (xuất bản năm 1925); Nam Quốc địa ca (1907); Bố y thư (1907); Kim cổ cách ngôn (xuất bản năm 1925, 2011, 2020); Phan Tây Hồ di thảo, 3 tập (cùng với Ngô Đức Kế, xuất bản năm 1926, 1927); Thương học phương châm (xuất bản năm 1928, 2020); Trí thức phổ thông mới (xuất bản trước năm 1928); Quốc sự phạm lịch sử.
Các trước tác của Lương Văn Can cho thấy cụ là một trường hợp “trung dung”, đứng giữa một bên là Phan Bội Châu - Duy Tân nhưng không từ bỏ hẳn chế độ phong kiến và Nho giáo, với một bên là Phan Châu Trinh - Duy Tân triệt để, nhất quán lập trường chống chế độ phong kiến và Nho giáo. Tức là, trong buổi giao thời của hai nền cựu học và tân học, Lương Văn Can vừa giống, vừa khác với những người bạn chiến đấu của mình. Nhưng điểm khác biệt quan trọng nhất giữa Lương Văn Can với các chí sĩ Duy Tân ấy chính là, ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, cụ vẫn có thể viết và để lại cho đời những tác phẩm cung cấp các tri thức rất mới mẻ đối với xã hội đương thời là Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm - hai cuốn sách đúc kết những chiêm nghiệm về đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh và tri thức kinh doanh.
Về đường con cái, Lương Văn Can có 8 người con, 5 trai 3 gái. Toàn bộ vợ và con của cụ đều tích cực góp phần vào sự nghiệp cứu nước: Lê Thị Lễ (1857-1927), Lương Trúc Đàm (1879-1908), Lương Thị Thi (1881-?), Lương Ngọc Quyến (1885-1917), Lương Ngọc Nhiễm (1889-1917), Lương Thị Tín (1891-1910), Lương Ngọc Bân (1892-1921), Lương Thị Trí (1893-?), và Lương Ngọc Môn (1898-1924).
Cả hai nàng dâu của cụ cũng vậy: Nguyễn Thị Hồng Đính (1890-1950) vợ Lương Ngọc Quyến, và Nguyễn Thị Vân Thiềm (1896 -1980) vợ Lương Ngọc Bân. Trong số đó, những người có đóng góp nổi bật nhất là cụ bà Lê Thị Lễ, Cử nhân Lương Trúc Đàm, anh hùng Lương Ngọc Quyến, bà Nguyễn Thị Hồng Đính và bà Nguyễn Thị Vân Thiềm. Chung phận gian nan cùng vận nước, cả 5 người con trai của Lương Văn Can và Lê Thị Lễ đều mất sớm trước khi cha mẹ qua đời.
Đóng góp vào sự hình thành và phát triển nghề kinh doanh ở Việt Nam
Trong thời Pháp thuộc (1883-1945), nhằm biến Việt Nam thành vùng cung cấp nguyên nhiên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của nước Pháp, chính quyền thực dân đã lần lượt triển khai các kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất (từ năm 1897 đến Thế chiến thứ nhất) và lần thứ hai (từ Thế chiến thứ nhất đến năm 1945).
Theo đó, chính quyền thực dân đẩy mạnh những ngành công nghiệp thu lợi nhanh và không làm tổn hại công nghiệp chính quốc; khai thác nông nghiệp; và phát triển mạng lưới giao thông. Chúng khai thác, xuất khẩu nguyên liệu thô của Việt Nam với giá rẻ và nhập khẩu thành phẩm từ nước Pháp với giá đắt để thu lợi tối đa, bóp chết các ngành thủ công nghiệp Việt Nam.
Về thương mại, một mặt nhà cầm quyền Pháp nắm độc quyền trong lĩnh vực này, một mặt chúng ưu đãi cho doanh nhân Hoa kiều để tiếp tay cho chúng trong việc lũng đoạn thị trường. Cùng với tư bản Pháp, các doanh nhân người Hoa là lực lượng nắm giữ các tài nguyên, huyết mạch công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ của nền kinh tế Việt Nam. Tham gia vào guồng máy khai thác thuộc địa này còn có doanh nhân người Ấn, sở trường về cho vay lấy lãi, cung cấp vốn đầu tư.
Trong khi đó, doanh nhân người Việt gần như đứng ở xuất phát điểm bằng không. Thủ công nghiệp lạc hậu, đã mau chóng suy tàn trước sự xâm nhập của công nghiệp tư bản Pháp và hàng hóa nhập cảng. Kinh tế thương nghiệp theo lối cũ bị thất thế do sự phát triển kinh doanh của doanh nhân người Pháp, người Hoa. Nền công thương nghiệp hiện đại vẫn còn rất sơ khai và tập trung trong tay doanh nhân người Pháp, người Hoa.
Không chỉ non yếu về vị thế kinh tế, doanh nhân người Việt trong buổi giao thời còn yếu thế cả về chính trị, không được chế độ thực dân tin tưởng và khuyến khích phát triển: ở Nam Kỳ và các thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, họ là dân thuộc địa vong quốc; ở Trung Bắc lưỡng kỳ, họ là dân bảo hộ một cổ hai tròng.
Với xuất phát điểm như vậy, việc khởi nghiệp kinh doanh của doanh nhân người Việt vào đầu thế kỷ XX đã gặp phải vô số khó khăn và những người thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay: Trương Văn Bền (1883-1956), Bạch Thái Bưởi (1874-1932), Trần Trinh Trạch (1872-1942), Lương Văn Can (1854-1927), Trần Chánh Chiếu (1867-1919), Nguyễn Sơn Hà (1894-1980), Trịnh Văn Bô (1914-1988)…
Trước tình trạng cả chính trị và kinh tế đều bị thực dân bóp nghẹt, như một cách thế phản kháng, một số doanh nhân người Việt trong bước đầu khởi nghiệp đã biết sử dụng lòng yêu nước của dân chúng như một võ khí giúp công phá thế trận liên hoàn của tư bản Pháp và Hoa. Tiếp sức cho họ là sự cổ động nhiệt thành của một số cơ quan giáo dục và báo chí của trí thức và doanh nhân người Việt.
Khi các phong trào Duy Tân - Đông Du (1905-1908), phong trào Đông Kinh Nghĩa thục (1907-1908) và phong trào Minh Tân (1907-1908) bùng nổ, cổ động chấn hưng thực nghiệp đã trở thành chủ trương quán xuyến của các lãnh tụ phong trào. Học hỏi các quốc gia Âu Mỹ và tấm gương của nước Nhật Duy Tân, các lãnh tụ phong trào vừa khuyến khích hội viên thực hành tư tưởng chấn hưng thực nghiệp bằng cách đầu tư mở mang những nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người, như thương nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, khai mỏ… vừa cổ động chấn hưng thực nghiệp bằng các tài liệu học tập tuyên truyền.
Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Đông Kinh Nghĩa thục đã phổ biến các “tân thư” nhập từ Trung Quốc và các tác phẩm Quốc dân độc bản của Đông Kinh Nghĩa thục (1907), Nam Quốc địa dư của Lương Trúc Đàm (1907), Hợp quần doanh sinh thuyết của Nguyễn Thượng Hiền (1907).
Hai tờ Đại Việt Tân Báo và Đăng Cổ Tùng Báo thì thường xuyên đăng các bài vở cổ động quốc dân chấn hưng thực nghiệp. Ở Nam Kỳ, trong thời gian làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm từ năm 1906 đến tháng 5/1908, Trần Chánh Chiếu đã tăng cường các bài báo khuyến nông, khuyến thương, chống hủ tục.
Khi tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra số đầu tiên vào ngày 15/11/1907, Trần Chánh Chiếu cũng làm chủ bút. Ông cũng dùng tờ báo này làm diễn đàn cổ động chấn hưng thực nghiệp cho đến khi bị thực dân Pháp đình bản vào tháng 11/1908. Sau khi các phong trào nói trên bị thực dân đàn áp, hoạt động kinh doanh của người Việt tiếp tục được cổ suy bởi các phong trào “chấn hưng thực nghiệp”, “để chế Bắc hóa”, “chấn hưng thương trường”, do các nhà báo và doanh nhân yêu nước phát động trên các tờ báo như Nông cổ mín đàm (1901-1921), Lục Tỉnh Tân Văn (tục bản 1908-1944), Ðông Dương Tạp chí (1913-1919), Thực Nghiệp Dân Báo (1920-1935), Khai Hóa Nhật Báo (1921-1927), Hữu Thanh Tạp chí (1921-1924).
Lương Văn Can đã có những đóng góp xứng đáng vào các cuộc vận động này. Sinh trưởng trong chế độ phong kiến trọng nông ức thương, bế quan tỏa cảng, Lương Văn Can đã lập nghiệp và dấn thân cứu nước trong bối cảnh nền công thương nghiệp hiện đại của nước nhà còn rất sơ khai và tập trung trong tay tư bản Pháp, Hoa. Trong bối cảnh ấy, Lương Văn Can là một trong những người tiên phong phát động phong trào chấn hưng thực nghiệp để cổ võ giới công thương người Việt. Rồi cụ tự mình thể nghiệm tư tưởng của mình bằng việc tổ chức kinh doanh ngay trong cảnh lưu đày ở Nam Vang.
Những năm tháng chiêm nghiệm hoạt động kinh doanh của gia đình và Đông Kinh Nghĩa thục và có lẽ cũng có tham gia ý kiến khi cần thiết, đã đem lại cho cụ nhãn quan nhạy bén của một nhà kinh doanh và tầm nhìn chiến lược của một nhà khai phá. Bằng việc hình thành một mạng lưới giao thương kết nối giữa Hà Nội, Sài Gòn với Nam Vang, gia đình Lương Văn Can trên thực tế đã tạo ra một thứ “công ty xuất nhập khẩu” đầu tiên của doanh nhân người Việt trong lịch sử. Cho nên, tuy cái doanh nghiệp mà Lương Văn Can và gia đình lập ra chẳng phải lớn lao gì so với ngày nay, nhưng tác dụng mở đường của nó đã khiến cho doanh nhân đương thời ngưỡng mộ. Bởi từ thời Bắc thuộc cho đến thời Pháp thuộc, doanh nhân người Việt chưa bao giờ có ý chí vươn lên hay thử vươn lên làm chủ thị trường, thị phần hải ngoại.
Và sau cùng, trong những năm cuối đời, cụ đã đem những tri thức, kinh nghiệm kinh doanh của mình, kết hợp với những giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống của Việt Nam để biên soạn hai tác phẩm Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm, để lại cho đời những lời khuyên giá trị về đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh, và tri thức kinh doanh.
Trong Kim cổ cách ngôn, cụ vừa vận dụng kinh nghiệm bản thân, vừa huy động truyền thống văn hóa dân tộc để đưa ra lời khuyên cho giới kinh doanh. Theo cụ, người kinh doanh cần phải có tâm đạo công bình, sử dụng nguồn tiền và dòng tiền lương thiện.
Trong Thương học phương châm, sau khi nhấn mạnh tình trạng thương mại yếu kém của nước nhà, Lương Văn Can vạch ra một loạt nguyên nhân: trong khi nước ta vẫn chưa có thương phẩm, thương hội, thương học, thì người nước ta ít có chí theo đuổi những nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người, lại thiếu những đức tính và kỹ năng cần thiết để có thể tiến xa trên thương trường. Để khắc phục tình trạng đó, mọi người cần chú trọng đến công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, đồng thời phải lưu tâm nghiên cứu khoa học về thương mại. Có làm được như vậy thì mới có thể phát triển nghề buôn. Và có phát triển nghề buôn thì dân mới giàu, nước mới mạnh.
Tư tưởng kinh doanh vượt thời gian
Khởi đi từ chủ thuyết Duy Tân trong kinh doanh của Đông Kinh Nghĩa thục và phong trào Duy Tân, tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can về sau đã kết hợp với những kiến thức kinh doanh của cụ và tiếp nhận thêm tư tưởng chấn hưng thực nghiệp của Ðông Dương Tạp chí (với loạt bài biên khảo về thực nghiệp của Phan Kế Bính) và Thực Nghiệp Dân Báo (với các bài vở cổ động chấn hưng thực nghiệp). Tư tưởng kinh doanh ấy được thể hiện tập trung trong hai cuốn sách được Lương Văn Can biên soạn trong những năm dạy học ở Ôn Như Trường, Hà Nội: Kim cổ cách ngôn (1925) và Thương học phương châm (1928).
Kim cổ cách ngôn là một cuốn sách dày 128 trang, tập hợp 185 “cách ngôn của thánh hiền Âu, Á, Mỹ, dịch làm quốc văn, trước biên chữ nho, sau biên chữ quốc ngữ, lại biên chữ một ở dưới, rồi mới dịch hết đại ý để cho người ta ai cũng hiểu được” (lời Tựa của Lương Văn Can). Mỗi cách ngôn có thể chỉ một câu, nhưng cũng có thể là một đoạn văn dài. Hai chủ đề chính yếu của tác phẩm này là giáo dục đạo đức làm người, và giáo dục đạo đức kinh doanh.
Trong chủ đề giáo dục đạo đức làm người, Lương Văn Can cung cấp những cách ngôn chỉ dẫn các phép tắc ứng xử với bản thân, các phép tắc ứng xử với tha nhân, và các phép tắc giáo dục gia đình. Điều đáng chú ý là những nội dung giáo dục đạo đức làm người này hầu như đều không có dấu vết của những tư tưởng giáo dục “đạo” và “đức” của Nho giáo ngày xưa. Đa số những lời khuyên về đạo đức làm người đều có liên quan đến đạo đức kinh doanh, với chữ “kinh doanh” hiểu theo nghĩa rộng.
Quả vậy, trong cuốn sách, giáo dục đạo đức kinh doanh là chủ đề được Lương Văn Can chú trọng. Những lời khuyên về đạo đức làm người của cụ đều liên thông và là bước khởi đầu của việc giáo dục đạo đức kinh doanh. Trong chủ đề này, Lương Văn Can đã đưa ra những lời khuyên sâu sắc cho những người kinh doanh không có lương tri và lương tâm, quen dùng thủ đoạn gian xảo, lọc lừa, lợi mình hại người, gây tiếng xấu cho cả giới doanh nhân.
Theo cụ, cho dù thương trường luôn có những kẻ gian tham, người kinh doanh cần phải có “bình tâm công đạo” 平心公道. Tức là cái “tâm” của người kinh doanh phải cái là tâm “bình” 平: công bằng, công chính, không thiên lệch. Và cái “đạo” của người kinh doanh phải là cái đạo “công” 公: công bằng, không nghiêng về một bên, không tư túi. “Tâm đạo công bình” như vậy là nền tảng bền vững của kinh doanh. Vì có tâm đạo công bình thì nguồn tiền của người kinh doanh mới trong sạch. Và nguồn tiền của người kinh doanh có trong sạch thì việc quản trị dòng tiền mới hanh thông. Những lời khuyên này rất có ích cho những người muốn bước vào lĩnh vực kinh doanh.
Còn Thương học phương châm là một cuốn sách mỏng, dài 42 trang, chia thành 18 đề mục, giới thiệu những tri thức sơ giản về kinh doanh, thương mại: Tư bản; Tổ chức sự buôn; Tính toán; Sổ sách; Thơ từ; Mua hàng; Thương hiệu (đương thời hiểu là tên cửa hiệu, tên công ty); Thương tiêu (từ dùng đương thời để chỉ biển hiệu, nhãn hiệu, logo); Thương địa (từ dùng đương thời để chỉ mặt bằng kinh doanh); Thương điếm (từ dùng đương thời để chỉ địa điểm kinh doanh); Bầy hàng; Bán hàng; Quảng cáo; Giao tế tiếp dẫn (từ dùng đương thời để chỉ giao tế, tiếp tân); Điều lệ nhà băng; Thiếp hiện (từ dùng đương thời để chỉ trái phiếu); Hối đoái; Sự buôn bán nước ta.
Trong số đó, Lương Văn Can đã dụng công nhiều nhất cho hai đề mục là “Giao tế tiếp dẫn” và “Sự buôn bán nước ta”. Trong mục “Giao tế tiếp dẫn”, Lương Văn Can đã dành đến 15 trang để cung cấp những tri thức, kỹ năng và cả nghệ thuật về giao tế, tiếp tân, đối đãi, mà người kinh doanh cần biết và vận dụng. Đó là những tri thức, kỹ năng và nghệ thuật về giao tiếp, đối đãi với khách mua hàng, với đồng nghiệp, với đối tác làm ăn, và với nhân công. Và không phải chỉ “đâm ngang” học hỏi về giao tế, tiếp tân, mà người kinh doanh còn phải học được một nghề, kinh doanh phải có nghề. Và trong khi kinh doanh, phải tiếp tục học hỏi, cầu tiến để có kỹ năng giao tiếp tốt, lại phải tạo được lòng tín nhiệm nơi người khác.
Trong mục “Sự buôn bán nước ta”, Lương Văn Can đã dành 6 trang để dẫn lại một bài đăng trên Thực Nghiệp Dân Báo số ra ngày mùng 2 tháng 2 năm Bính Dần (15/3/1926), chỉ ra 10 nguyên nhân khiến cho nghề thương mãi của người Việt đương thời chưa mở mang phát đạt.
Tiếp theo, cụ nhấn mạnh vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế đất nước, và về hướng khắc phục tình trạng thương mại yếu kém ở nước ta. Theo cụ: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ buôn bán càng thịnh đạt”, và “các đại-quốc do thông thương mà làm được phú-cường, các nhà đại tư-bản do kinh thương mà phú gia địch quốc”. Trong khi đó, ở nước ta nghề buôn bán vẫn chưa được mở mang mà nguyên nhân là vì nước ta chưa có thương phẩm, thương hội, thương học, và người nước ta ít có chí làm “thực nghiệp”, lại thiếu những đức tính và năng lực cần thiết để có thể tiến xa trên “trường thương chiến”. Để khắc phục tình trạng đó, mọi người cần chú trọng đến “thực nghiệp”, đồng thời phải “chấn hưng thương nghiệp”, và lưu tâm nghiên cứu “thương học” (khoa học về thương mại). Vì “thương học” bao gồm đủ cả “thương đức” (đạo đức kinh doanh), “thương tài” (tài trí kinh doanh). Như vậy thì mới có thể phát triển nghề buôn. Và nghề buôn phát triển thì sẽ góp phần làm cho dân giàu nước mạnh.
Từ hai tác phẩm trên, có thể đúc kết phần nhận thức trong tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can như sau: người theo đuổi nghề nghiệp kinh doanh cần nhận thức được tầm quan trọng của kinh doanh trong điều kiện dân nghèo nước yếu và tầm quan trọng của tri thức kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh, để biết quý trọng nghề nghiệp, quý trọng tri thức kinh doanh. Về phần hành động, lời khuyên của Lương Văn Can là người kinh doanh cần nỗ lực học hỏi kiến thức kinh doanh, giữ gìn đạo đức kinh doanh và lấy sự thành công trong kinh doanh để giúp ích cho xã hội. Riêng về đạo đức kinh doanh, có thể đúc kết quan niệm của Lương Văn Can như sau: “Đạo” của người kinh doanh bao gồm 6 nguyên tắc phải theo: thành thực, công bình, khoan hậu, trọng nghề nghiệp, trọng danh dự, trọng chữ tín. “Đức” của người kinh doanh bao gồm sáu đức tính cần gìn giữ: lương thiện, chuyên cần, tiết kiệm, kiên tâm, nghị lực, quý thì giờ.
Chung quy, người kinh doanh cần có cả đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh và tri thức kinh doanh. Trong đó, đạo đức làm người là nền tảng của đạo đức kinh doanh. Đạo đức kinh doanh bao gồm nhiều nội dung, nhưng quan trọng nhất là người kinh doanh phải có cái “tâm” trung thực và cái “đạo” công bằng. Tri thức kinh doanh bao gồm nhận thức về tầm quan trọng của thực nghiệp, và các tri thức khoa học về kinh doanh, thương mại, về đạo đức kinh doanh và tài trí kinh doanh.
Đó có thể xem là những tư tưởng kinh doanh có tính “vượt thời gian” của Lương Văn Can, rất hữu ích cho các thế hệ hôm nay. Bởi vì, theo thời gian, những tri thức cụ thể sẽ biến đổi, nhưng những lời khuyên về đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh, và lý tưởng phụng sự xã hội của cụ vẫn có thể giúp cho các thế hệ ngày nay học làm người, học làm giàu trong tâm thế đồng hành cùng xã hội.
Trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào thời kỳ hội nhập, “đạo làm người” và “đạo làm giàu” trong tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can là những di sản có giá trị soi đường cho cả những người muốn học kinh doanh, những người khởi nghiệp kinh doanh. và các doanh nhân.