Cần hành lang pháp lý để cán bộ dám đột phá, đẩy lùi sự trì trệ

Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 24/06/2023

Cán bộ là gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”. Chính sách có được thực thi hiệu quả hay không, công việc từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất là Trung ương có được vận hành tốt hay không, đều phụ thuộc vào năng lực, trách nhiệm của người cán bộ.
Cần hành lang pháp lý để cán bộ dám đột phá, đẩy lùi sự trì trệ

Thời gian qua, trong các cuộc làm việc, các bộ ngành, địa phương đều nhìn thẳng vào sự thật rằng có một bộ phận cán bộ e dè, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. 

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 4/2023, lãnh đạo TP.HCM đã nêu ra tình trạng một bộ phận cán bộ đang có sự e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc, thậm chí có tình trạng “co cụm, cầu an và thận trọng quá mức”.

Từ trước tới nay, TP.HCM luôn là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách, đòi hỏi tinh thần đột phá. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ thành phố phải luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa thành phố dần trở thành “đầu tàu” kinh tế quan trọng của cả nước. Dám nghĩ, dám làm đã trở thành truyền thống của đội ngũ cán bộ thành phố trong nhiều thời kỳ. Một địa phương năng động, sáng tạo, luôn đi đầu với tinh thần dám nghĩ, dám làm nhưng nay đã chững lại. 

Một biểu hiện cụ thể cho tình trạng này là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm 2023 tại TP.HCM rất thấp. Đây cũng là vấn đề của nhiều địa phương khác, không chỉ TP.HCM. 

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đa số các chuyên gia cho rằng có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, an phận trong quá trình thực thi công vụ. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, hồ sơ của họ bị ngâm trên bàn của các sở, ngành quá lâu mà không được giải quyết. Nguyên tắc làm việc của một bộ phận cán bộ này là “không nói; không tham mưu, đề xuất”. 

Nhiều cán bộ cũng có suy nghĩ “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều” nên tốt nhất là không làm; thậm chí có người còn có tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Cạnh đó, sự quá tải công việc, hệ thống chính sách chồng chéo, không đồng bộ; tiền lương, môi trường làm việc chưa đáp ứng... khiến một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý lo ngại, e dè khi thực thi công vụ. 

Việc... nhiều như núi

Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM có hơn 125.000 dân, được xem là một trong những phường đông dân nhất ở TP.HCM nhưng chỉ có 36 biên chế, gồm 22 cán bộ công chức và 14 cán bộ không chuyên trách. Trung bình mỗi công chức phường phục vụ cho gần 3.500 dân. 

Nhiều công chức tại phường này “ôm” một lượng công việc mà họ gọi là “như cái núi”. Một cán bộ không chuyên trách đảm nhận khoảng 30 đầu công việc, cán bộ phụ trách thủ quỹ - văn thư - lưu trữ phải giải quyết 35 đầu việc….

Đơn cử, chị Trần Kim Hoàng - cán bộ phụ trách kinh tế của phường Bình Hưng Hòa A hiện phụ trách 64 đầu việc. Có thời điểm tổng số hồ sơ, công việc mà phường đã giải quyết là hơn 45.000 hồ sơ các loại. Tính bình quân, mỗi cán bộ, công chức phường giải quyết 1.285 hồ sơ/năm; hơn 183 hồ sơ/tháng.

Lãnh đạo phường Bình Hưng Hòa A nhiều lần bộc bạch, cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách phường đã quá tải. Công tác quản lý, điều hành bị hạn chế, thiếu tính chủ động trong giải quyết các sự việc phát sinh, quản lý địa bàn gặp rất nhiều áp lực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, nơi có số dân đông nhất thành phố Thủ Đức (TP.HCM) với hơn 100.000 dân cho biết, năm 2022, có thời điểm phường tiếp nhận 32.345 hồ sơ theo yêu cầu của người dân (mỗi cán bộ giải quyết 420 hồ sơ/tháng) và tiếp nhận 32.046 hồ sơ thủ tục hành chính khác (mỗi cán bộ giải quyết 416 hồ sơ/tháng).

Về biên chế, phường được giao 37 người nhưng thực tế chỉ có 34 người. Để giải quyết công việc, các cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của phường phải làm thêm giờ, kể cả thứ bảy, Chủ nhật. Ông Tuấn từng chia sẻ rằng, đời sống gia đình của cán bộ, công chức phường bị ảnh hưởng vì phải dành hầu hết thời gian cho công việc. 

-2500-1687545550.jpg

Ở một khía cạnh nữa là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua từ Trung ương đến địa phương được thực hiện rất mạnh mẽ, ai sai phạm cũng bị xử lý, không có vùng cấm, cũng không còn tình trạng “hạ cánh an toàn”. 

Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý cả những người đứng đầu như một lời nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công chức cần giữ được cái tâm trong sáng, tinh thần trách nhiệm, hết mình vì người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung của đất nước. 

Nhưng chính điều này cũng tạo ra tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, không dám làm, cầu an hoặc thận trọng quá mức trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức; nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Họ chấp nhận làm việc cầm chừng, làm tàn tàn, không đề xuất, tham mưu cho cấp trên, không chủ động để có những sáng kiến mới trong công việc để tránh sai phạm. Lâu dần, bộ máy công quyền trở nên trì trệ, ì ạch trong khi người dân, doanh nghiệp thì xếp hàng đứng chờ bên ngoài bộ phận tiếp nhận - trả kết quả thủ tục hành chính. 

Cùng quan điểm trên, ThS. Trịnh Xuân Thắng - Học viện Chính trị khu vực IV nêu ý kiến tại một hội thảo về thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt trội cho TP.HCM được tổ chức hồi tháng 5/2023 vừa qua rằng, trong tổ chức hoạt động của chính quyền TP.HCM vẫn còn một số bất cập, tính năng động, sáng tạo chưa được đáp ứng đầy đủ. Ông phân tích, từ nhiệm kỳ 2021-2026, TP.HCM không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận và cấp phường. Chủ tịch UBND TP.HCM đã ủy quyền 85 đầu việc cho các sở, ngành, UBND quận, huyện và thủ trưởng các đơn vị…

Việc ủy quyền đã giúp cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện chủ động trong công tác thực hiện nhiệm vụ được giao, phát huy được vai trò người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức và viên chức trong thực thi nhiệm vụ. 

Ông Thắng cho rằng, điểm chưa được là dù đã có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng quy trình ra quyết định vẫn không thay đổi. Cụ thể, dù có Nghị quyết 54/2017/QH14 nhưng TP.HCM muốn thu phí cảng biển, phí ô tô vào khu vực trung tâm thì phải lập đề án trình nhiều bộ, ngành liên quan. Chính sự lòng vòng, gõ cửa hỏi xin ý kiến nhiều nơi khiến TP.HCM mất đi cơ hội, phát sinh thêm những hệ quả không lường được ở nhiều dự án…

Làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, cán bộ cần tránh hai khuynh hướng. Một là tránh tình trạng sợ trách nhiệm không dám làm. Hai là không để tiêu cực, tham nhũng xảy ra. 

Quan trọng hơn, Thủ tướng cho rằng cần tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đồng thời, xử lý quyết liệt những tồn đọng liên quan đến công tác cán bộ, soát xét lại năng lực cán bộ cho phù hợp, ngăn ngừa những hành vi sai phạm mới.

Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. 

Trong công điện ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt, không chỉ khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám tư duy mới, dám làm, mà còn sẵn sàng xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể nếu đơn vị còn tiếp tục để xảy ra những nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định thời gian vừa qua, TP.HCM đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật cán bộ. Thành ủy TP.HCM cũng tổ chức các đoàn của thường vụ đi kiểm tra, uốn nắn, giám sát liên ngành để đôn đốc, gỡ ngay khi các đơn vị đuối sức, quá tải nhằm tạo sự chuyển biến nhanh nhất có thể.

Đứng trước những thách thức với nhiều biến số cả trong nước và thế giới, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định tinh thần của TP.HCM là phải vừa thích ứng linh hoạt vừa kiến tạo với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Nhưng để thật sự bảo vệ được đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, rất cần Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa cụ thể; rất cần hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đã khẳng định, TP.HCM sẽ đi tiên phong, thí điểm thực hiện quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cán bộ nào thiếu trách nhiệm, chậm trễ, tránh né, sợ sai, không dám làm, cầu an… cần có biện pháp xử lý, sẽ thay đổi cầu thủ, thậm chí thay đổi huấn luyện viên yếu kém. 

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẵn sàng chịu trách nhiệm để cán bộ cấp dưới làm nhưng phải vì lợi ích chung chứ không chấp nhận vụ lợi cá nhân.

Muốn tạo sự chuyển động tích cực cho hệ thống công quyền, rất cần những người có bản lĩnh, dám nghĩ khác, dám đột phá; nhất là trong thời điểm Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31, Nghị quyết 24. Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về việc thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội cho sự phát triển của TP.HCM. 

Để tận dụng tốt những cơ hội này, TP.HCM rất cần một đội ngũ cán bộ, công chức xứng tầm với các nhiệm vụ, trọng trách được giao. Ngoài các giải pháp khơi thông về cơ chế, chính sách, cần nghiên cứu sâu hơn về động lực thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong mỗi cán bộ. 

TP.HCM đã sớm nhận diện được vấn đề và chọn chủ đề năm 2023 của TP.HCM là "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội". Trong đó, trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. 

-1863-1687527772.jpg

TP.HCM hướng đến nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị… Đặc biệt, trong điều kiện TP.HCM xây dựng chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đôi với công tác khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức làm đúng, dám nghĩ, dám làm…

Được biết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu Sở Nội vụ TP.HCM phải tập trung nghiên cứu triển khai đề án xây dựng nền công vụ thành phố ưu tú, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên làm sao để đội ngũ này phải tự hào là cán bộ của thành phố, là người trực tiếp đóng góp, cống hiến cho TP.HCM. 

Đề án này cần quan tâm chính sách đào tạo, nhà ở, thu nhập để động viên các nhân tài. “Nếu không có đội ngũ đầy đủ tâm thế, quyết tâm thì dù chúng ta có đưa ra nghị quyết tốt cỡ nào cũng không thực hiện được”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói và nhìn nhận muốn xây dựng đội ngũ cán bộ TP.HCM ưu tú thì trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ của Sở Nội vụ ưu tú.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị Sở Nội vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả trong thanh tra công vụ, phải chỉ ra cho được những sở ngành, địa phương cần củng cố.

Thanh Nguyễn