Nghị quyết mới sẽ tạo đà và động lực cho TP.HCM phát triển

Trong nước - Ngày đăng : 00:36, 22/06/2023

Sáng 22/6/2023, Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM trên các lĩnh vực".
Nghị quyết mới sẽ tạo đà và động lực cho TP.HCM phát triển

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM chuẩn bị tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ vào cuối tháng 7/2023. Vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá chính xác, khách quan toàn diện quá trình tổ chức thực hiện; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá cũng như những đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.

Theo Phó bí thư Nguyễn Hồ Hải, Quốc hội đang xem xét thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và thành phố phấn khởi đón nhận và xác định nghị quyết mới sẽ tạo nên những thuận lợi, tạo đà và động lực cho thành phố phát triển.

Thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nhận thức được vai trò quan trọng trong việc góp phần triển khai thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động số 09-CtrHĐ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhìn chung, chương trình hành động đã đề ra mục tiêu và 11 giải pháp trọng tâm, được kết hợp với việc triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch của TP.HCM. Hầu hết giải pháp trọng tâm đều được cụ thể hóa triển khai, gắn với 3 đột phá chiến lược của cả nước và 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm của thành phố.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, GRDP của TP.HCM tăng bình quân khoảng 2%. Trong đó, giai đoạn 2021-2022, kinh tế thành phố chịu cú sốc lớn từ đại dịch CovidD-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và ảnh hưởng nặng nề mọi mặt kinh tế - xã hội, bình quân GRDP thành phố chỉ tăng 1,58%. 

-8377-1687437000.jpg

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo

6 tháng đầu năm 2023, dưới tác động bất ổn kinh tế và chính trị thế giới, GRDP của TP.HCM ước chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, thành phố vẫn luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là 1,3 triệu tỷ đồng, đạt 109,18% so với dự toán và tăng 29,68% so với giai đoạn 2016-2018.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, dự kiến từ nay đến năm 2025, TP.HCM tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững: tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.HCM; tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của thành phố; phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước; xây dựng thành phố thông minh, xã hội số; xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, phát huy đặc trưng của con người thành phố; chăm lo người có công, hỗ trợ người nghèo, bảo vệ người lao động.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, TP.HCM thực hiện nhiệm vụ đổi mới quản lý thành phố. Cụ thể là triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM; đẩy mạnh cải cách hành chính.

TP.HCM phải là trung tâm phát triển vùng

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh đến các giải pháp để TP.HCM thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM. Trong đó cần chính sách cơ chế liên ngành, liên vùng và thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực đầu tư; đồng thời phát triển kinh tế số, kinh tế xanh…

TS. Trần Du Lịch nhận định, kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có nhiều điểm sáng hơn là điểm tối. Đây là nền tảng để thành phố thực hiện triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM. Phân tích cụ thể trong tình hình hiện nay, TS. Trần Du lịch nhấn mạnh, với vai trò hạt nhân của vùng Đông Nam bộ và vùng đô thị TP.HCM, cần định hình cơ cấu kinh tế TP.HCM trên phạm vi vùng và xây dựng thể chế kinh tế vùng theo tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022.

Cơ cấu kinh tế vùng chỉ có thể hình thành khi có cơ chế thực hiện 4 nội dung liên kết. Đó là quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung của vùng, nhất là giao thông; liên kết giải quyết vấn đề môi trường chung và bảo vệ môi trường; liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung…

Đề xuất các giải pháp cho sự phát triển của TP.HCM thời gian tới, TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, đầu tư văn hóa con người TP.HCM phải là đầu tư lâu dài, phục vụ phát triển bền vững không chỉ cho thành phố mà cho cả vùng. Cần chính sách cơ chế liên ngành, liên vùng. Đồng thời thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư kinh doanh thông qua hợp tác công - tư. Tận dụng xu hướng phát triển mới của thế giới như kinh tế số, kinh tế xanh…

Nhiều ý kiến khác tại hội thảo về cơ bản đều cho rằng, TP.HCM cũng như các địa phương cần đổi mới sáng tạo xây dựng nhân lực chất lượng cao; quyết liệt ứng dụng khoa học công nghệ trong đổi mới; xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Một trong những giải pháp quan trọng là cần tiếp đổi mới cơ chế quản lý giúp các địa phương thu hút, khơi thông được các nguồn lực để phát triển.

Hoa Thiếu Ka