Những mẩu chuyện kể về phong cách Hồ Chí Minh: “Chăm bón” tâm hồn, nhân cách, nhân sinh quan cho mọi người
Sách hay - Ngày đăng : 08:00, 18/06/2023
Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là để mỗi người chúng ta tốt hơn, trong sáng hơn… nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng học Bác là học suốt đời, học hằng ngày. Vì thế, Những mẩu chuyện kể về phong cách Hồ Chí Minh, với độ dầy 235 trang viết do NXB Chính trị quốc gia Sự thật, thông qua những mẩu chuyện kể rất đời thường về Bác của nhiều tác giả giúp mỗi người chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những điều mà Tổng bí thư nói.
Đọc xong cuốn sách Những mẩu chuyện kể về phong cách Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta thấy tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, từ tư duy, cách làm việc, cách diễn đạt, cách ứng xử, cách sinh hoạt... tất cả tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Qua mỗi câu chuyện kể, đều thể hiện phong cách giản dị, gần gủi nhưng thực tế của Bác. Lối sống, tác phong quần chúng của Bác là chuẩn mực nhân cách cách mạng nhưng không xa vời với mỗi con người bình thường mà ai cũng có thể soi rọi, noi theo. Phong cách làm việc của Bác, không hề tránh né những sự việc tiêu cực, “nhạy cảm”, bưng bít sự thật, bao biện cho nhau. Và cũng có thể thấy, phong cách làm việc của Bác - không chấp nhận sự lười biếng, luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn…
Bìa sách Những mẩu chuyện kể về phong cách Hồ Chí Minh |
Những mẩu chuyện kể về phong cách Hồ Chí Minh với 45 câu chuyện kể về Bác, và được chia ra làm 5 phần: Một, Những mẩu chuyện về phong cách tư duy của Hồ Chí Minh; Hai, Những mẩu chuyện về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh; Ba, Những mẩu chuyện về phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh; Bốn, Những mẩu chuyện về phong ứng xử đạt của Hồ Chí Minh; Năm, Những mẩu chuyện về phong cách sống của Hồ Chí Minh.
Va khi đọc xong Những mẩu chuyện kể về phong cách Hồ Chí Minh, mọi người sẽ đúc rút ra cho mình những bài học quý báu để ứng dụng nếp nghĩ, lối sống, văn hóa ứng xử. Đó là tinh thần không ngừng học tập và lao động sáng tạo, biết quý trọng công sức, tài sản tập thể. Đó còn là việc chống lại chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chỉ biết vun vén cho riêng bản thân mình. Đó còn là sự chân thành, khiêm tốn với bạn bè, đồng nghiệp, không chạy theo thành tích, không vì lợi ích cá nhân mà bao che khuyết điểm; phê bình cốt là để tiến bộ, chứ không hạ bề nhau, “đạp đổ” nhau.
Người đọc được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực, như: cần vượt qua chính mình, vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người đọc sẽ vững chắc niềm tin tất thắng, có một bộ óc sáng suốt, một cơ thể khỏe mạnh để chiến đấu, học tập, lao động, bởi không có cái gì dễ mà cũng không có cái gì khó, vì “Gạo đem vào giã bao đau đớn / Gạo giã xong rồi trắng tựa bông / Sống ở trên đời người cũng vậy / Gian nan rèn luyện mới thành công” - (Hồ Chí Minh - Nhật ký trong tù).
Cán bộ, nhân viên Tòa soạn Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn hào hứng tham gia cuộc thi giới thiệu sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 24/3 - chào mừng Đại hội Công đoàn cơ sở của tạp chí |
Bác chỉ ra rằng, một người dù có tài giỏi đến đâu, cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề, không thể biết hết được mọi việc. Học Bác là học cách làm việc tập thể để phát huy trí tuệ của tập thể, nhằm hoàn thành niệm vụ của một tập thể.
Bác Hồ - cũng chính là người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, và là một nhà báo lớn. Khoảng 50 năm cầm bút, Bác là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện, ký. Bác đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo. Mỗi con chữ, mỗi bài viết của Bác là một lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng Cộng sản và con đường giải phóng dân tộc.
Học Bác làm báo là học làm cách mạng. Học Bác làm báo là học làm nghề báo chuyên nghiệp. Và người đọc, đặc biệt với những người làm báo, cơ quan báo chí cần có những tiêu chí: Thứ nhất, người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc; Thứ hai, người làm báo phải có kiến thức, am hiểu sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội; Thứ ba, báo chí phải thông tin chân thật, khách quan; Thứ tư, báo chí sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu; Thứ năm, cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm báo chí.
Anh Nguyễn Nhật Hưng - Phòng Truyền thông - Dự án say mê trình bày phần dự thi của đội mình |
Với Bác, người viết - người làm báo phải có trách nhiệm đừng để tiếng mẹ đẻ mai một. Ngay cả việc dùng tấm ảnh mình họa cho một bài viết cũng phải chú trọng nội dung, không nên dễ dãi…
Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng học Bác là học suốt đời, học hằng ngày vì mỗi việc làm của Bác là một bài học mang ý nghĩa thực tế, gần gủi và giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Nó xuất phát từ tư tưởng của bậc vĩ nhân, từ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà ông cha ta bao đời xây dựng, bảo tồn và phát triển. Học ở Bác để “làm việc, làm người, rồi mới làm cán bộ”.
Vẫn còn biết bao câu chuyện cảm động về tấm gương tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác, chắc chắn Những mẩu chuyện kể về phong cách Hồ Chí Minh chưa thống kể hết, hoặc trong khuôn khổ số lượng trang viết nhất định, chủ đề nhất định. Mỗi người suốt đời học tập và làm theo gương Bác để không ngừng tiến bộ, tránh được những khuyết điểm, sai lầm dù là nhỏ nhất.