Mỹ đứng đầu thế giới về số lượng công cụ AI
Quốc tế - Ngày đăng : 02:14, 19/06/2023
Canada là quốc gia có nhiều công cụ AI phổ biến thứ hai, nhưng cũng chỉ chiếm 6,6% số thiết bị AI được phân tích trong báo cáo.
Đứng đầu cuộc chơi ở châu Âu là Pháp, Đức và Vương quốc Anh, những quốc gia có số lượng công cụ tương tự (4,4%) trong danh sách AI, theo báo cáo được tổng hợp bởi doanh nghiệp phần mềm Tipalti.
Các công cụ AI nổi bật nhất được phát triển ở châu Âu bao gồm Cleanup.pictures và It’s Alive, có nguồn gốc từ Pháp, UserLike được phát triển ở Đức và EBI.AI và Flick được tạo ra ở Anh. Những thành viên mới nổi khác trong cuộc chơi AI đến từ châu Âu bao gồm Đan Mạch với Zendesk và Ba Lan, nơi khai sinh ra LiveChat. Cả hai đều có văn phòng tại Mỹ.
Ngoài ra còn có các công cụ AI được liệt kê từ các quốc gia như Nhật Bản, Hồng Kông, Brazil và Pakistan.
Một báo cáo của ngân hàng đầu tư châu Âu 2021 cho thấy EU chỉ đầu tư 7% vào AI và chuỗi khối (blockchain), trong khi Mỹ và Trung Quốc chiếm 80%. Ủy ban châu Âu cho biết họ có kế hoạch đầu tư 1 tỷ euro mỗi năm vào AI.
Theo một nghiên cứu từ công ty kiểm toán toàn cầu KPMG thì Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi là những quốc gia có hơn một nửa dân số bày tỏ sự tin tưởng và chấp nhận mạnh mẽ các công nghệ AI.
Quốc gia có sự tin tưởng cao nhất về AI là Ấn Độ, với tỷ lệ chấp nhận chung là 75%. Hơn nữa, nghiên cứu tiết lộ rằng các quốc gia mới nổi cũng có mức độ tương tác cao với AI. Trung Quốc là quốc gia có nhiều người sử dụng AI tại nơi làm việc nhất với tỷ lệ 75%, tiếp theo là Ấn Độ với 66% và Brazil với 50%.
Mặt khác, công dân của các nước phát triển tỏ ra hoài nghi hơn. Nhật Bản và Phần Lan đứng cuối danh sách, với 23% tin tưởng vào các hệ thống AI. 40% người Mỹ tin tưởng vào trí tuệ nhân tạo - nhưng chỉ 24% sẵn sàng sử dụng nó.
Nghiên cứu - được thực hiện với sự cộng tác của Đại học Queensland ở Úc - liên quan đến một cuộc khảo sát với hơn 17.000 người từ 17 quốc gia, bao gồm cả khối BRICS: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Phản hồi cũng được thu thập từ Mỹ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia châu Âu, Bắc Âu và châu Á khác nhau.
Cuộc khảo sát bao gồm các câu hỏi liên quan đến việc sử dụng và chấp nhận AI trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, chẳng hạn như y học, tài chính và nguồn nhân lực, cũng như trong một số hoạt động hằng ngày.