Ngon ngọt bún riêu chay

Sống khỏe - Ngày đăng : 01:00, 18/06/2023

Một ngày nắng, viếng thăm ngôi cổ tự trong chuyến hành hương, tôi được mời một tô bún riêu chay. Hương vị thanh đạm của món ăn khiến tôi không khỏi nhớ quê nhà...

Bà ngoại tôi là một Phật tử, chắc vì mối duyên lành của nhà Phật đã dạy tôi học cách sống an tĩnh với những món chay thanh đạm. Những món ăn từ rau củ quả luôn thanh lọc, nâng đỡ tâm hồn tôi trong bộn bề cuộc sống.

Ngày còn nhỏ, tôi thường theo chân bà đến ngôi chùa gần nhà để làm công quả. Bao giờ cũng thế, tôi ngẩn ngơ trước không gian yên ả của ngôi chùa trầm tịch, tọa lạc trên khoảng đất khá rộng. Vào ban ngày, chim hót líu lo, hoa khoe sắc muôn màu. Đêm về, những đóa lan rừng phảng phất hương thơm. 

-9491-1686295740.jpg

Lần đầu tiên tôi được thưởng thức món bún riêu chay tại chùa là vào ngày lễ Vu Lan báo hiếu. 

Những ngày lễ lớn, món bún chay được bà tôi nấu tại nhà hoặc khu bếp sau vườn nhà chùa để dâng kính các sư thầy về dự trai tăng, hoặc cho Phật tử thập phương thọ chay khi về chùa dâng hương niệm Phật. Đứa trẻ khi ấy là tôi thường theo chân bà đến chốn thiền môn nên cũng học được cách nấu các món chay vừa lạ vừa ngon, thấm đượm ân tình với mẹ thiên nhiên. 

Từng rổ cà chua đỏ au được bà tôi cắt thành hạt lựu rồi xào lẫn dầu điều vàng ruộm, rất bắt mắt. Bà tôi thường giữ lại một phần cà chua xào sau cùng để múi cà vẫn vẹn nguyên. Trong lúc bà phi hành thơm phưng phức, tôi nhẹ nhàng bỏ măng chua xé nhỏ từng sợi, những nụ nấm rơm tròn xinh bổ đôi, nấm đùi gà thái nhỏ xào chung với dứa chín vàng ngọt ngọt chua chua. Tất cả được bà tôi nêm gia vị vừa ăn cho vào hòa chung với nồi nước dùng. 

Sữa đậu nành sóng sánh được các sư thầy chuẩn bị sẵn bắc lên bếp rồi khuấy nhẹ, mùi đậu non dịu dàng lan tỏa. Bà tôi khéo léo hòa nước me chua pha thêm chút muối rưới lên mặt nồi đậu nành đang sôi lục bục để nước dùng có lớp riêu đặc mịn. Bà nhẹ nhàng cho thêm nước dừa khô vào nồi nước riêu để riêu không bị tan ra. Thêm chút đường vàng, nước dùng sẽ tròn vị. Bà dạy, đó là những nguyên liệu không thể thiếu để nấu món bún riêu chay.

Kể từ đó, nhờ học theo bà, tôi “bén duyên” với những món chay thanh đạm, giác ngộ được lợi ích của việc ăn chay để bảo vệ sức khỏe, để tránh sát sinh, để bồi đắp phước đức, trợ duyên nuôi dưỡng và mở rộng lòng từ ái. 

Sau khi chuẩn bị các món ăn chay, bà cháu tôi lên chính điện ngồi an tĩnh nghe sư thầy giảng kinh. Thi thoảng, dõi mắt ra xa, rặng liễu thướt tha đung đưa theo gió, đàn bướm thơ thẩn dạo vườn hoa. Sư thầy thường dạy chúng tôi về quy y tam bảo, luôn tinh tấn trau dồi giới, định huệ, thanh lọc thân tâm. Giọng thầy trầm ấm, nhẹ nhàng. 

Sau những phút giây an tĩnh với đạo, bà cháu tôi cùng các Phật tử quay về gian bếp ngan ngát hương trầm. Tôi khẽ khàng nhìn bà và các cô phụ bếp mặc đồ lam, tận tâm phục vụ người lễ chùa. Lần lượt, các loại rau sống ăn kèm với bún riêu được bà và các cô bày ra đĩa, nào là rau xà lách giòn thái nhỏ xanh non, bắp chuối nâu hồng xen lẫn bắp cải trắng nõn bào thành sợi, kinh giới, tía tô tỏa hương nhè nhẹ. Ăn tô bún riêu chay mà cảm giác như được thưởng thức tinh hoa ẩm thực, mới biết người nấu món ăn chay phải công phu tỉ mỉ kết hợp các loại thực phẩm và nêm nếm hài hòa các loại gia vị mới tạo ra tô bún riêu ngọt ngào khó quên. Món chay nhẹ nhàng thuần túy đưa con người trở về bản nguyện nguyên thủy của chân thiện mỹ.

Món bún riêu chay trở thành món ăn quen thuộc trong gia đình tôi mỗi ngày rằm, mùng một. Nhiều năm xa quê nhưng mỗi khi có dịp hành hương, viếng thăm một ngôi chùa nào đó, tôi lại nao nao nhớ về ký ức được an tịnh thưởng thức món bún riêu chay thời còn bé thơ ở quê nhà... 

Xuân Trần