Nới lỏng chính sách tiền tệ: Doanh nghiệp sẽ "dễ thở" hơn
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 14/06/2023
Bước đi dài của lãi suất
Sau hai lần giảm lãi suất điều hành trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có lần thứ ba giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5. Theo đó, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng giảm thêm 0,5%, xuống 5%, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm thêm 0,5%, xuống tương ứng 5% và 5,5%.
Tổng thể sau ba lần giảm, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên đều đã được điều chỉnh giảm 1%, riêng lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng đã giảm 1,5%.
Sau quyết định của NHNN, hàng loạt nhà băng đã tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, không chỉ ở các kỳ hạn dưới 6 tháng về mức quy định hoặc thấp hơn, mà các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được điều chỉnh giảm khá mạnh. So với thời kỳ đỉnh cao 10-11%/năm vào cuối năm ngoái, hiện lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12-13 tháng phổ biến chỉ còn quanh 8 -8,5%/năm.
Với việc nhà điều hành tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ qua việc liên tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian gần đây, lượng cung tiền đồng cũng dồi dào hơn so với trước qua việc mua ngoại tệ gia tăng dự trữ ngoại hối, doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục "dễ thở" hơn so với giai đoạn cuối năm ngoái đầu năm nay.
Song song với việc giảm lãi suất tiền gửi, nhiều ngân hàng bắt đầu có động thái giảm lãi suất cơ sở ngay sau đó, khi chi phí vốn đầu vào đã từng bước giảm đáng kể sau các đợt hạ lãi suất liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay. Đây cũng là định hướng mà NHNN đặt ra khi thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ trở lại trong hơn hai tháng qua, nhằm tiến đến mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay.
Cần biết rằng, lãi suất cơ sở là mức lãi suất tham chiếu đầu vào để các ngân hàng xác định lãi suất cho vay đầu ra cùng với biên độ lãi suất cộng thêm. Đây là mức lãi suất cần thiết trong suốt quá trình ngân hàng cho vay vốn, khi lãi suất cơ sở điều chỉnh, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh khi đến kỳ tái đánh giá lãi suất cho vay theo hợp đồng ký kết. Và mức lãi suất này giảm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng, bởi lãi suất cho vay trực tiếp giảm.
Có thể kể đến Techcombank đã điều chỉnh lãi suất cơ sở tham chiếu cho khách hàng cá nhân đối với các khoản vay bất động sản, ô tô, tiêu dùng thế chấp từ kỳ hạn 1-5 năm là 8,8%/năm. Đối với các công trình xây dựng, lãi suất cơ sở được áp dụng tại ngân hàng này từ 8,65-9,25% theo kỳ hạn từ 1-5 năm. Hay như TPBank mới đây cũng điều chỉnh giảm mức lãi suất cơ sở thêm 0,2-0,5% áp dụng cho tất cả khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất.
Trước đó, Sacombank đã sớm điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở 0,4% so với hồi đầu năm, áp dụng từ kỳ hạn từ một tháng trở lên. Còn MSB giảm 0,5% lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân vay có tài sản đảm bảo, giảm 1% đối với các khoản vay không có tài sản đảm bảo, trong khi ABBank điều chỉnh giảm 1-1,5%/năm đối với cho vay ưu đãi ngắn hạn (mục đích vay vốn phục vụ bổ sung vốn lưu động sản xuất, kinh doanh), lãi suất cho vay từ 7,6%/năm và giảm 1-2%/năm đối với cho vay ưu đãi trung hạn, lãi suất cho vay giảm còn từ 11%/năm.
Vẫn còn dư địa
Điều quan trọng hơn là xu hướng này có thể chưa dừng lại, khi nhiều chuyên gia tài chính tin rằng vẫn còn dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới với mức giảm từ 0,5-1% trong quý III, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. GDP quý I vừa qua chứng kiến mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây bởi các điều kiện kinh doanh liên tục bị thu hẹp. Tại phiên họp Quốc hội sáng 1/6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, mọi cơ chế và chính sách cho vay vẫn giữ nguyên như 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ khoảng 3%, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, bên cạnh dư địa giảm lãi suất, dư địa tăng trưởng tín dụng trong năm nay vẫn còn rộng mở cho các ngân hàng, từ đó có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn vay khi các nhà băng bắt đầu tăng tốc phát triển tín dụng.
Song song với việc giảm lãi suất tiền gửi, nhiều ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cơ sở ngay sau đó, khi chi phí vốn đầu vào đã có những bước giảm đáng kể sau các đợt hạ lãi suất liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay. Đây cũng là định hướng mà NHNN đặt ra khi thực hiện những chính sách nới lỏng tiền tệ trở lại trong hơn hai tháng qua, nhằm tiến đến mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, số liệu cập nhật từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 5 vừa qua, tín dụng của nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Đi sâu vào các nhóm ngân hàng, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới đạt khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần thì mới đạt khoảng một nửa so với mức được giao.
Các gói tín dụng ưu đãi được kỳ vọng sẽ triển khai hiệu quả hơn để doanh nghiệp đủ khả năng tiếp cận. Thông tin từ Bộ Xây dựng đưa ra gần đây cho biết, đến thời điểm này đã có gần 100 công trình xây dựng nộp hồ sơ đề nghị vay vốn gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp NHNN, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan.
Ngày 5/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 17/2023/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Theo đó, mức cho vay tối đa với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn tăng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/người vay vốn. Hàng loạt chính sách trên sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.