Kinh tế xanh đang trở thành vấn đề cấp bách

Trong nước - Ngày đăng : 02:00, 14/06/2023

Đó là nhận định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại Diễn đàn Thương mại xanh - Cơ hội, thách thức và triển vọng phát triển của doanh nghiệp do Báo Sài Gòn Giải Phóng, Saigon Co.op và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 14/6/2023.
Kinh tế xanh đang trở thành vấn đề cấp bách

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cả về sản xuất, tiêu dùng, lối sống, nhịp sống con người… Trước đây, khi nói đến tiêu dùng xanh, người ta nghĩ đến việc làm sao cho tiêu dùng của chúng ta sạch, không xả thải, giảm xả thải. Bởi nguy cơ rác thải khó phân hủy gây nguy hại cho môi trường, là thảm họa tương lai. Nhưng bây giờ, nhận thức tiêu dùng xanh thực chất là một khâu trong quá trình sản xuất. Để có sản phẩm xanh, nhà sản xuất cần có nguyên liệu đầu vào phải sạch. 

Khái niệm xanh, đặc biệt tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế phát triển của thời đại ngày nay. Khi thế giới gần nhau hơn, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có hiệu lực thì những rào cản về mặt kỹ thuật ngày càng chặt chẽ. Các tiêu chí sản phẩm xanh được các nước đưa ra như một yêu cầu bắt buộc khi các nước muốn đưa hàng vào thị trường của họ. Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, tài chính xanh, nguồn nhân lực xanh… và tất cả những điều đó phải tạo nên một hệ sinh thái để phát triển tạo ra sự tăng trưởng xanh.

“Khái niệm tiêu dùng xanh chỉ là một khâu trong nền kinh tế xanh. Chúng ta phải phát triển để có một nền kinh tế xanh, một sự phát triển xanh trên cơ sở sản phẩm đầu ra phải là nguyên liệu đầu vào, trở thành một quy trình sản xuất khép kín. Và mọi yếu tố cấu thành một sản phẩm đều phải là những yếu tố có thể tái tạo được, những yếu tố thực sự không làm cản trở sự phát triển của xã hội, không làm ảnh hưởng đến môi trường”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

-9187-1686716001.jpg

Nhưng để có “sản xuất xanh” phải có nguyên liệu sạch, phải có năng lượng xanh - năng lượng tái tạo, phải có lao động xanh. Để xuất khẩu, đặc biệt là với các thị trường Mỹ và châu Âu, nếu không đạt được tiêu chí xanh, tiêu chuẩn xanh thì không thể xuất khẩu. Đây là vấn đề rất cấp bách hiện nay.

Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng xanh. Đến năm 2050, Việt Nam phải giảm phát thải bằng 0. Đây là thách thức rất lớn và chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề này. 

Và trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường thăm dò xem Việt Nam có năng lượng xanh, có năng lượng tái tạo cũng như có nguyên liệu xanh phục vụ cho nhu cầu sản xuất không. Tương tự, những doanh nghiệp đầu tư đã lâu tại TP.HCM cũng “trở bộ” đặt vấn đề rằng còn cách nào để sử dụng năng lượng tái tạo không? Nếu không đáp ứng được những yêu cầu trên, các nhà đầu tư cũ không thể mở rộng thêm và nhà đầu tư mới sẽ không đến nữa. Đặc biệt, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu, thu hút đầu tư nước ngoài sụt giảm và sản xuất hàng hóa không đưa ra thị trường được và không thể hội nhập sâu rộng. 

“Chúng tôi hy vọng diễn đàn sẽ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, xã hội. Không nhận thức được sẽ không thể vươn ra xa, không tạo ra được môi trường, động lực thúc đẩy sản xuất. Nhận thức càng cao thì nhà sản xuất mới có động lực đầu tư sản xuất. Từ những việc này giúp chúng ta hình thành nên cách thiết kế lại chính sách để cho nền kinh tế tăng trưởng xanh tồn tại và phát triển mạnh mẽ”, ông Hoan kỳ vọng. 

H.Ng