Đào tạo nhân lực logistics theo hướng đạt chuẩn quốc tế

Đào tạo - Ngày đăng : 03:04, 14/06/2023

Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại đang chủ động triển khai các hoạt động đào tạo ngành logistics với nội dung thiết thực, bám sát xu hướng thế giới trong lĩnh vực này và có tích hợp chứng chỉ quốc tế.
Đào tạo nhân lực logistics theo hướng đạt chuẩn quốc tế

Ông Trần Thanh Hải (áo trắng) trao tặng cuốn sách “Hỏi đáp về logistics” do chính ông biên soạn cho Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại

Chiều 14/6/2023, đoàn công tác của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã có buổi đến thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (COFER) tại TP.HCM.

Về phía đoàn công tác, có ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Chủ tịch danh dự VALOMA và PGS-TS. Hồ Thị Thu Hòa - Phó chủ tịch VALOMA.

Tại buổi làm việc, PGS-TS. Nguyễn Đức Minh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại đã báo cáo với đoàn công tác về một số hoạt động nổi bật trong việc đào tạo ngành logistics thời gian qua.

-7102-1686753281.jpg

Buổi làm việc giữa đoàn công tác của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) với Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (COFER) tại TP.HCM

Theo ông Minh, năm 2016, COFER tuyển sinh khóa đầu tiên cho ngành logistics. Qua 8 năm đào tạo, ngành này đã trở thành một trong những ngành đào tạo chủ lực của COFER với hàng  trăm sinh viên mỗi năm.

"Hơn 90% sinh viên ra trường đã có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp. Đặc biệt, khi tốt nghiệp, ngoài nhận bằng cử nhân thực hành của COFER, sinh viên còn nhận được chứng chỉ FIATA (FIATA Diploma in International Freight Management; có giá trị ở hơn 150 quốc gia thành viên) nhằm thêm cơ hội việc làm cho sinh viên", đại diện nhà trường cho biết. "Thông qua chương trình hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), COFER đã tích hợp giảng dạy chứng chỉ FIATA của Liên đoàn Các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế vào chương trình đào tạo".

Bên cạnh đó, COFER còn tự xây dựng website coferline.online giả lập hãng tàu để sinh viên thực hành các nghiệp vụ vận tải. Website được chương trình Aus4skill (là chương trình mà chính phủ Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực) đánh giá cao có tiềm năng chuyển giao cho các đơn vị đào tạo khác trên cả nước. Hơn nữa, nhà trường còn triển khai xây dựng kho thực hành tại chỗ, ứng dụng công nghệ tham quan cảng và kho bãi trên nền tảng công nghệ thực tế ảo, giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với thực tiễn của doanh nghiệp.

Hiện nay, COFER đang phát triển chương trình đào tạo ngành thu mua (e-procurement) để phục vụ nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực logistics, hứa hẹn trở thành ngành đào tạo thu hút nguồn nhân lực thời gian tới.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Hải đánh giá cao việc COFER đã chủ động đón đầu xu hướng về đào tạo logistics từ rất sớm, cũng như nhạy bén trong việc chuyển đổi mô hình đào tạo tiệm cận với thế giới thông qua việc tích hợp chứng chỉ quốc tế. 

Ông Hải nhấn mạnh, với vai trò là thành viên tích cực của VALOMA, đồng thời là một trường thuộc Bộ Công Thương thì COFER cần tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, đầu tàu trong đào tạo logistics trình độ cao đẳng thông qua việc tham gia sâu và rộng hơn nữa trong các hoạt động chuyên môn về logistics do Bộ Công Thương và VALOMA chủ trì, như tham gia đóng góp ý kiến cho chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2035, tham gia thành viên của các đơn vị chuyên môn của VALOMA.

"Qua đó, nhà trường sẽ có thêm cơ hội và điều kiện để cập nhật thông tin về sự xu hướng phát triển của ngành trong nước và thế giới. Đây là hoạt động thiết thực hỗ trợ cho nhà trường, đồng thời cũng là trách nhiệm đóng góp chung cho cộng đồng logistics của xã hội", Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, phía VALOMA cũng cam kết đồng hành và hỗ trợ phía COFER trong các hoạt động chuyên môn để nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng và giữ vững vị thế là lá cờ đầu trong khối các trường cao đẳng về đào tạo logistics.

Nguyên Thu