Châu Âu ra quy định mới về cấm nhập khẩu cà phê liên quan đến phá rừng

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 12/06/2023

Theo quy định, doanh nghiệp EU chỉ được phép lưu thông trên thị trường các sản phẩm không sản xuất trên đất phá rừng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hằng năm thu được trên toàn EU.
Châu Âu ra quy định mới về cấm nhập khẩu cà phê liên quan đến phá rừng

Tại hội thảo về quy định mới của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về chống phá rừng và tác động của quy định này đối với ngành cà phê thế giới do Hiệp hội Cà phê Anh (BCA) tổ chức vừa qua, các thành viên đã thảo luận về Quy định 2023/1115 ngày 31/5/2023 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về lưu thông trên thị trường Liên minh châu Âu (EU) và xuất khẩu từ EU một số hàng hóa và sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng; những thách thức đối với các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu cà phê cũng như các cơ hội từ các quy định mới.

Theo Quy định 2023/1115 (có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày đăng Công báo EU là ngày 9/6/2023), các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động bao gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu tương và gỗ. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này phải tập hợp và kê khai thông tin về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu.

Doanh nghiệp EU chỉ được phép lưu thông trên thị trường các sản phẩm không sản xuất trên đất phá rừng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.

Đại diện các nước sản xuất cà phê bày tỏ quan ngại Quy định 2023/1115 sẽ làm tăng chi phí cho người trồng càphê và gây khó khăn cho các hộ gia đình sản xuất nhỏ ở các nước đang phát triển. Các đại diện cũng bày tỏ lo ngại người tiêu dùng châu Âu có thể quy kết tình trạng mất rừng là do nông dân phá rừng lấy đất trồng cây cà phê và từ chối tiêu thụ cà phê của những nước để mất rừng.

Tổng thư ký Liên đoàn Cà phê châu Âu Eileen Gordon và Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại cà phê Thụy Sĩ Michael von Luehrte cảnh báo, chuỗi cung ứng cà phê sẽ bị ảnh hưởng và các doanh nghiệp thương mại nhỏ sẽ phải gánh thêm chi phí và đứng trước rủi ro bị phạt nếu không kịp tuân thủ các quy định mới.

Điều này khiến giá bán lẻ cà phê đến tay người tiêu dùng tăng, gây khó cho cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn với lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rủi ro bị phạt do vi phạm quy định là rất thấp bởi hầu hết trang trại cà phê và các doanh nghiệp thương mại cà phê có thể đáp ứng được các yêu cầu về thu thập và khai báo dữ liệu cần thiết trên nền tảng công nghệ thông tin với chi phí hợp lý.

Với việc quy định mới của EU sẽ được áp dụng cho toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng cà phê bắt đầu từ cuối năm 2024, các nhà sản xuất cà phê không còn nhiều thời gian để chuẩn bị. Vì vậy, hội thảo nhằm tìm hiểu những vấn đề của các nước sản xuất cà phê, mức độ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới của EU, đồng thời tìm kiếm giải pháp, đặc biệt trong việc đưa ra những hướng dẫn trong toàn ngành cà phê, giúp các bên liên quan tuân thủ quy định mới trong khi đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Quy định 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng và làm suy thoái rừng đang rất nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu từ các hoạt động khai thác lâm nghiệp quá mức và lấy đất rừng làm đất trồng trọt. Đây là một trong những tác nhân gây nên hiệu ứng khí nhà kính, làm trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan.

Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), 420 triệu hecta rừng (tương đương diện tích EU) đã bị mất trên toàn thế giới từ năm 1990-2020. EU đánh giá đến năm 2030, khoảng 248.000 hecta rừng có thể mất thêm mỗi năm nếu các biện pháp can thiệp không được thực thi hiệu quả.

Minh Huy