Thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng hơn 20% mỗi năm
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 09/06/2023
Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027, nếu như các doanh nghiệp được hỗ trợ đầy đủ để đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử trong việc xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ.
Khảo sát với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam cho thấy, 86% trong số này cho rằng sẽ không đủ năng lực thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa địa phương cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm, đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ.
Theo số liệu của Amazon Globall Selling, năm ngoái đã có gần 10 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam được bán trên các gian hàng trực tuyến của Amazon trên toàn cầu và giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 45%. Năm 2022, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng qua Amazon tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cam kết sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp trong 5 năm, từ năm 2022-2026. Theo Amazon, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam đã đạt 80.000 tỷ đồng trong năm 2022 và dự kiến đến năm 2026 sẽ đạt hơn 250.000 tỷ đồng.
Năm 2022, khoảng 1.300 doanh nghiệp tiếp cận chương trình và thông tin, kiến thức thông qua 9 khóa đào tạo liên quan đến kinh doanh, xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử do Amazon Global Selling, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các địa phương tổ chức.
Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến, đưa sản phẩm của Việt Nam đi ra thế giới nhưng còn gặp nhiều thách thức, tập trung vào 4 vấn đề chính là kiến thức, năng lực, quy định và chi phí.