Những vấn đề TP.HCM được áp dụng sẽ nhân rộng trong cả nước
Trong nước - Ngày đăng : 01:42, 09/06/2023
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, áp dụng cơ chế chính sách đặc thù để TP.HCM phát triển nhưng luôn đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Đại biểu cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ban hành nghị quyết mới khi nêu quan điểm nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đều kỳ vọng TP.HCM ngày càng phát triển, thực sự là đô thị hạt nhân, là cực và động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của toàn vùng và của cả nước.
Góp ý vào dự thảo nghị quyết mới, đại biểu Nguyễn Hải Anh kiến nghị, với quy định thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư công trình đường bộ hiện hữu thì cần sửa đổi thành chỉ áp dụng đối với các dự án mở rộng và hiện đại hóa các công trình đường bộ hiện hữu, không áp dụng đối với các dự án nâng cấp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp; đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm, vai trò của TP.HCM trong bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện hữu mà không còn điều kiện, khả năng để mở rộng mặt đường.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp |
Đại biểu này cũng cơ bản đồng tình với quy định cho “HĐND TP.HCM quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí”; nhưng đề nghị bổ sung phụ lục về các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí mà HĐND TP.HCM dự kiến áp dụng; cũng như danh mục các loại phí và lệ phí mà HĐND TP.HCM dự kiến điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu so với mức đã được cấp có thẩm quyền quy định; đồng thời đề nghị HĐND TP.HCM khi ban hành nghị quyết về các loại phí, lệ phí bổ sung và điều chỉnh cần quy định rõ những đối tượng được miễn áp dụng, nhất là những gia đình có công, người dễ bị tổn thương, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố và các cơ sở nhân đạo đang nuôi dưỡng, chăm lo các đối tượng bảo trợ xã hội.
Phát biểu thảo luận về vấn đề đầu tư công, đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đề nghị bổ sung 4 cơ chế để TP.HCM bứt phá hơn nữa, trong đó có việc để rút ngắn được thời gian thực hiện vốn đầu tư công hiện nay thì đề nghị Quốc hội giao cho HĐND TP.HCM quy định trình tự, thủ tục thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cũng như đề xuất Quốc hội giao cho HĐND TP.HCM ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn, để đón những doanh nghiệp lớn.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP.HCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. UBND TPHCM được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn bảo đảm không vượt mức tổng biên chế đã được HĐND TP.HCM quyết định
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết thống nhất với 2 nhóm chính sách và 44 nội dung cụ thể đã được dự thảo trong Nghị quyết của Quốc hội kỳ này đối với TP.HCM. Đại biểu này cũng nêu ý kiến, nên nghiên cứu xây dựng một Luật về sự phát triển dành cho TP.HCM, đồng thời tiến hành tổng kết các cơ chế, chính sách thí điểm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
"Tôi nghĩ nếu tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn này về cơ chế, chính sách pháp luật thì không chỉ TP.HCM mà những thành phố đã được Quốc hội cho hưởng cơ chế nghị quyết đặc thù thì cả nước cùng tăng trưởng, trong đó những thành phố lớn sẽ tăng trưởng, bứt phá mạnh hơn, rõ rệt hơn. Tôi nghĩ như vậy sẽ rất tốt, kinh tế sẽ hồi phục và phát triển rất nhanh", đại biểu Tạ Văn Hạ phân tích, "Hy vọng nghị quyết mới sẽ thành công và thực sự có hiệu quả, là một cú hích thật mạnh, đột phá lớn đối với TP.HCM". Đại biểu hy vọng rằng sau tổng kết, những vấn đề TP.HCM được áp dụng hôm nay sẽ được nhân rộng trong cả nước.
Cũng trong chiều 8/6/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các ý kiến thảo luận là hết sức tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm đối với dự thảo nghị quyết mới.
Theo lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, TP.HCM đang chững lại cả về tốc độ phát triển cũng như đóng góp trong GDP của cả nước, cũng như là tính đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa cho các vùng xung quanh. Các vấn đề phát sinh mới của thành phố như: ách tắc giao thông, ngập úng, các vấn đề đầu tư xã hội... là những cản trở, thách thức rất lớn của TP.HCM.
Do vậy, việc ban hành một nghị quyết mới như các đại biểu nêu là hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay để giúp cho thành phố có cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới đây, đóng góp lớn hơn cho cả vùng xung quanh cũng như là cho cả nước.
Theo Bộ trưởng, tất cả chính sách thể hiện trong dự thảo đều phải bám vào nguyên tắc đó, bảo đảm khơi thông và huy động nguồn lực; phân cấp, phân quyền; cho phép được thực hiện những quy trình, thủ tục rút gọn để thuận lợi và giảm thời gian. Xoay quanh 44 chính sách cũng chỉ tập trung vào 3 vấn đề đó. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong đó quan trọng nhất là các chính sách mới, gồm 27 chính sách được cân nhắc rất kỹ lưỡng và chọn lọc, Chính phủ đã trao đổi rất kỹ và thống nhất rất cao với TP.HCM cũng như các bộ, ngành liên quan. Trong đó tập trung đề xuất các chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt thể chế, vừa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế của thành phố, vừa đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Về những chính sách mà các đại biểu Quốc hội gợi ý khi thảo luận, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục cùng TP.HCM và các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu, nhất là trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề mới thiết thực và phù hợp hơn, mạnh hơn thì Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội sau.
Về thời hạn của nghị quyết, một số đại biểu đề nghị có thể kéo dài hơn, phù hợp cả thời kỳ quy hoạch cho đến năm 2030, Bộ trưởng cho rằng, đây là một ý kiến hay. Chính phủ sẽ cùng với TP.HCM, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nghiên cứu, nếu phù hợp và không ảnh hưởng gì đến các vấn đề liên quan khác thì sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xử lý và tiếp thu ý kiến này.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng cho biết, hiện nay TP.HCM đã xây dựng chương trình và có kế hoạch để triển khai thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua nghị quyết này. Chính phủ cam kết sẽ giám sát và đồng hành, hỗ trợ thành phố, các bộ, các ngành sẽ tham gia cùng với thành phố để làm sao đưa nghị quyết này vào cuộc sống, phát huy được cao nhất và mang lại hiệu quả lớn nhất cho thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với tinh thần tháo gỡ tối đa các rào cản, cho phép thành phố được áp dụng những thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện cho TPHCM có bước phát triển đột phá, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng đầu tàu, dẫn dắt, đóng góp tốt hơn cho phát triển của các vùng kinh tế động lực phía Nam, cho đồng bằng sông Cửu Long, cho Tây Nguyên, cho Đông Nam bộ, TP.HCM đã vì cả nước thì cả nước cũng vì TP.HCM, TP.HCM phải xứng đáng với tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là “Hòn Ngọc Viễn Đông” như nhắc nhở của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc ngày 23/9/2022 vừa qua.