Việt Nam có 71.500 doanh nghiệp công nghệ số đăng ký và hoạt động
Công nghệ - Ngày đăng : 01:00, 08/06/2023
Tại sự kiện họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 5/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký và đang hoạt động ước tính đến hết tháng 5/2023 ước đạt 71.500 doanh nghiệp, tăng 200 doanh nghiệp so với tháng 4/2023, đạt 0,72 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân.
Doanh thu toàn ngành trong tháng 5/2023 ước đạt 276.769 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với tháng trước (tháng 4/2023: 263.299 tỷ đồng) và giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 5/2022: 282.254 tỷ đồng). Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 5/2023 ước đạt 1.363.227 tỷ đồng.
Đồng thời, nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 7.564 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với tháng trước (tháng 4/2023: 7.521 tỷ đồng) và giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 5/2022: 8.304 tỷ đồng). Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 5/2023 ước đạt 39.497 tỷ đồng.
Trong đó, về lĩnh vực bưu chính, trong tháng 5/2023, thị trường cơ bản ổn định so với tháng 4/2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4680 tỷ đồng, ước tăng 3% so với tháng 4/2023 và tăng 7,6% so với tháng 5/2022. Sản lượng ước đạt 199 triệu bưu gửi (tăng 4% so với tháng 4/2023 và tăng khoảng 20% so với tháng 5/2022).
Cũng trong tháng 5/2023, tổng số lượt download các ứng dụng di động của Việt Nam là 278 triệu lượt, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trực tiếp từ các giao dịch trên ứng dụng di động tăng 9,82% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng các ứng dụng có người dùng trên 10 triệu có tổng cộng 7 ứng dụng (Zalo, Zing Mp3, Báo Mới, Ví Momo, MB Bank, VNEID, My Viettel) và 11 ứng dụng có từ 5-10 triệu người dùng. Đặc biệt, 2 ứng dụng do cơ quan nhà nước phát triển được người dùng sử dụng nhiều nhất là VssID và VNeID.
Về lĩnh vực viễn thông, trong tháng 5 nổi bật là công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao. Theo đó, 2,85 triệu thuê bao đã thực hiện chuẩn hóa trên tổng số 3,84 triệu thuê bao thuộc tập có thông tin cần chuẩn hoá sau đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã xử lý thu hồi hơn 985 nghìn thuê bao do không thực hiện chuẩn hóa theo quy định.
Trong tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung; trình Chính phủ ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; rà soát cập nhật khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0, trong đó, cần làm rõ vị trí, vai trò của Đề án 06. Hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.