Nguyên nhân gây rụng tóc do SARS-CoV-2 và biện pháp khắc phục
Sống khỏe - Ngày đăng : 01:00, 04/06/2023
Do hormone nội tiết
Khi mắc bệnh do virus SARS-CoV-2 sẽ khiến người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng, sợ hãi. Chính tình trạng này gây ra phản ứng bằng cách tiết ra nhiều hormone nội tiết tố giúp cơ thể có thêm năng lượng tạm thời để vượt qua thử thách.
Tuy nhiên, phản ứng này lại gây hại cho tóc. Quá trình này khiến phản xạ thần kinh giao cảm dưới tác động của hormone nội tiết tố làm cho mạch ở da co lại, khiến lượng máu lưu thông đến chân tóc bị thiếu hụt, làm ảnh hưởng và tổn thương nang tóc.
Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể khiến cho hormone stress tăng, tăng lão hóa da, gây tổn thương nang tóc khiến tóc dễ bị rụng. Cortisol còn làm tốc độ phân hủy chất đạm tăng khiến cho nang tóc bị thiếu hụt dinh dưỡng và tóc không thể phát triển bình thường.
Do trạng thái căng thẳng
Dưới tác động của tình trạng căng thẳng, tóc của người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ chuyển sang trạng thái “nghỉ ngơi”. Điều đó đồng nghĩa với việc tóc sẽ ngừng mọc, nang tóc sẽ không sản sinh ra tóc.
Tóc ở trạng thái “nghỉ ngơi” có thể do cơ thể sử dụng hết lượng sắt dự trữ để xây dựng tế bào hồng cầu. Khi bị nhiễm SARS-CoV-2 thì tế bào mang oxy đến có thể gây thiệt hại đáng kể tới tế bào hồng cầu làm cho cơ thể chuyển sang “cơ chế tồn tại”.
Trên da đầu có trung bình khoảng 90-95% nang tóc đang trong giai đoạn tăng trưởng và chỉ có khoảng 5-10% tóc đang ở giai đoạn “nghỉ ngơi”. Tuy nhiên, khi mắc Covid-19 thì ngược lại. Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng rụng tóc nhiều sau khi nhiễm SARS-CoV-2 nhưng virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở các tế bào sừng cũng như tuyến bã nhờn - vị trí giúp tóc được sinh ra và phát triển.
Nghiên cứu cũng đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch Covid-19 có thể ngăn chặn việc sản xuất tế bào và protein trong nang tóc. Vì vậy sẽ có trường hợp bị rụng tóc khi nhiễm bệnh.
Cách khắc phục
Dinh dưỡng. Nên bổ sung phần ăn bằng thịt bò vì ngoài protein, loại thịt này còn chứa nhiều sắt, axit béo Omega-3, rất tốt để giúp tóc khỏe và ngăn ngừa gãy rụng. Các loại cá, tôm chứa nhiều canxi giúp tóc chắc khỏe hơn. Trong đó, cá hồi còn là nguồn Omega-3 và vitamin B cũng như một số loại vi chất khác rất tốt để kích thích phát triển tóc. Cá ngừ, cá trích, cá mòi... cũng rất tốt để nuôi dưỡng nang tóc và giúp tóc phát triển khỏe mạnh.
Dùng sản phẩm tự nhiên. Bồ kết chứa các thành phần như Flavonoid, Tanin, Saponin, Glycosid. Hỗn hợp Flavonoid có trong quả bồ kết có tác dụng kích thích và đẩy nhanh quá trình mọc tóc, ngăn ngừa và hạn chế quá trình rụng tóc, phục hồi hư tổn tóc. Tanin có tác dụng khử gốc tự do, ngăn ngừa tình trạng lão hóa, giúp tóc chắc khỏe hơn. Lấy khoảng 300g trái bồ kết già, vỏ màu sẫm, đun kỹ cùng lượng nước vừa đủ để gội đầu. Vỏ bưởi chứa nhiều chất như Pectin, Naringin, men tiêu hóa Peroxydaza và Amylaza, vitamin A và vitamin C. Tinh dầu từ vỏ quả bưởi có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, giúp làm sạch da đầu trị gàu, ngăn ngừa các bệnh về da đầu. Vỏ bưởi được biết đến như một phương thuốc có tác dụng cải thiện tình trạng rụng tóc rất hiệu quả. Lấy 300g vỏ bưởi tươi đun sôi trong vòng 5 phút, để nguội. Gội sạch đầu bằng dầu gội, lau khô tóc, gội lại với nước vỏ bưởi, massage nhẹ nhàng từ chân đến ngọn tóc. Thực hiện thường xuyên vài lần mỗi tuần giúp tóc chắc khỏe, chống rụng tóc, trị gàu.
Tránh lo lắng và căng thẳng thái quá khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Cố gắng ngủ đủ từ 7-8 tiếng đồng hồ mỗi đêm.
Tạm dừng dùng lược và máy sấy tóc. Máy sấy tóc và lược dày có thể làm gãy rụng tóc, do đó khi tóc đang ở giai đoạn yếu nhất, tốt nhất là dùng khăn bông lau khô sau khi gội và nếu rối thì dùng tay gỡ nhẹ.
Thăm khám và điều trị chuyên khoa. Dùng những biện pháp trên mà tóc vẫn rụng nhiều thì bạn nên đến bệnh viện để điều trị.
(*) Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện