Tạo điểm sáng cho TP.HCM phát triển
Trong nước - Ngày đăng : 09:09, 04/06/2023
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên -Huế và Tp.Hải Phòng |
Ở các tổ thảo luận, hầu hết đại biểu đều nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành các cơ chế chính sách đồng thời cần chú trọng việc tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai thí điểm Nghị quyết 54/2017/QH14 trước đây.
Các đại biểu Quốc hội cũng tập trung làm rõ sự cần thiết, thời điểm xem xét thông qua, tính hợp lý khả thi của các chính sách mới. Các đại biểu hầu hết tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, bởi TP.HCM là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%.
Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) kỳ vọng rằng với cơ chế chính sách mới TP.HCM sẽ phát triển đúng với vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước. Đầu tàu có mạnh, có tốt thì mới có thể kéo các toa sau đi nhanh đi xa hơn.
Đại biểu Lê Quốc Hận |
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) bày tỏ hoàn toàn nhất trí với các nhóm chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể, gồm các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54/2017/QH14 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội; các chính sách mới lần đầu tiên được quy định về đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy. Các quy định bám sát quan điểm mang tính thiết thực, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển; khơi thông nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng phát triển thời gian qua.
Dẫu thế, đại biểu Lê Thanh Vân vẫn lưu ý rằng, dù có trao cho TP.HCM nhiều thẩm quyền tích cực hơn, nhiều cơ chế, chính sách hơn nhưng bộ máy không đủ năng lực không tương xứng thì các chính sách ưu đãi cũng không phát huy được hiệu quả. Do đó, khi bàn thêm về nhóm chính sách cho tổ chức bộ máy, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần trao cho TP.HCM thẩm quyền được chủ động thiết kế tổ chức bộ máy Sở - ban - ngành trên cơ sở khung chung để vận hành, quy định chức năng nhiệm vụ phù hợp. Đại biểu này dẫn chứng, chức năng nhiệm vụ cụ thể của Sở nông nghiệp của TP.HCM sẽ không thể giống như sở nông nghiệp của một tỉnh thuần nông, vì thế đề nghị cần phân cấp mạnh hơn nữa trong quản lý nhân sự, ban hành cơ chế chính sách nổi trội thu hút nhân tài.
Có đại biểu cho rằng, chúng ta đang có chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, vì thế những chính sách đặc thù với TP.HCM phải thể hiện được sự lan tỏa, kết nối,mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và cả đất nước, kích thích đăng trưởng cả nước và đảm bảo ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, vấn đề trọng tâm trong thiết kế cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM không phải là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bởi những khó khăn TP.HCM đang đối mặt cũng chính là những khó khăn cả nước, các địa phương đều đang đối mặt tháo gỡ. Trọng tâm nội dung của Nghị quyết lần này cần đặt vào việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của TP.HCM.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang |
Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho biết, với vấn đề đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan soạn thảo đang kiến nghị được áp dụng phương thức đối tác công tư với các dự án thể thao, văn hóa, trong khi Luật PPP không cho phép áp dụng với các dự án loại này. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, thể thao và văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cho thành phố, vì vậy việc áp dụng phương thức đối tác công tư với các dự án loại này là hợp lý.
Về đề nghị cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa, các ý kiến thảo luận tại Tổ 10 (gồm các đoàn Đại biểu Quốc hội: Đồng Tháp, Hà Giang, Thái Bình) đồng tình với đề xuất này, mặc dù theo quy định tại Điều 4 Luật PPP, các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa không thuộc phạm vi của Luật; có ý kiến đề nghị mở rộng áp dụng PPP không chỉ trong lĩnh vực thể thao, văn hóa mà có thể mở rộng sang lĩnh vực giáo dục, y tế nếu thấy cần thiết. Đại biểu Hà Thị Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) kỳ vọng, việc áp dụng sẽ đáp ứng yêu cầu so với xu thế hiện nay cần có mô hình hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả, nhưng cần quan tâm đến các di tích có yếu tố tâm linh, phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, các tôn giáo, nhà nghiên cứu chuyên ngành.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10 |
Nhiều ý kiến tại Tổ 10 cũng đồng thuận với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư dự án. Đại biểu cho rằng, khác với nhiều địa phương khác, trên địa bàn TP.HCM, nhiều trường hợp chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng trên 50% tổng mức đầu tư và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn. Do vậy, việc thí điểm như đề xuất sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM.
Tăng sự chủ động, giảm thủ tục hành chính
Chia sẻ với báo chí tại hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc ban hành và sớm thông qua Nghị quyết sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế vùng và cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng nếu không mạnh dạn trao quyền cho TP.HCM thì chúng ta sẽ làm giảm tính năng động, sáng tạo và hiệu quả. Vẫn theo lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nếu như trao quyền cho TP.HCM tự quyết một số vấn đề lớn thì thủ tục hành chính sẽ giảm đi rất nhiều, mà cắt giảm thủ tục hành chính nghĩa là tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trả lời báo chí |
Còn theo lời đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông), tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển cũng là tạo điều kiện cho kinh tế cả nước phát triển, và hỗ trợ cho các địa phương.
"Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên với Đông Nam bộ, cùng với các tuyến cao tốc thì tôi hy vọng rằng Nghị quyết lần này sẽ tạo ra điểm mới, điểm sáng cho TP.HCM phát triển", đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ.
Phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ
Đóng góp ý kiến vào việc phát triển TP.HCM, đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành hai Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 về phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho TP.HCM. Đến nay, Quốc hội nhanh chóng lấy ý kiến các Đại biểu Quốc hội để có thể ban hành dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là một quyết định rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa cho thành phố.
Đại biểu Tạ Đình Thi tham gia thảo luận |
Theo đại biểu Tạ Đình Thi, bên cạnh việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong dự thảo Nghị quyết cần được bổ sung về phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ. Bởi đây là lĩnh vực cũng sẽ mang lại sự tăng trưởng kinh tế nhanh cho TP.HCM.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Lê Quân nhấn mạnh, trong dự thảo Nghị quyết nên chú trọng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo đó, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh ngiệp vừa và nhỏ, các trường đại học hoạt động thông qua hình thức miễn giảm thuế...
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào ngày 8/6/2023. |