Hành trang khởi nghiệp: Vốn và hơn thế...
Start up - Ngày đăng : 01:00, 01/06/2023
Có thể khẳng định, động lực và sức mạnh quan trọng nhất để các nhà sáng lập (founder) quyết định "bám gót" trên con đường khởi nghiệp chính là niềm tin vào ý tưởng của bản thân và khát khao thành công. Điều này có thể được kích thích bởi nhiều yếu tố, bao gồm mong muốn đổi mới, mong muốn đạt được sự độc lập về tài chính, tạo ra giá trị cho xã hội.
Các nhà sáng lập cũng có thể có sức mạnh khác như kỹ năng lãnh đạo, khả năng tư duy chiến lược, khả năng thích nghi và sự kiên trì. Những sức mạnh này giúp họ xây dựng và phát triển kế hoạch kinh doanh để đạt được mục tiêu của cá nhân cũng như của chính doanh nghiệp khởi nghiệp, giải quyết các thách thức, đưa ra những quyết định khó khăn trong quá trình khởi nghiệp.
Khởi nghiệp là một công việc rất nhiều rủi ro và áp lực. Do đó, các nhà sáng lập cần phải cân nhắc và chuẩn bị tốt trước khi quyết định theo con đường này, đồng thời có sự sẵn sàng và kiên trì trong quá trình vượt qua khó khăn và thử thách.
Cần vốn, hay ý chí
"Có bột mới gột nên hồ" là điều mà nhiều startup thường ví von khi ấp ủ ý tưởng "phá ao làng để ra biển lớn". Hay nói cách khác, startup luôn phải tự trả lời câu hỏi: Ở giai đoạn đầu - giai đoạn quyết định khởi nghiệp, trước tiên founder cần vốn hay cần ý tưởng, lõi công nghệ, sản phẩm mang tính đột phát và đổi mới sáng tạo?
Khởi nghiệp trong lĩnh vực giải pháp y tế với phần mềm khám bệnh trực tuyến khamtructuyen.vn, BS. Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc Công ty OMECAP cho rằng, "lõi công nghệ" là quan trọng nhất, bởi sản phẩm mang tính đột phá và đổi mới sáng tạo thì mới có nhiều cơ hội để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hơn thế, công nghệ quan trọng còn ở chỗ, thường thì người nghĩ ra ý tưởng sản phẩm lại không giỏi về công nghệ, từ đó gặp phải hàng loạt khó khăn về ngôn ngữ, yêu cầu.
"Do đó, tìm và chọn đúng đối tác để đồng hành trong khởi nghiệp là yếu tố then chốt để thành công, chí ít với chúng tôi", BS. Nguyễn Thanh Vũ chia sẻ. “Và trong suốt quá trình khởi nghiệp, startup phải chấp nhận tái cấu trúc từ công nghệ cho đến quy trình sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng số đông nhu cầu người dùng".
Chị T. Sương - một startup trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất sản phẩm chăm sóc thẩm mỹ cho biết, trong hành trình khởi nghiệp thì startup cần có thêm sự trợ giúp từ các đơn vị tư vấn về sở hữu trí tuệ, về bảo hộ thương hiệu và thậm chí startup phải chủ động tham gia các gói hỗ trợ tài chính, các nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Nhà nước hỗ trợ.
Bà Nguyễn Phương Thảo - sáng lập Công ty Xtechs chuyên về chuyển đổi số lại quả quyết: “Trong giai đoạn đầu khi bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp, cả hai yếu tố vốn và bí quyết công nghệ đều rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc tập trung vào bí quyết công nghệ của sản phẩm sẽ có lợi hơn trong cạnh tranh và thị trường. Lý do là vì trong thị trường hiện nay, sản phẩm và dịch vụ mới xuất hiện liên tục và cạnh tranh khốc liệt. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần phải có sự đột phá và đổi mới sáng tạo trong công nghệ sản phẩm, giúp sản phẩm nổi bật và khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường".
Ở một góc nhìn khác, vẫn theo lời ông Vũ, vốn là rất quan trọng bởi vì không có vốn sẽ rất khó triển khai dự án khởi nghiệp và phải dự trù một khi thất bại. "Mỗi giai đoạn đều cần vốn và hầu hết người sáng lập startup bị giảm thu nhập từ công việc khác để tập trung cho khởi nghiệp”, ông Vũ thừa nhận. “Startup phải chấp nhận rủi ro và phải có sự quyết đoán trong chi phí đầu tư, bởi khởi nghiệp như ván cờ may rủi, thành công và không thành công".
Hay nói như bà Thảo, ý chí khởi nghiệp là "ngòi nổ" và cũng là "động lực" cho các nhà sáng lập. Chính bản thân bà phải làm thêm công việc khác, nhưng lại là công việc chính, để cân đối nguồn vốn đầu tư phục vụ cho “nuôi quân” ở startup của mình.
"Tôi mặc định làm việc đến tận 2-3 giờ sáng mỗi ngày, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm khác", bà Thảo bộc bạch. “Nhưng khi nhìn thấy startup của mình và các cộng sự vận hành ổn định, vừa đủ hòa vốn, thì mọi mệt mỏi, áp lực đều tan biến".
Quả ngọt tương lai
Chia sẻ về nền tảng y khoa mở mà bản thân và cộng sự đang dồn cả trí lực lẫn tài lực vào, ông Vũ cho biết, phần mềm khamtructuyen.vn của ông cho bác sĩ, cơ sở y tế và ứng dụng cho bệnh nhân hiện vẫn chưa khai thác kinh doanh, tiếp tục giai đoạn miễn phí dù đang có 10 phòng khám sử dụng và khoảng 100 bệnh nhân đăng ký khám bệnh mỗi ngày. Lý giải vì sao chưa thu phí nhóm khách hàng là bác sĩ và cơ sở y tế, ông Vũ cho rằng, ban đầu viết giải pháp ở quy mô nhỏ nhưng khi triển khai thực tế thì có phần quá tải với hạ tầng kỹ thuật do sự ủng hộ ngoài dự kiến.
Khác với ông Vũ, anh L.T.H.Ph. (43 tuổi) năm 2006 từng cầm trong tay 4 tỷ đồng để khởi nghiệp cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin thị trường (quảng cáo, sản phẩm) với tầm nhìn táo bạo nhưng rồi chỉ sau 30 tháng "lên sóng", nhanh chóng rơi vào tình trạng "hết vốn" và các nhà đầu tư thiên thần mới thì "chưa thấy trả lời".
Nói như Ph., lúc đầu anh và các sáng lập viên cổ đông đã có phần ngộ nhận và quá đỗi tự tin với những thành công ban đầu, song cuối cùng thì doanh thu thực đến từ sản phẩm - dịch vụ phải khác biệt cũng như sự dồi dào về vốn mới giúp startup trụ vững. Sau lần khởi nghiệp thứ hai cách đây không lâu, đến tháng 3/2023, Ph. đã đóng hẳn hai doanh nghiệp của mình.
"Thất bại thì ta lại làm lại...”, Ph. hóm hỉnh tâm sự. “Nhưng rồi cũng có lúc nhiệt huyết hay khát khao khởi nghiệp cũng lụi tàn vì không còn đủ năng lượng và cả sự khác biệt để thành công".
Quay trở lại với Xtechs. Đại diện của startup này úp mở rằng đang có vài hợp đồng gia công lõi chuyển đổi cho khối doanh nghiệp F&B và theo bà Thảo thì việc mình từng bán nhà để khởi nghiệp dù chưa ghi nhận “quả ngọt” nhưng đã “thấm mật” của hy vọng sau khi khách hàng tin tưởng ký hợp đồng".
Hay nói cách khác, theo BS. Vũ và bà Thảo, khởi nghiệp là hành trình và cho dù thành công phía trước là hai mặt của đồng xu thì sáng lập viên vẫn phải thỏa hiệp với hai tham số là vốn và ý chí hay bí mật công nghệ.