Ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để triệt hạ đối thủ
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 30/05/2023
Cùng với sự phát triển bùng nổ các mảng giải trí, phim, ca nhạc, game show, game online trên môi trường số đã phát sinh tranh chấp bản quyền xuyên biên giới. Vấn đề bảo vệ bản quyền trên nền tảng số đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà sáng tạo nội dung cũng như DN kinh doanh trên các nền tảng số toàn cầu.
Để đối phó với hành vi vi phạm bản quyền, các đơn vị sáng tạo nội dung phải có phương án để bảo vệ sản phẩm thuộc quyền sở hữu của mình. Nếu một sản phẩm sáng tạo bị vi phạm bản quyền, sẽ có thể bị mất về tay đối thủ.
Lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để triệt hạ đối thủ
Thời gian qua, đã có DN nước ngoài với sự dày dạn kinh nghiệm kinh doanh trên môi trường số đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bản quyền với DN Việt Nam, gây thiệt hại vô cùng lớn tới sản xuất, kinh doanh. Một số DN game của Việt Nam bị vướng vào kiện tụng sở hữu trí tuệ từ các công ty một số nước.
Cụ thể, gần đây một công ty Việt Nam sản xuất nhạc và kinh doanh trên các nền tảng toàn cầu, nhưng một cá nhân bên Mỹ đã đăng ký bản quyền bản nhạc đó ở Mỹ và quay lại kiện công ty ở Việt Nam, trong khi việc đăng ký bản quyền ở Việt Nam chậm được giải quyết, dẫn đến DN Việt thua thiệt. Tình trạng tranh chấp bản quyền âm nhạc diễn ra khá phổ biến trên môi trường số, nên nhiều nghệ sĩ Việt Nam bị thiệt thòi do bị tranh chấp từ nước ngoài.
Một ví dụ điển hình khác là từ đầu năm 2022, một DN lớn ở Anh đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để tranh chấp bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của DN Việt Nam là Sconnect, theo đó đối thủ đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra tòa án ở Nga và Anh.
Sconnect đã phản công và khởi kiện ba vụ kiện tại Việt Nam (hai vụ ở tòa án và một vụ ra Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia). Việc tranh chấp xoay quanh bản quyền, nhãn hiệu, cạnh tranh thương mại.
Do Wolfoo đang kinh doanh chủ yếu là trên YouTube, nên đối thủ đã dùng đơn khởi kiện (chưa được Tòa án Anh thụ lý), dẫn tới gần 3.000 video Wolfoo bị khóa, bị xóa. Sau khi Tòa án Nga ra phán quyết Wolfoo không vi phạm bản quyền và chấp thuận yêu cầu DN Anh phải bồi thường án phí cho Sconnect nhưng YouTube vẫn chấp nhận chứng cứ chưa có giá trị pháp lý trong các khiếu nại bản quyền của DN Anh.
Đây là một trong số ít các vụ lạm dụng quyền tự bảo vệ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra không phải là hiếm trên thế giới. Nhiều DN nước ngoài đã lợi dụng quyền sở hữu trí tuệ để gây rối, làm thiệt hại đến sản xuất, kinh doanh của đối thủ.
Những khó khăn khi bảo vệ bản quyền nội dung số
Do đặc thù kinh doanh trên môi trường số là diễn ra rất nhanh, trong khi việc giải quyết tranh chấp ở tòa án thường kéo dài, nhanh thì một năm, có những vụ kiện kéo dài 4-5 năm mà chưa có kết quả. Cho đến khi tòa án ra phán quyết thì sản phẩm nội dung số dù có được tuyên không vi phạm, thì với thời gian gián đoạn kinh doanh kéo dài có khi đã "chết" trước khi được minh oan.
Từ đó có thể thấy, bảo vệ bản quyền SHTT mang tính sống còn để duy trì kinh doanh của sản phẩm nội dung số. Nhưng trên thực tế, các đơn vị bảo vệ bản quyền gặp không ít khó khăn.
Đầu tiên là việc phải xác định được nền tảng vi phạm, bao gồm cả nền tảng trực tuyến và trực tiếp. Đối với nền tảng trực tiếp, do những giới hạn về địa lý nên rất khó để xác định, khoanh vùng và tiếp cận hành vi vi phạm. Đối với nền tảng trực tuyến thì khó khăn hơn rất nhiều bởi không gian mạng rất rộng lớn và không có ranh giới rõ ràng.
Hầu hết chủ sở hữu bản quyền chỉ biết tới nền tảng phổ biến như YouTube, Facebook, gần đây là TikTok. Có nhiều nền tảng online mà chủ sở hữu bản quyền chưa biết tới hoặc chưa được tiếp cận nên không thể triệt để trong việc bảo vệ bản quyền. Bên cạnh đó, các nền tảng online nội địa của các quốc gia cũng rất nhiều nên khó nắm bắt.
DN cần vận dụng Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT và quyền tác giả, quyền liên quan, có hiệu lực từ ngày 26/4/2023. Một trong những điểm mới nhất của nghị định này là DN cung cấp dịch vụ trung gian phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên mạng viễn thông và mạng Internet. Với quy định mới này, DN Việt Nam có căn cứ để yêu cầu các nền tảng khôi phục nội dung đã gỡ bỏ.
Khó khăn thứ hai trong việc bảo vệ bản quyền số là xác định hành vi vi phạm. Bên cạnh sự phát triển của các nền tảng trực tuyến đã hình thành hành vi vi phạm vượt qua giới hạn của các hành vi truyền thống, dẫn đến khó phân tích, đánh giá và kết luận về tính chất vi phạm. Khả năng gây thiệt hại của hành vi vi phạm ngày càng lớn, đặc biệt là trên các nền tảng online rất khó đo đếm. Internet mở ra không gian phi biên giới nên hành vi vi phạm có thể được thực hiện ở bất cứ đâu. Pháp luật ở mỗi quốc gia lại có những điểm khác nhau khiến việc căn cứ để xử lý vi phạm cũng không giống nhau.
Thứ ba là xác định chủ thể vi phạm. Nền tảng trực tuyến là môi trường dễ dàng mạo danh hoặc ẩn danh nên việc xác định chính xác chủ thể vi phạm và giải quyết triệt để nguồn vi phạm là rất khó. Đặc biệt, hầu hết nền tảng trực tuyến hiện nay chỉ có thể xử lý vi phạm bản quyền khi trực tiếp phát hiện, nên hạn chế khả năng xử lý vi phạm trên diện rộng.
Doanh nghiệp nội dung số cần làm gì để bảo vệ thương hiệu?
Khi xảy ra tranh chấp, việc đầu tiên là DN phải xác định được nội dung tranh chấp là gì. Từ đó nhanh chóng xác định và đánh giá được hành vi, vấn đề pháp lý đang tranh chấp là đúng hay sai. Củng cố chứng cứ chứng minh quyền SHTT của mình. Củng cố chứng cứ chứng minh về các hành vi của mình hoặc đối phương đã thực hiện. Dự phòng nhiều phương án và có kế hoạch xử lý tổng thể, dài hạn, bao gồm phương án về pháp lý, truyền thông và kinh doanh.
Đối với tranh chấp xuyên biên giới, cần làm việc với các hiệp hội, hội, các cơ quan nhà nước để được hỗ trợ, trao đổi trực tiếp với đại diện cấp cao của các nền tảng xuyên biên giới, đảm bảo các nền tảng đối xử công bằng và tuân thủ phán quyết đã có hiệu lực của tòa án. Đồng thời ưu tiên biện pháp thương lượng, hòa giải bằng việc chủ động trao đổi thông tin hai chiều với đối thủ để làm rõ vướng mắc và có biện pháp giải quyết chấm dứt nhanh tranh chấp.
Để ngăn ngừa rủi ro, DN cần lưu ý đến việc đảm bảo đầy đủ các quyền đối với sản phẩm trí tuệ của mình. Cụ thể, khi sản xuất tài sản trí tuệ cho đến giai đoạn đưa ra thị trường kinh doanh cần đảm bảo đúng và đầy đủ nguyên tắc theo Luật SHTT, Luật Cạnh tranh. DN phải tăng tính bảo hộ như công bố công khai hoặc đăng ký cấp giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ theo luật định để xác lập các quyền SHTT. Thường xuyên rà soát việc vi phạm bản quyền để xác định hành vi vi phạm và xử lý sớm.
(*) Phó chủ tịch - Tổng thư ký Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA)