Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 10 triệu chữ ký số cá nhân trong năm 2023
Công nghệ - Ngày đăng : 03:48, 30/05/2023
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một không gian sống mới, đó là không gian số. Mỗi người chúng ta đều có một phiên bản số của mình trên mạng. Bởi vậy, mọi hoạt động, sự vật của chúng ta trên môi trường thật đều được mô phỏng lại một cách chính xác trên môi trường số.
Tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất khi con người sinh hoạt trên môi trường số chính là niềm tin. Bài toán niềm tin nếu không được giải quyết thì sẽ không thể thúc đẩy được sự chuyển đổi từ môi trường thực lên không gian số. Do không gặp mặt nhau trực tiếp, việc lừa đảo trở nên dễ dàng hơn, phổ biến hơn. Chính vì vậy, cần có các dịch vụ số giúp đảm bảo an toàn, tin cậy cho các bên giam gia giao dịch.
Ở Việt Nam trước đây có dịch vụ chứng thực chữ ký số và sắp tới sau khi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được ban hành, sẽ có thêm một nhóm dịch vụ mới gọi là dịch vụ tin cậy.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, để trở thành công dân số thì mỗi người dân cần 8 yếu tố là có đường cáp quang băng rộng, có điện thoại thông minh, có tài khoản định danh điện tử, có tài khoản thanh toán số, có tài khoản dịch vụ công trực tuyến, có kỹ năng số cơ bản, có kỹ năng an toàn thông tin cơ bản và đặc biệt là có chữ ký số cá nhân.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 10 triệu chữ ký số cá nhân. Đây là mục tiêu rất thách thức bởi hiện nay Việt Nam có chưa đến 1 triệu thuê bao chữ ký số cá nhân (chỉ khoảng 784.464 thuê bao). Theo đó, cần những kinh nghiệm hỗ trợ, hướng dẫn của các quốc gia đã triển khai thành công chữ ký số cá nhân như Hàn Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là các hội, hiệp hội quốc tế lớn về chữ ký số như Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á (APKIC).
Chữ ký số được hiểu là một loại chữ ký điện tử. Chữ ký này sẽ thay thế hoàn toàn chữ ký thường bằng tay và sử dụng trên các thiết bị điện tử. Vai trò của chữ ký số được hiểu như là một chữ ký tay của cá nhân hay một con dấu của cơ quan, doanh nghiệp. Sử dụng chữ ký số, các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp sẽ được pháp luật thừa nhận về mặt pháp lý khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử, tiêu biểu một số giao dịch như ký kê khai thuế, hợp đồng điện tử, giao dịch tài chính...