Nhượng quyền ra nước ngoài, tại sao không?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 30/05/2023

Thị trường nhượng quyền đã sôi động trở lại và các thương hiệu Việt Nam đang… lần bước ra nước ngoài sau thời gian thương hiệu ngoại đổ bộ. Tuy nhiên, để thành công, doanh nghiệp phải nắm vững 3 chìa khóa quan trọng.
Nhượng quyền ra nước ngoài, tại sao không?

Một thương hiệu nhượng quyền trong nước đang được nhà đầu tư quan tâm

Lần bước… ra nước ngoài

Nhượng quyền đang đóng rất lớn vào GDP quốc gia khi được đầu tư đúng mức để phát triển. Chẳng hạn tại Singapore, ngành nhượng quyền đóng góp 3% vào GDP, với Mỹ là 5,1%, Úc là 9% và tại Canada là 10%. Ngoài GDP, đây cũng là lĩnh vực tạo công ăn việc làm, lao động lớn cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, ngành nhượng quyền trở nên sôi động khi nhiều nhà đầu tư chọn đồng hành cùng những hệ thống và thương hiệu đã có mô hình được kiểm chứng, kinh nghiệm kinh doanh, có hệ thống quản trị bài bản... Các mô hình nhượng quyền thương hiệu như trà sữa, cà phê, mì cay, ẩm thực… liên tục tăng số lượng bất chấp tình hình kinh tế khó khăn.

Điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây, nhiều chuỗi kinh doanh của Việt Nam sau khi gầy dựng được mô hình trong nước đã tính chuyện đi nhượng quyền ra nước ngoài. Đây phần lớn là các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B, dịch vụ… có thế mạnh khai thác tài nguyên bản địa Việt Nam hoặc ứng dụng công nghệ, gia tăng trải nghiệm mua sắm, sử dụng dịch vụ cho khách hàng. 

Ông Trần Nhật Vũ - nhà đồng sáng lập thương hiệu chuỗi trà sữa Phúc Tea cho biết đã tiếp xúc với đối tác ở Malaysia cho đại lý nhượng quyền độc quyền - "master franchise". Thương hiệu Phở'S của đầu bếp Nguyễn Tự Tin - người đoạt giải "Hoa hồi vàng" trong Ngày của Phở cũng đã chuẩn hóa công thức, cách nấu để đi nhượng quyền quốc tế. Các thương hiệu về chăm sóc sức khỏe như Care With Love, Star Home Spa, Run Together Vietnam... cũng bắt đầu quan tâm phát triển thị trường bên ngoài. 

Chia sẻ tại hội thảo "Hiểu đúng để đầu tư nhượng quyền thành công", bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Go Global Holdings, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu cho rằng, ẩm thực Việt được xem là một trong những ngành tiềm năng nhất để đi theo con đường nhượng quyền nhờ lợi thế tính khác biệt cao và người tiêu dùng mong chờ. Việt Nam với những món ăn truyền thống và ngày càng được khách hàng quốc tế biết đến như phở, bún, bánh cuốn, bánh mì… đang đứng trước cơ hội vàng để bước ra thế giới thông qua một mô hình phù hợp. Điều này cũng đúng với ngành dịch vụ khi ứng dụng công nghệ vào mô hình vận hành.

Đặc biệt, mô hình công nghệ sẽ trở thành xu hướng tương lai. Các mô hình startup công nghệ tài chính (fintech), công nghệ quản lý tài sản (wealth tech), công nghệ thiết bị bay không người lái (drone), các dịch vụ cung cấp qua app, thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm… đều đã có những mô hình nhượng quyền và cấp phép được triển khai. Các startup công nghệ tại Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng hình thức nhượng quyền để tăng tốc phát triển.

-7099-1685419000.jpg

Nhà đầu tư tìm hiểu về một mô hình nhượng quyền trong nước

Việc đưa công nghệ vào tối ưu hóa quy trình vận hành, quản trị tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mô hình nhượng quyền công nghệ, tạo ra nhiều kênh doanh thu mới, gia tăng doanh số, tăng độ trung thành và tương tác của khách hàng với thương hiệu. Đây sẽ là một xu thế quan trọng trong tương lai với lĩnh vực nhượng quyền.

“Chìa khóa” để thành công

Trên thực tế, tại Việt Nam, nhượng quyền vẫn chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng chuyên nghiệp. Rất nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, xây dựng nền tảng chưa chuyên nghiệp, ứng dụng các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ. Kết quả là đã xảy ra những mâu thuẫn và tranh chấp đáng tiếc trong thời gian qua, làm nhiễu loạn thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng chưa hiểu đúng và đầy đủ về nhượng quyền đã dẫn đến các lựa chọn đầu tư chưa tối ưu, không mang đến hiệu quả, thành công như kỳ vọng. 

Bà Nguyễn Phi Vân cho rằng, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào những trường hợp nhận nhượng quyền thành công mà vội vã đầu tư. Bởi mô hình này không dành cho tất cả và đã có những người tham gia lỗ nặng. Theo bà, có 3 chìa khóa đầu tư để nhượng quyền thành công. 

Thứ nhất, nhà đầu tư phải hiểu chính mình, nhìn nhận bản thân ở các mặt như khả năng tài chính, khả năng điều hành, kinh doanh, quản trị, phong cách sống, quỹ thời gian... Từ đó, mới có thể tìm được phong cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân. Trên thực tế, 50% thành công của việc chọn cách đầu tư đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết.

Thứ hai, phải tận dụng tối đa nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền. Bí quyết thành công nằm ở việc nhà đầu tư nhận quyền tận dụng nguồn lực có sẵn của thương hiệu như thế nào để kinh doanh hiệu quả. Điều hay và đặc biệt nhất trong nhượng quyền là nhà đầu tư được tham gia vào một hệ thống chuyên nghiệp, đã có nền tảng hỗ trợ chắc chắn và đây chính là nguồn lực lớn doanh nghiệp mua nhượng quyền phải tận dụng tối đa.

Thứ ba, kết nối, hỗ trợ để cùng nhau phát triển. Các thương hiệu nhượng quyền luôn luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ các đối tác nhận quyền tích cực, làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì sự thành công chung. Do đó, hãy là người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp.

-5532-1685419000.jpg

Hoạt động nhượng quyền đã sôi động trở lại trong thời gian gần đây

Nếu có tinh thần doanh nhân, chấp nhận rủi ro và sẵn sàng dành nhiều thời gian, công sức, nhà đầu tư có thể mua nhượng quyền và tự vận hành cơ sở. Còn nếu chỉ muốn đầu tư và hưởng thu nhập thụ động, có thể lựa chọn hình thức đầu tư tài chính, thuê thương hiệu vận hành hộ. Nếu không thích rủi ro, nhà đầu tư nên chọn thương hiệu có chiều dài lịch sử lâu đời, còn nếu thích mạo hiểm và sáng tạo thì có thể chọn thương hiệu trẻ. Các thương hiệu đã có chỗ đứng thì chi phí nhượng quyền cao và khó đàm phán, còn thương hiệu trẻ sẽ dễ có những thỏa thuận có lợi hơn với chi phí đầu tư thấp hơn.

Tuy nhiên, "dù lựa chọn hình thức nào, thương hiệu nào, nhà đầu tư cũng cần tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền, từ các vấn đề về nhân sự, vận hành đến marketing và phải biết đứng trên vai người khổng lồ", chuyên gia Nguyễn Phi Vân tư vấn.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022 có 18 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài hoặc tái ký hợp đồng vào Việt Nam. Trong hai năm đại dịch Covid-19, số lượng thương hiệu gia nhập hoặc tái ký hợp đồng là 26 trong năm 2021 và 22 trong năm 2020.

Hồng Nga