Đẩy mạnh khai thác kênh xuất khẩu… ngách
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 29/05/2023
Kênh xuất khẩu xuyên biên giới, xuất khẩu tại chỗ đang được đẩy mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn |
Tăng xuất khẩu online, xuất khẩu tại chỗ
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam thuộc tốp những nước dẫn đầu về giao thương, xuất khẩu xuyên biên giới. Chia sẻ tại một diễn đàn xuất khẩu gần đây, ông Huỳnh Kim Tước - Đồng chủ tịch Tiểu ban Kinh tế số và công nghệ, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Việt Nam thuộc top 20 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trên nền tảng kinh doanh xuyên biên giới, Việt Nam cũng thuộc tốp những nước dẫn đầu và đang tiếp tục tăng trưởng.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây. Riêng với Amazon, số đối tác bán hàng Việt Nam của sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới này đã tăng 80% trong năm 2022, trong số đó đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với xuất khẩu tại chỗ, thông qua hệ thống phân phối tại các nước cũng như đối tác ở nước ngoài, các nhà bán lẻ đã đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Thu mua và xuất khẩu của MM Mega Market Việt Nam cho biết, từ năm 2019, doanh nghiệp này đã xuất khẩu khoai lang, thanh long, bưởi, dừa, cá tra, tôm, đùi ếch... sang Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ. Từ cuối năm 2019 đến nay, các mặt hàng nông sản Việt Nam đã được phân phối trong hệ thống hơn 60 siêu thị của Công ty Sheng Siong Supermarket tại Singapore. Công ty này đang chuẩn bị xuất nông sản sang 4 thị trường khác là Hàn Quốc, Hà Lan, Mỹ, Malaysia và hướng đến hai thị trường khó tính khác là châu Âu và Nhật Bản.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của MM Mega Market đạt 60 tỷ đồng, hướng đến 80 tỷ đồng trong năm 2023 với hơn 2.000 tấn nông sản và thủy hải sản. “Hiện đội ngũ MM Mega Market tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp mới đạt tiêu chuẩn tại địa phương, cũng như nâng cao năng lực nhân sự và quản lý chất lượng để đảm bảo nguồn hàng luôn đáp ứng yêu cầu từ các thị trường khó tính nhất”, đại diệm MM Mega Market cho biết.
Doanh nghiệp đang tìm kiếm đầu ra xuất khẩu cho mặt hàng nông sản |
Còn với Saigon Co.op, hằng năm, thông qua liên doanh với NTUC Fair Price, Co.opXtra (đơn vị con của Saigon Co.op) đã xuất khẩu từ 200-300 tấn nông sản (chuối, thanh long, dưa lưới, ớt chuông, hạt tiêu, hạt điều, dầu ăn, thủy hải sản (tôm, cá tra phi lê…) đến thị trường Singapore. Năm 2022, thông qua hệ thống siêu thị của đối tác, nhà bán lẻ này đã xuất khẩu sang Singapore nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản trị giá 70 tỷ đồng.
Cũng trong xu hướng này, từ năm 2017-2022, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của Aeon đến Nhật Bản và các quốc gia khác đạt hơn 2 tỷ USD. Ngoài các mặt hàng nông sản, thực phẩm, Aeon cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm thời trang, gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp được sản xuất tại Việt Nam.
Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Aeon sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tới các thị trường quốc tế thông qua hệ thống bán lẻ của mình. Không chỉ thế, Aeon tại Việt Nam còn hợp tác với các công ty của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á để sản xuất các sản phẩm nội thất mang thương hiệu Việt Nam. Nếu thị trường đón nhận tốt, Aeon sẽ tăng sản lượng và mở rộng xuất khẩu mặt hàng này.
Thách thức với xuất khẩu xanh
Thách thức hiện nay với các doanh nghiệp là “xuất khẩu xanh”. Với các nông sản Việt Nam, làm sao để duy trì và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua tăng giá trị, khối lượng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh, khẳng định được thương hiệu “Nông sản Việt” trên thị trường thế giới là thách thức lớn.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm xuất khẩu tại chỗ, ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, ở mỗi thị trường sẽ có các thách thức và rào cản khác nhau từ kỹ thuật đến thương mại. Chẳng hạn như một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ có những thách thức đến từ chính sách bảo vệ các mặt hàng nông sản nội địa. Trong đó, với thị trường Singapore, mặt hàng tôm và đùi ếch ngoài các tiêu chuẩn về cân nặng, còn đòi hỏi phải đạt được bài test SFA để đảm bảo không có dư lượng kháng sinh hay vi khuẩn vượt ngưỡng cho phép.
Tìm kiếm, đẩy mạnh khai thác thị trường ngạch, kênh xuất khẩu ngách đang được doanh nghiệp chú trọng |
Còn ở các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ngoài các yêu cầu tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu, các sản phẩm của Việt Nam (gồm thanh long, bưởi, dừa) phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL Controlled). Các sản phẩm cung cấp phải có đủ mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói (packing house code).
Ngoài ra, nhà nhập khẩu cũng quan tâm về việc duy trì mức giá tốt nhất trên thị trường khi thu mua. Đây là rào cản về thương mại thách thức Việt Nam phải tìm ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và đạt đủ yêu cầu để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Khi làm việc với các nước nhập khẩu khó tính đều hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh.
Thế nhưng, doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế xanh lại khó cạnh tranh vì phải làm theo quy trình, quy chuẩn, tốn chi phí lớn để xây dựng và duy trì mã số vùng trong. Bởi thế mà một số doanh nghiệp không theo đuổi nổi phải bỏ cuộc sau vài năm đầu tư.
“Hành trình tìm kiếm thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt luôn nhiều thách thức. Trong đó, chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi, căn bản nhất”, ông Tùng đúc kết kinh nghiệm.