Xây dựng môi trường giải trí trực tuyến tích cực

Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 27/05/2023

Môi trường giải trí trực tuyến [Video On Demand - VOD] đã trở thành một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam... Tuy nhiên, để VOD phát triển và cạnh tranh lành mạnh, còn rất nhiều việc phải làm, kể cả quản lý nhà nước...

Thị trường đang phát triển mạnh 

Hiện nay, người dùng chỉ cần một tài khoản được đăng ký để dùng trên nhiều thiết bị như smart TV, smart phone, tablet, laptop... là có thể thoải mái thưởng thức các chương trình giải trí trên nền tảng Internet. Theo nghiên cứu của We Are Social 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% dân số. Trong đó, 55,4% để xem video, phim hoặc các chương trình trên TV.

Còn theo nghiên cứu từ Statista về thị trường VOD tại Việt Nam, doanh thu dự kiến sẽ đạt 221 triệu USD vào năm 2023 và sẽ tăng với tốc độ CAGR (Compound Annual Growth Rate - tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm) là 11,85%, lên 345,90 triệu USD vào năm 2027. Những nghiên cứu trên cho thấy thị trường VOD ở Việt Nam đang phát triển mạnh. 

-5313-1685002834.jpg

Giao diện giới thiệu nội dung giải trí của TV360

Hiện cả nước đang có 22 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có các dịch vụ xuyên biên giới. Top 10 nền tảng giải trí trực tuyến đông người dùng có thể kể như Netflix, Apple TV+, iQIYI - thuộc Tập đoàn Baidu (Trung Quốc), FPT Play (FPT Telecom), VTV Giải trí (Đài Truyền hình Việt Nam), Galaxy Play (hãng phim Thiên Ngân), VieON (Đất Việt VAC), My K+ (Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam), TV360 (Viettel), MyTV (Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, VNPT).

Các nền tảng này cung cấp bản quyền nhiều giải thể thao trên thế giới, phim truyền hình và điện ảnh bản quyền từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan hay các nước Âu, Mỹ; cùng hàng trăm kênh truyền hình trong nước, quốc tế. Bên cạnh nội dung bản quyền, một số DN nội địa như FPT Play, My K+, VieON... đã tự sản xuất phim truyện, âm nhạc, gameshow...

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP với những điều chỉnh về quy định DN nước ngoài tham gia kinh doanh truyền hình tại Việt Nam đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Nghị định 71 quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, các đơn vị truyền hình trả phí tại Việt Nam phải có pháp nhân đại diện trong nước, chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam sẽ bị chặn truy cập. 

Tuy nhiên, hiện nay các dịch vụ VOD nội địa có bản quyền luôn bị “đe dọa” bởi tình trạng “đua nở” của website phim lậu, ứng dụng xem video review phim, web drama, video giải trí trên TikTok, YouTube, Facebook... có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa hoặc không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, thậm chí một số dịch vụ VOD xuyên biên giới vi phạm về thuần phong mỹ tục, lối sống và chính trị, pháp luật. Bởi vậy, điều quan trọng là phải tạo ra môi trường giải trí trực tuyến tích cực, đồng thời tăng sức cạnh tranh đối với DN nội bằng nội dung hay, tích cực, quan tâm giới thiệu về văn hóa Việt Nam.

Gợi mở một số giải pháp từ Hàn Quốc 

Để xây dựng môi trường trực tuyến tích cực, Hàn Quốc đã xây dựng đạo đức, lối sống và các giá trị văn hóa trên Internet với nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng văn hóa, xây dựng môi trường mạng an toàn và bảo mật, khuyến khích sáng tạo và sử dụng công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR), tạo điều kiện cho sự phát triển của nghệ sĩ và nhà sản xuất văn hóa trên mạng, giám sát và kiểm soát nội dung trên mạng, xây dựng văn hóa ứng xử trên môi trường mạng. Chính phủ Hàn Quốc cũng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các loại hình văn hóa - nghệ thuật trên Internet, bao gồm phim, chương trình truyền hình, âm nhạc, gameshow, trò chơi điện tử.

Tăng sức cạnh tranh của những dịch vụ VOD trong nước với nước ngoài cũng là một giải pháp để tạo môi trường trực tuyến tích cực. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc có nhiều chính sách hỗ trợ các công ty trực tuyến đầu tư vào sản xuất những chương trình, phim ảnh, nội dung liên quan đến văn hóa đất nước.

-2669-1685002834.jpg

Phim truyền hình Dưới bóng cây hạnh phúc chiếu trên VTV Giải trí rất "ăn khách"

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, chúng ta nên tăng nguồn vốn đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho các nền tảng giải trí trực tuyến trong nước. Điều này cần sự hợp tác của DN liên quan, từ sản xuất kịch bản đến phân phối qua nền tảng VOD, sự hỗ trợ tối đa về ưu đãi như thuế, hợp tác làm cầu nối quốc tế, từ đó giúp DN mạnh dạn phát triển nội dung mang đậm bản sắc Việt, phù hợp với nhu cầu giải trí của người dân trong nước.

Đặc biệt, cần chú trọng tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các nhà sản xuất nội dung. Chẳng hạn, với nội dung giàu bản sắc văn hóa Việt Nam, DN cần được hỗ trợ tối đa để phân phối qua nền tảng OTT (giải pháp cung cấp nội dung trên Internet) với chi phí tốt nhất. Đồng thời, chú trọng quảng bá và thúc đẩy nội dung văn hóa (tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc và văn hóa truyền thống) giúp tăng cường nhận thức văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. 

Người sử dụng dịch vụ cũng có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ mình và người thân khi lựa chọn, sử dụng các dịch vụ giải trí trực tuyến. DN giải trí trực tuyến nội địa muốn có nhiều người dùng thì nội dung phải hay, được đầu tư chỉn chu về kỹ thuật hình ảnh, âm thanh và đặc biệt là mang dấu ấn văn hóa Việt Nam. Những bộ phim truyền hình về cuộc sống, xã hội Việt Nam như Dưới bóng cây hạnh phúc, Gia đình mình vui bất thình lình... gần đây trên VTV Giải trí thu hút rất nhiều người xem là vì vậy. 

Đan Khanh